Bài viết thuộc chuyên mục: Doanh nhân FPT kể chuyện, tác giả Trần Nhật Quang, năm 2005.
BUỔI CHIỀU POLO
Kỷ niệm có lẽ đáng nhớ nhất với tôi trong thời gian đã qua với Elead, là một buổi chiều đầu năm 2002 - đáng nhớ chắc bởi đó là kỷ niệm của sự khởi đầu. Hôm đó, Hoàng Nam Tiến hẹn gặp tôi ở Polo một quán bar nhỏ trên đường Hàm Nghi (TP HCM), nơi các đại gia và người mẫu thường hẹn hò, vì nó rất tiện trong việc giữ gìn thương hiệu cho cả hai bên.
TiếnHN nói với tôi về mong muốn xây dựng một thương hiệu máy tính cho FPT. Vào năm 2002, “xây dựng thương hiệu Việt Nam đang là một phong trào rất thời thượng với các doanh nghiệp VN. Các công ty chuyên hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu làm ăn rất phát đạt, các quan chức đi đâu cũng nói về thương hiệu, ai cũng hừng hực tin tưởng rằng chỉ cần dán một cái nhãn in thương hiệu lên sản phẩm là có thể bán giá gấp đôi, gấp ba. Và đặc biệt khi đó, CMC còn đang là một đối thủ đáng gờm của FPT. Họ kinh doanh và cạnh tranh với FPT trong hầu hết các lĩnh vực tin học và có một lĩnh vực mà FPT chưa làm, đó là máy tính thương hiệu Việt. Hiển nhiên là công ty tin học số một Việt Nam không thể không cảm thấy khó chịu khi để lọt vị trí số một của máy tính thương hiệu Việt Nam về tay người khác. Tóm lại, theo TiếnHN thì FPT đang quyết tâm xây dựng một thương hiệu máy tính của riêng mình, với mục tiêu rất đơn giản là sau vài ba năm thì phải chiếm giữ được thị phần số một trong số các thương hiệu máy tính Việt.
Cá nhân tôi đã từng làm việc cho FPT trong nhiều vị trí khác nhau từ năm 1997 - 1998. Tuy nhiên, thời gian gặp TiếnHN, tôi đã không làm ở FPT nữa. Và có lẽ do cuộc sống tình cảm cá nhân hết sức thê thảm mặc dù tiền bạc thì không đến nỗi nào nên đứng trước cơ hội được làm một công việc lạ lùng: xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất, cộng thêm ý nghĩ thích thú là được sống, làm việc cùng những người mà tôi quý mến, khâm phục, và cảm thấy có thể chia sẻ được về văn hóa, tôi không do dự khi nhận lời với TiếnHN. Cả hai cùng thống nhất khi nào Elead đạt được con số chừng 300 máy/ tháng sẽ coi như đã tạm thành công. Tất nhiên có một số thỏa thuận khác, mà có lẽ cả tôi và TiếnHN chẳng còn ai nhớ nữa.
TĂNG TỐC
Có thể con số 300 là quá nực cười vào thời điểm bây giờ, nhất là khi FPT đã vươn lên đến mức doanh thu gần 10 ngàn tỷ VNĐ, nhưng với chúng tôi thời gian đầu, đó thực sự là cả một nỗ lực gian nan. Sau khi được Ban TGĐ duyệt kế hoạch kinh doanh, chúng tôi bắt đầu gần như từ con số không: từ tên thương hiệu, cho đến đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, quy trình chất lượng, mô hình kinh doanh và các quan hệ với đối tác quốc tế. Công việc thì nhiều, nhưng tôi thấy rất thú vị, vì cảm giác hàng ngày đều có sự tiến triển, và bản thân mình được học rất nhiều trong những lĩnh vực mà trước đây chưa biết chút gì như Branding, PR, Quảng cáo, Sản xuất...
Còn nhớ lần đầu tiên tổ chức họp báo, tôi cảm thấy rất hoang mang trước các phóng viên và những câu hỏi mà bản thân mình cũng chưa từng nghĩ đến. Nghĩ lại bây giờ tôi vẫn rất biết ơn anh Lê Trường Tùng đã hỗ trợ về kinh nghiệm trong việc giao tiếp này và giúp tôi hiểu ra rất nhanh rằng PR là công việc có thể nói là quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu.
Ngay sau khi anh Bình quyết định rằng FPT sẽ đầu tư nghiêm túc cho Elead, thì rất nhiều công việc được tiến triển rất nhanh. Anh NgọcBQ giúp đỡ về hồ sơ ISO, chị ThanhTT đi tìm địa điểm cho nhà máy, anh TùngLT bỏ thời gian bay cùng tôi qua Đài Loan để tìm mua dây chuyền sản xuất, TiếnHN chém tay cho hàng loạt đơn hàng Chỉ sau một năm, Elead đã xây dựng xong ISO 9001, ISO 14000, nhà máy, các chứng chỉ hợp tác ở cấp độ OEM với Intel, Microsoft, và đứng thứ hai trong tất cả các cuộc bình chọn về thương hiệu máy tính VN. Năm 2004, tức là chỉ sau hai năm thành lập, Elead đã vươn lên vị trí số một, đạt doanh thu xấp xỉ FPT HCM năm 2000, vượt CMS không chỉ về doanh thu, giải thưởng mà cả mức độ nhận biết và đánh giá người tiêu dùng về thương hiệu.
ĐI ĐÂU?
Trong các cuộc họp giao ban ở FPT HCM, anh Tuấn Hùng hay đọc một câu thơ mà lần nào tôi cũng rất thích thú khi được nghe: “Tiến lên ta quyết tiến lên, tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu, hàng đầu ta quyết đi đầu, đi đầu ta biết đi đâu bây giờ?. Quả thật, sau khi vươn lên vị trí số một, mặc dù chưa cách xa đối thủ ở khoảng cách đủ an toàn, nhưng trước mắt Elead dường như là một chân trời vô định. Thị trường Việt Nam thì nhỏ, ngành CNTT đang ngày càng ít lãi, các nhà sản xuất thì ngày càng khó khăn. Trong số 10 nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới chỉ còn có hai công ty có lãi là Dell và Apple, mà cả hai đều kinh doanh và sản xuất theo những cách không giống ai cả. Hơn thế, Elead chỉ có hai khách hàng ruột là FDC và FIS, cả hai đại gia này đều có doanh thu và lợi nhuận gấp hàng chục lần so với Elead, đây vừa là thuận lợi, vừa là vấn đề nan giải.
Tôi hiểu rằng, vào thời điểm này, Elead muốn có lợi nhuận tốt thì trước mắt chỉ có hai cách, mà phải thực hiện đồng thời: một là bán rất nhiều, và hai là mua rất rẻ. Nhưng muốn mua được rẻ từ 3-5% thì Elead phải mua nhiều đến mức chiếm khoảng 50% thị phần Việt Nam thì các nhà sản xuất nước ngoài mới quan tâm. Mà muốn đạt được 50% thị phần thì ngoài việc xây dựng kênh bán hàng rất tốt, còn phải mua rất rẻ, có lẽ là phải rẻ đến 15%, vì giá trị thương hiệu của FPT Elead chưa đủ để khách hàng chấp nhận mức giá đắt hơn chừng 5%, trong khi các công ty nhỏ kinh doanh linh kiện chỉ cần lách rất nhẹ nhàng là cũng đã trốn được 5% thuế!. Lại là bài toán quả trứng và con gà. Vấn đề theo như anh Hoàng Minh Châu nhận xét: Chỉ là quả trứng nào, và con gà nào. Thực sự thì đến bây giờ chúng tôi vẫn băn khoăn là quả trứng nào và con gà nào nên có trước. Elead chạy theo rất nhiều mục tiêu cùng một lúc: thương hiệu số một, thị phần số một, chất lượng số một, rẻ số một, lợi nhuận cũng phải số một (tất nhiên là trong các nhà sản xuất máy tính VN).
Tốc độ tăng trưởng gần 100% của Elead trong năm 2004 chứng tỏ một điều rằng trong một thị trường rất khó khăn, không phải hoàn toàn không có cơ hội. Tuy nhiên, vào năm 2005 thì Elead không giữ được tốc độ tăng trưởng cao như thế nữa. Có thể do thị trường VN quá chậm, có thể do rất nhiều nguyên nhân khác, nhưng con số tăng trưởng 30-35% trong năm 2005 là một con số tạo ra nhiều câu hỏi với một thương hiệu còn non trẻ như Elead. Bài học từ Apple, Dell và Google cho thấy rằng, trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, khi mà chúng ta đã connect everything to everything, phần thắng sẽ chỉ thuộc về ai dám nghĩ khác, làm khác. Và nếu buộc phải đi theo con đường cũ, thì chỉ còn cách cố gắng giành giật lấy những thị phần ngày càng ít ỏi.
Những gì tôi viết trên đây không liên quan nhiều đến Elead, nhưng dù sao nó cũng là một góc nhìn từ một người đã có may mắn đi với nó từ đầu, đã vui sướng, đau buồn với nó, và rất mong mỏi (nói theo kiểu Forest Gump) là dù nàng có ở đâu, nàng có làm gì, thậm chí có ở với ai, tôi cũng chỉ mong nàng hạnh phúc.
Bảo tàng FPT (2005)