Người F xoay xở trong tâm dịch Hải Dương

Trong thời điểm rất khó khăn khi tất cả các hoạt động phải chững lại, người F tại Hải Dương đã nỗ lực chung tay phòng dịch và đảm bảo các dịch vụ thiết yếu được cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các khách hàng.


“Em ơi anh sẽ gửi thông tin sau nhé. Do sáng nay khu vực anh quản lý phát sinh trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng nên giờ phải đi lo giấy tờ cho anh em kỹ thuật vào hỗ trợ khách hàng trong vùng cách ly”, Phùng Văn Tập, Trưởng văn phòng giao dịch Kinh Môn, FPT Telecom Hải Dương, nói dồn dập rồi cúp máy. Cuộc phỏng vấn của người nhà F tâm dịch với Chungta.vn bị ngắt giữa chừng.


Bận bộ đồ bảo hộ và khẩu trang kín mít, Tập khoác theo balo với đầy đủ giấy tờ để hoàn tất thủ tục cho anh em làm việc trong khu cách ly nội bất xuất ngoại bất nhập. Xử lý nhanh công việc với người nhà “Cáo” vốn dĩ rất quen thuộc. Tuy nhiên, để làm "tròn vai" trong tâm dịch, hơn tháng qua anh em chi nhánh Hải Dương không hề có giờ làm việc cố định. Mọi người đều trong tư thế sẵn sàng để bất cứ khi nào công việc cần là có mặt theo tiêu chí an toàn, nhanh và hiệu quả.


Một nhân viên kỹ thuật FPT Telecom trình báo công việc ở chốt kiểm soát trước khi vào hỗ trợ khách hàng.

Tập kể, một ngày của anh vẫn như trước đây. 7h20 có mặt tại văn phòng, xem lại các đầu việc và những con số trước khi giao ban với các quản lý văn phòng điểm lại các hoạt động chính như triển khai, bảo trì và các dịch vụ khách hàng trong vùng cách ly.


Vận hành tốt công việc của một đơn vị viễn thông duy trì kết nối trong vùng dịch, Tập nhận thấy FPT Telecom phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Hàng nghìn tờ rơi, bạt quảng cáo tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch, những điều cần biết về Covid-19 được dán trên các bản tin trong các khu dân cư nhằm tuyên truyền, lan tỏa tinh thần phòng, chống dịch một cách mạnh mẽ, sâu rộng tới mỗi người dân đồng thời đưa hình ảnh, thương hiệu FPT đến gần hơn với cộng đồng.


“28 Tết, khách hàng mua TV nhưng nhà trong khu cách ly nên bên giao hàng không thể vào được, họ chỉ chở đến quốc lộ 5. Khách hàng cũng không thể tự ra lấy được. Biết chuyện, tôi xung phong lái xe ra chở giúp. Lắp ráp xong họ rất xúc động vì có TV mới giải trí đón xuân trong hoàn cảnh cách ly”, anh Tập kể.


Chi nhánh Hải Dương phân chia nguồn lực kỹ thuật, dịch vụ khách hàng theo hướng ưu tiên gần nơi cư trú để thuận tiện cho sinh hoạt và công việc.


Đồng quan điểm, anh Dương Mạnh Trung, quản lý kỹ thuật khu vực Hải Dương, Cẩm Giàng, cho rằng về cơ bản, cuộc sống và công việc của anh và các đồng nghiệp không có xáo trộn nhiều bởi đã trải qua vài lần ứng phó với dịch. Anh nói, lần đầu còn bỡ ngỡ có đôi chút hoang mang nhưng giờ đây giờ tôi cảm thấy vững vàng khi hiểu biết về dịch và cách phòng chống nó. Công việc vẫn vận hành ổn, chỉ cần linh động điều chỉnh về quy trình như tăng định mức xuất vật tư để anh em kỹ thuật viên không phải đi lại nhiều, trao đổi/chia sẻ nhiều hơn…


“Tôi nhớ nhất là khi lên UBND huyện Cẩm Giàng, nơi là tâm dịch, để xin giấy phép cho anh em kỹ thuật viên hỗ trợ khách hàng trong khu vực. Thời gian ngồi chờ các lãnh đạo họp gần 4 tiếng. Dù chỉ là chút hy vọng le lói nhưng cuối cùng tôi cũng hoàn thành việc khó lúc tối muộn. Nhờ thế mà công việc của FPT Telecom trong vùng không mấy ảnh hưởng”.


Không chia sẻ về mình bởi “được làm việc tại nhà không vất vả như các đồng nghiệp”, chị Nguyễn Thị Lê Vân kể về Bùi Thị Hường, nhân viên dịch vụ khách hàng tại tâm dịch Chí Linh.


Đảm nhận công việc bình dị nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, chị Hường đã nỗ lực vượt trên cả sức lực của mình. “Đỉnh điểm trong một ngày tranh thủ không ăn không nghỉ, chị đã hỗ trợ dịch vụ cho 110 khách hàng. Đến 30 Tết, tỷ lệ công việc của nữ đồng nghiệp đạt 95%. Đây là kết quả rất tuyệt vời đối với công việc trong khu vực đang là tâm dịch”, quản lý Lê Vân hào hứng và cho hay, với thành tích ấn tượng, hôm đó chị Hường đã được ban giám đốc chi nhánh thưởng nóng 200 gold.


Dù làm bất cứ công việc gì, người FPT Telecom cũng được trang bị kỹ để phòng dịch.


Chị Vân cho hay, Chí Linh và Nam Sách đều là tâm dịch nên những ngày đầu toàn bộ khu vực bị phong toả việc đi lại hỗ trợ dịch vụ khách hàng là điều không thể. Sau đó, địa phương xếp FPT Telecom vào nhóm đơn vị viễn thông, được Sở Thông tin và Truyền thông cho phép ra vào các khu vực dịch để ứng cứu sự cố, đảm bảo thông tin liên lạc... Nhưng muốn đi lại được, người nhà “Cáo” cần tuân thủ hàng loạt quy trình như đơn vị phải có lệnh điều động công tác; xin xác nhận của chủ tịch xã (nơi đến); xét nghiệm, có kết luận của trạm y tế về tình hình sức khoẻ và kết quả xác nhận là âm tính với nCoV… “Việc hoàn thiện đầy đủ các giấy tờ này là khá mất thời gian và gặp nhiều khó khăn, rồi đi qua chốt nào cũng phải trình bày. Nhưng nhờ sự đồng lòng của cả tập thể và nỗ lực của mỗi cá nhân, chúng tôi cũng xoay xỏa ổn nhất có thể”.


Trong khi đó, FPT Retail phải đóng cửa hoàn toàn FPT Shop Phố Ghẽ do nằm trong khu vực tâm dịch phức tạp nhất Hải Dương và 7 cửa hàng còn lại thực hiện trực không quá 2 người tại một cửa hàng để bán hàng online. Do nhiều khu vực xảy ra dịch bệnh bị phong tỏa trên địa bàn tỉnh, nhiều nhân viên nhà Bán lẻ đã không thể đi làm, việc giao hàng, hỗ trợ khách hàng tại nhà cũng bị hạn chế.


Dù rơi vào trang thái giãn cách xã hội và phải ngừng hoạt động bán hàng trực tiếp, nhưng tất cả nhân sự của nhà Bán lẻ đều dốc sức hỗ trợ và kinh doanh qua các kênh online. Chị Nguyễn Vân, quản lý cửa hàng, cho hay các cửa hàng dù có nhân viên hoạt động để bán online nhưng vẫn phải đóng toàn bộ cửa cuốn để khách hàng không nhầm lẫn. “Mùng 5 Tết, sau khi đóng cửa cuốn, tôi và bạn đồng nghiệp vào kho kiểm hàng hoá, chốt quỹ thì bỗng có một giọng nói vang lên ‘Chị muốn lấy 1 máy laptop cho con học online’. Trong kho, tất cả đều giật mình. Vội ra cửa hàng, chúng tôi mới biết khách hàng vì cần gấp quá nên kéo cả cửa cuốn rồi đứng từ ngoài nói vọng vào”, chị Vân kể lại.


Chính bởi nhu cầu cao từ phía khách hàng cao, chị Vân cùng các đồng nghiệp đã quyết định áp dụng hình thức livestream hàng ngày trên mạng xã hội để kịp thời tư vấn cũng như hướng dẫn khách hàng sử dụng các thiết bị đã mua.


Theo Giám đốc FPT Retail Hải Dương - anh Phạm Hồng Thái, ngay khi có thông tin về dịch, ban lãnh đạo nhà Bán lẻ đã nhanh chóng trang bị cho toàn bộ nhân viên, đối tác tại Hải Dương các sản phảm chống dịch thiết yếu như: khẩu trang, nước sát khuẩn và đưa ra các kịch bản ứng phó.


Một cửa hàng của chuỗi FPT Shop tuân thủ quy định phòng dịch.


Song song đó, đồng nghiệp nhà Bán lẻ miền Bắc cũng đồng lòng hỗ trợ cho FPT Retail Hải Dương từ tiền, dụng cụ phòng dịch đến thuốc bổ sung chất đề kháng. Toàn bộ hàng hóa vẫn được chủ động điều phối tới các cửa hàng nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho thị trường trong và sau giãn cách. “Tôi rất tự hào vì tinh thần làm việc tuyệt vời của toàn bộ nhân viên FPT Shop Hải Dương, các bạn đã không quản ngại khó khăn để duy trì cao nhất việc phục vụ khách hàng, đặc biệt là các em học sinh học online tại nhà”, anh Thái nhấn mạnh.


Tính đến ngày 24/2, Hải Dương đã trải qua 8 ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh, từ ngày 16/2. Gần đây, số ca nhiễm mới có dấu hiệu giảm, hầu hết là F1, được cách ly tập trung từ trước. "Đến nay Hải Dương đã kiểm soát được dịch trên toàn tỉnh, tốc độ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết hiện khá tốt", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long nhận định.


Với Phùng Văn Tập, Trưởng văn phòng giao dịch Kinh Môn, khi Hải Dương đang dần kiểm soát tình hình, cậu đau đáu về việc đầu tiên muốn làm sau khi tỉnh nhà sạch bóng Covid.


Tập kể, trước Tết văn phòng thị xã Kinh Môn đã thực hiện chuyển sang nhà mới to hơn, rộng hơn. “Đến khi chuẩn bị xong xuôi cho việc khai trương vào ngày 1/2 thì đùng cái Covid ập đến, phải giãn cách xã hội. Những dự định tâm huyết của anh em đều dừng lại hết nên chúng tôi cùng tâm trạng hụt hẫng. Ngày hết dịch, tập thể văn phòng Kinh Môn sẽ tổ chức một buổi liên hoan đầm ấm để động viên tinh thần và cùng kể cho nhau những câu chuyện đáng nhớ mùa dịch”, anh Tập bày tỏ.  


Nguồn: Chungta

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn