TGĐ FPT Telecom Chu Thanh Hà vui mừng tuyên bố việc FPT Telecom đã chính thức kết nối với tuyến cáp quang AAG từ ngày 30/12/2009
Tuyến cáp quang liên lục địa Á Mỹ (Asia – America Gateway – AAG) là tuyến cáp biển nối liền 10 quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ, có chiều dài 20.000 km, tổng dung lượng 1,92Tbps (mỗi Tb tương đương với 1.000Gb).
Ngày 10/11/2009, AAG chính thức thông báo với báo chí về ngày sẵn sàng cung cấp dịch vụ (RFS), và sau hơn một tháng chuẩn bị cho các kênh truyền và đấu nối đến trạm cập bờ, các thành viên AAG đã có thể đưa vào sử dụng những kênh đầu tiên.
Ngày 30/12/2009, sau thời gian gấp rút chuẩn bị với đối tác bờ Singapore và Hồng Kông, 2 kênh 2,5Gbps đầu tiên của FPT Telecom đã được đưa vào sử dụng cho dịch vụ IP “transit” quốc tế.
Việc kết nối với tuyến cáp quang quốc tế này đã được Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) bình chọn là một trong 8 sự kiện nổi bật nhất của công ty năm 2009.
Chị Chu Thanh Hà cho biết, vốn đầu tư của toàn tuyến cáp lên tới 560 triệu USD. Sau 2 năm tham gia liên minh này, với vốn góp 10 triệu USD, FPT Telecom được quyền sở hữu 1,7% tuyến cáp và được quyền khai thác dung lượng tương đương 40Gbps.
Nói về ý nghĩa của việc kết nối này, anh Lê Viết Thành Luận, Phó Ban Viễn thông và Đảm bảo chất lượng FPT Telecom cho biết: “Với 5Gbps quốc tế mới, dung lượng AAG đã kích hoạt chiếm khoảng 1/5 tổng dung lượng Internet quốc tế hiện nay của FPT Telecom”.
Anh Luận cũng cho hay, dự tính trong quý I/2010 FPT Telecom sẽ tiếp tục kích hoạt và đưa vào sử dụng tiếp 20G dung lượng mới qua hệ thống AAG.
AAG là cổng ra quốc tế thứ hai của FPT Telecom. Tuyến cáp cập bờ tại Vũng Tàu này sẽ hỗ trợ tuyến cáp đất liền của FPT Telecom qua biên giới Việt Trung (kết nối với China Unicom tại Lạng Sơn), loại bỏ nguy cơ gián đoạn liên lạc hoàn toàn đã từng xảy ra vào các năm 2004 và 2006, khi chỉ có một ngõ ra duy nhất.
Ngoài ra, “việc tham gia hiệp hội AAG cùng với 18 thành viên là các công ty viễn thông quốc tế hàng đầu như AT&T, Telstra, TM…, đã mở ra cho FPT Telecom cơ hội kết nối với một môi trường viễn thông mới năng động, giàu tiềm năng như cũng không kém phần thử thách”, anh Luận nói thêm về về cơ hội của FPT Telecom trước sự kiện kết nối này.
“Chúng ta đã có thể mở kết nối quốc tế với thời gian rút ngắn rất nhiều so với trước đây, độc lập và có nhiều lựa chọn đối tác cho các dịch vụ viễn thông quốc tế”, anh khẳng định.
Trong quá trình triển khai tuyến cáp, AAG chia thành 6 tiểu ban phối hợp hoạt động với nhau để xây dựng và vận hành tuyến cáp dưới sự điều hành cao nhất của ban MC (Management Committee). Về kỹ thuật, tiểu ban AR&RSC (Assignments, Routing and Restoration Subcommittee) là tiểu ban điều chung hành hệ thống kỹ thuật trong quá trình xây dựng. FPT Telecom có đại diện tham gia cả hai tiểu ban này.
Quá trình xây dựng tuyến cáp biển lớn như AAG rất phức tạp. AAG liên tục gặp khó khăn, cả chủ quan lẫn khách quan, dẫn đến trễ hạn hoàn tất tới gần 8 tháng, từ mốc 23/02/2009 đến 10/11/2009. Việc triển khai đòi hỏi cách tổ chức chuyên nghiệp và có sự hợp tác cao độ giữa các thành viên tham gia, các đối tác và chính phủ các nước.
Anh Luận cho biết: “Lần đầu tiên tham gia một tuyến cáp biển, ngoài vai trò biểu quyết cho các vấn đề chung của tuyến cáp, FPT Telecom cũng tham gia các tiểu ban điều hành để học hỏi và cập nhật đầy đủ thông tin nhằm sử dụng tối ưu phần dung lượng được cấp, đồng thời cùng theo dõi và giám sát việc vận hành hệ thống.
Với nhu cầu sử dụng băng thông quốc tế rất lớn và liên tục tăng với mức tăng từ 100% đến trên 150% mỗi năm và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và an toàn dịch vụ, việc tham gia xây dựng và sở hữu các tuyến cáp biển khác là bước đi hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển viễn thông của FPT Telecom.
Trong tương lai gần, FPT Telecom dự tính sẽ tiếp tục nâng cấp kết nối tuyến cáp đất liền với China Telecom và China Unicom, đồng thời tiếp tục mở rộng đầu tư vào các tuyến cáp biển mới trong đó có APG (Asia Pacific Gateway).
Những cơ sở hạ tầng này sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho FPT Telecom thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh nội địa của công ty và chiến lược Go mass mà Tập đoàn FPT xác định vừa qua.
Bảo tàng FPT (2010)