Các cán bộ FPT đã phần nào giải tỏa được những thắc mắc về sự thay đổi nhận diện thương hiệu FPT vừa qua, khi tham dự chương trình Leader Talk số 5 do diễn giả - TGĐ FPT Nguyễn Thành Nam trình bày.
Phần đầu chương trình, anh Nam “bắt cóc” được anh BìnhTG trong gần 10 phút để người tham dự được nghe hai anh đối thoại và cùng kể về thời kỳ “sơ khai” của cái tên FPT.
Theo lời kể của hai anh, ban đầu, từ tên viết tắt FPTC (Food Processing Technology Company - Công ty Công nghệ Thực phẩm), anh Lê Quang Tiến là người quyết định tên công ty chỉ có 3 chữ FPT “cho giống các hãng điện tử lớn như IBM, JVC, DEC”.
Năm 1993, khi Luật doanh nghiệp ra đời, công ty phải đăng ký kinh doanh lại, các lãnh đạo mới quyết định đổi tên đầy đủ bằng tiếng Anh của công ty cho thoát khỏi cái áo “thực phẩm”, để chuyển hẳn sang “công nghệ”, nhưng vẫn phải giữ được chữ viết tắt là FPT.
Lúc đó, FPT vẫn chưa hiểu cặn kẽ thương hiệu là gì, mà chỉ muốn lưu giữ một tên gọi quen thuộc trong lòng khách hàng, đối tác.
Anh Bình kể: “Để giữ 3 chữ FPT thì cứ giở từ điển tiếng Anh ra mà tra, thấy chữ nào hay mà bắt đầu bằng F, P và T thì chép lại”. Anh cũng “thật thà” nhận: “Khó nhất là chữ F. Tìm mãi mới được chữ Financing là ưng ý”.
Cuối cùng, thì một cái tên trúc trắc cũng được hình thành một cách kiên cưỡng: Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ (Financing and Promoting Technology). Phải đến năm 2009, công ty mới quyết định loại bỏ hẳn cái tên đầy gượng ép đó, chỉ còn là Công ty Cổ phần FPT.
Còn về logo của FPT, anh Nam kể lại, thời kỳ đầu, anh Phạm Hùng - một hậu duệ của nhà văn hóa Phạm Quỳnh - đã thiết kế cho công ty một logo mang màu sắc… thư pháp. “Logo như một chữ F viết thoắng, thêm nét ngang cùng vài nét loằng ngoằng khác nữa”.
Anh Bình giải thích: “Anh Hùng bảo, trong logo đó chứa đựng tên tất cả anh em FPT lúc ấy, đọc là Bình, là Tiến, là Hùng, là Hà…đều được cả”. (Còn anh Nam khẳng định là không đọc được chữ Nam trong đó!).
Thế nhưng logo đó cũng rất ít được sử dụng, vì hồi đó công ty chưa có biển hiệu và chỉ có anh Bình có danh thiếp…
Còn logo 3 màu của FPT, anh Bình thừa nhận là lấy cảm hứng từ logo 3 màu của hãng dầu Total mà anh thấy trên đường. Người thiết kế logo FPT cũ đã được sử dụng suốt mười mấy năm qua là anh Nội, một Kiến trúc sư làm việc tại Viện Quy hoạch, Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường cũ (nay là Bộ Khoa học và Công Nghệ).
Theo anh Bình, hình bình hành của logo FPT chính là hình ảnh cách điệu của một con chip máy tính. Anh cũng kể một câu chuyện mang tính giai thoại: các phiên bản logo nhiều màu khác nhau được treo lên cho mọi người lựa chọn bằng cách ký vào, và phiên nhận được đúng 12 chữ ký là phiên bản được chọn. Anh Bình là người đặt vào đó chữ ký thứ 13, để đưa logo 3 màu đó vào lịch sử FPT.
Ban đầu, theo thiết kế, 3 chữ FPT trong 3 khối màu được xếp bằng nhau. Tuy nhiên, khi đặt logo cho FPT HCM, anh Hoàng Minh Châu cho rằng để chữ P… tụt xuống thấp sẽ đẹp hơn, nên logo FPT được cách điệu đi một chút. “Lúc đó FPT HCM có cái showroom to lắm ở đường Nguyễn Văn Trỗi, các lãnh đạo FPT HN từ sân bay Tân Sơn Nhất vào thành phố đi qua đó thấy logo như thế… cũng hay, nên ở Hà Nội mới bắt chước theo”, anh Nam kể lại.
Vấn đề thương hiệu FPT chỉ được anh ChâuHM đặt ra cuối năm 2006, khi FPT bắt đầu lên sàn. Anh Châu tính toán: “Giá trị tài sản của cả công ty lúc đó chỉ chưa đến 200 triệu USD, vậy mà giá thị trường lên tới gần 2 tỷ USD”, và anh cho rằng phần thặng dư trên gần 1,8 tỷ USD đó chính là giá trị thương hiệu FPT.
Nhìn con số đó, lúc này, các lãnh đạo tập đoàn mới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của thương hiệu.
Lý giải cho lần thay logo bất thành năm 2008, TGĐ FPT khẳng định: “Thời điểm đó chưa gắn với sự thay đổi thật sự của Tập đoàn”. Sự thay đổi mạnh mẽ nhất của FPT chỉ đến sau Hội nghị chiến lược FPT ở Đồ Sơn cuối tháng 10/2009, khi Tập đoàn xác định chiến lược cho giai đoạn mới là Go Mass.
“Để triển khai Go Mass, trước hết, nhận diện thương hiệu của FPT cần phải được thay đổi theo hướng thân thiện hơn, dễ đi vào đại chúng hơn, thậm chí dễ đưa vào sản phẩm hơn”, anh Nam nói. Tuy nhiên, dù thay đổi logo, FPT vẫn yêu cầu “thay thế nào để người ta nhìn vào vẫn nhận ra đó là FPT”. Rất may, thiết kế của JWT đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đó.
Anh Nam cũng nhắc lại, trước thay đổi này, lãnh đạo Tập đoàn đã khẳng định, thông qua một Nghị quyết của HĐQT hồi tháng 04/2009: “Thương hiệu FPT chỉ có một, và thương hiệu đó gắn với ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn là CNTT và Viễn thông”.
Thương hiệu FPT chỉ có thể đi tới công chúng thông qua các sản phẩm. Những sản phẩm đã làm được việc đó là dịch vụ internet của FPT Telecom, các trò chơi trực tuyến của FPT Online, điện thoại FPT của FTG. Ngay cả FIS cũng đã có sản phẩm được hàng triệu người sử dụng như phần mềm đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân, FPT Software cũng đang bắt tay sản xuất những ứng dụng F-Store cho điện thoại FPT, với số lượng ứng dụng sẽ lên tới hàng chục nghìn, phục vụ hàng triệu khách hàng. Còn FPT Securities đã vươn lên dẫn đầu về thị phần giao dịch chứng khoán trực tuyến.
“Tôi tin là thương hiệu FPT sẽ đi tới được với người dân”, anh Nam tin tưởng. “Tất nhiên, mỗi sự thay đổi đều phải cần một vài năm mới thể hiện tác dụng. Cũng có một số biện pháp để đẩy nhanh sự nhận biết, như quảng cáo. Trước đây, FPT hầu như không quảng cáo trên truyền hình, nhưng sự thành công của việc quảng cáo điện thoại FPT F99 đã chứng minh hiệu quả to lớn của quảng cáo”.
Cuối cùng, TGĐ FPT khẳng định: “Tập đoàn lựa chọn Lễ hội kỷ niệm ngày thành lập FPT 13/09 để ra mắt nhận diện thương hiệu mới là hoàn toàn có chủ đích, bởi chúng ta muốn CBNV FPT là những người biết và hiểu rõ về những thay đổi này trước. Mong rằng mỗi người FPT sẽ là những Đại sứ thương hiệu để đưa thương hiệu FPT nhanh chóng đến được với mọi người”.
Bảo tàng FPT (2010)