Chủ tịch FPT nhận mình là 'đầy tớ' của nhân viên

"Tôi không thích cách gọi ông chủ - người làm thuê trong FPT bởi nó quá xa lạ, dù là người đứng đầu, nhưng chắc chắn, những gì tôi làm còn nhiều hơn những gì tôi hưởng", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại Đại hội Công đoàn FPT, nhiệm kỳ 2015-2020, diễn ra vào chiều ngày 5/6 tại Hà Nội.


Sau 5 năm (kể từ 2010), Đại hội công đoàn FPT nhiệm kỳ mới đã được tổ chức với sự tham gia của gần 90 đại biểu, đại diện cho gần 23.000 công đoàn viên trong công ty. Chương trình có sự tham gia của Chủ tịch Công đoàn Bộ Khoa học Công nghệ Đặng Quang Huấn.


Chủ tịch FPT đánh giá cao vai trò của công đoàn trong sự phát triển của tổ chức.


Đánh giá cao các hoạt động của công đoàn, Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng, điều quan trọng nhất của mỗi công đoàn viên chính là sự "hội tụ trách nhiệm", thể hiện ở 3 khía cạnh: quyền lợi của chính mình, chăm sóc tinh thần và trách nhiệm xã hội.


Người đứng đầu FPT tự nhận mình là "đầy tớ" của CBNV, khi thời gian anh làm việc và cống hiến cho công ty còn nhiều hơn thời gian cho bản thân.


"Các bạn hãy coi FPT giống như một gia đình, việc của công đoàn là làm thế nào để phục vụ tốt nhất cho người nhà của mình. Nếu con em người FPT bị ung thư, chúng ta sẽ làm gì cho họ? Ai đó gặp vấn đề, FPT sẽ chăm lo thế nào?. Chúng ta chăm sóc CBNV của mình bằng trái tim chứ không phải bằng tiền", anh nói.


Dịp lễ Thiếu Nhi 1/6 vừa qua, anh Bình có nhận được hai phong bì "theo chế độ" của công đoàn dành cho FPT Small. Theo anh, công đoàn nên tổ chức một buổi vui chơi cho các con thỏa thích, vui vẻ thì sẽ để lại ấn tượng và kỷ niệm đáng nhớ. Lựa chọn hình thức chăm lo tối ưu nhất cho công đoàn viên của mình là trách nhiệm của công đoàn.


Theo anh Bình, công đoàn không chỉ ở mỗi việc lo cưới xin, ma chay, giải quyết các quyền lợi cho anh em mà còn phải chăm lo cả đời sống tinh thần. Có rất nhiều người rời xa FPT rồi mới thấy và hiểu được những gì họ đã mất đi. Đó chính là giá trị mà FPT mang lại cho mỗi người. 


Về mảng trách nhiệm xã hội, Chủ tịch FPT cho rằng, chỉ khi nào cận kề giữa sự sống và cái chết, con người mới thấy được giá trị của cuộc sống. Do đó, anh khuyên, mỗi người hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu cuộc sống. 


Các nội dung đưa ra trong đại hội được các đại biểu đồng thuận.


Cách đây khá lâu, khi đã lập ra FPT, anh Bình từng có thời gian công tác trong miền Nam và thử cuộc sống của người tha hương trong một đêm. "Thật khó để diễn tả cảm xúc khi một mình nằm trên đường phố. Khi ánh đèn từ ô cửa sổ cuối ngõ tắt cũng là lúc mà muỗi và bóng đêm bao phủ. Nằm trên vỉa hè cổ rất đau và mỏi", dù là chỉ giả vờ, nhưng anh Bình cũng thấu hiểu một phần nỗi cơ cực của những người khốn khổ trong xã hội. Vì vậy, quan điểm của anh là "FPT làm trách nhiệm xã hội như một nghĩa vụ tự thân". 


Như bất cứ kỳ đại hội nào, ĐH Công đoàn FPT nhiệm kỳ 2015 -2020 cũng trải qua các phần báo cáo tổng kết, kiểm điểm và phương hướng nhiệm vụ mới. Nhìn lại chặng đường đã qua, Chủ tịch Công đoàn FPT Trần Thu Hà kết luận: "Hoạt động công đoàn đã đồng hành với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn cũng như chăm lo đời sống tinh thần cho CBNV. Sau 5 năm, FPT đã có một tổ chức Đoàn thể vững mạnh, xuyên suốt qua 4 cấp từ tập đoàn, các công ty con, công ty cháu và các trung tâm, cơ sở. Hy vọng trong nhiệm kỳ mới, Ban chấp hành công đoàn sẽ tiếp tục đảm đương và hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao phó".


Chủ tịch Công đoàn Bộ Khoa học Công nghệ Đặng Quang Huấn đánh giá: "FPT là một trong 54 chi đoàn trực thuộc Bộ và là đơn vị có đóng góp đứng đầu trong khối doanh nghiệp. Những kết quả trong 5 năm qua của FPT cho hoạt động xã hội cho thấy tình hình kinh doanh cũng như đời sống của CBNV ngày một nâng cao".


Công đoàn viên Nguyễn Hữu Hoàng Trúc, Chánh Văn phòng FPT IS HCM nhận xét: "Sự gắn kết của FPT trong thời gian đầu mạnh mẽ hơn, chất FPT đậm nét hơn. Nay FPT phát triển nên gắn kết lỏng lẻo hơn. Công đoàn và tổng hội cần có những hoạt động mang tính chất cộng đồng từ đó kêu gọi sự gắn kết của người FPT từ các đơn vị thành viên".


Nguồn: Chungta (6/2015)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn