Mơ ước có cầu kiên cố mấy mươi năm nay của người dân xã Thạnh Mỹ, Cần Thơ, đã trở thành hiện thực với sự giúp sức của Quỹ Hy vọng nhà F.
Đang bon bon vừa đạp xe vừa hướng mắt nhìn vào khu vực sôi động ở sân nhà bên trái đường, chợt cô Hồ Ngọc Hà thắng (phanh) gấp và nhảy xuống dắt bộ khi bánh trước gần chạm cây cầu Trí Nhân bắc qua con kênh Cái Sắn. “Tôi chưa bao giờ dám đạp xe trên cầu. Cứ gần đến là tôi xuống để dắt bộ”, cô Hà phân trần. Mọi lần cô xuống xe từ xa, nhưng hôm nay gần chân cầu đang tổ chức lễ khánh thành sôi động, cô bị thu hút nên hành động chậm.
Chậm dãi dắt xe di chuyển qua những thanh gỗ mỏng cũ mòn vẹt và thủng lỗ chỗ, cô Hà bảo chỉ khi ngồi phía sau xe máy mới dám qua cầu trên xe dù mỗi lần như vậy tim cô cũng dập dềnh theo nhịp rung của cầu. “Sợ lắm. Cầu cũ như răng bà già ấy. Mơ ước của người dân ấp tôi là có 2 cây cầu mới nhưng chờ mấy mươi năm mới trọn vẹn”, người phụ nữ trạc tứ tuần của ấp Lân Quới 1 bày tỏ.
Theo cô Hà, từ đường chính vào ấp phải qua phà và 3 cây cầu, trong đó cầu đầu tiên có từ khoảng 10 năm nay do nhà nước đầu tư. 2 cây còn lại mãi ngóng trông mà chưa có kinh phí bởi Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung, mong muốn có cầu dân sinh ‘nhiều như nước sông Cửu Long’. “Không có cầu người dân thiệt nhiều thứ, từ việc vận chuyển nông sản đến con trẻ đi học”, cô Hà nói và hẹn về nhà cất đồ sẽ đạp xe quay lại để được đi cầu mới.
Giáp Tết, rất đông người dân ấp Lân Quới 1, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, tạm gác công việc đồng áng và những lo toan chuẩn bị đón Xuân để chứng kiến lễ khánh thành cầu dân sinh Hy Vọng 3 (tên cũ là Tám Trở), “cây cầu mơ ước” của cả đời người, là một trong 100 cầu dân sinh mà Cần Thơ được thụ hưởng từ dự án của Quỹ Hy vọng do FPT và VnExpress đồng sáng lập.
“Vui lắm. Tết năm nào cũng có nhưng cầu Hy Vọng được người dân địa phương chờ mấy chục năm nay nên Tết này vui hơn hẳn những Xuân qua", chú Lê Văn Tông (Tám Tông), ấp Lân Quới 1, hào hứng trải bước trên cầu Hy Vọng 3 vừa được khánh thành.
Chú Tám Tông cho hay, bao đời nay, hàng vạn người dân trong xã phải sống chung với hiểm nguy trên những chiếc cầu tạm. Ước mơ lớn nhất của họ là có một chiếc cầu kiên cố để không phải liều mình qua cầu cũ với hiểm nguy rình rập. “Từng có nhiều trường hợp té cầu rồi. Nguy hiểm lắm”, chú Tông vừa nói vừa chỉ vào cây cầu cũ song song cầu mới. “Hàng chục năm nay chúng tôi mơ ước có những cây cầu mới để con trẻ đến trường và người lớn vẫn chuyển nông sản dễ dàng”.
Chú Tám Tông kể, phần lớn các gia đình trong ấp đều trồng lúa nhưng mùa vụ thường bán luôn ngoài đồng bởi việc chuyển về nhà khó khăn, phải thuê thuyền máy di chuyển và nhân công bốc vác. Thậm chí, nhiều hộ muốn sửa lại nhà nhưng vận chuyển nguyên vật liệu cũng khó. “Hai cây cầu mới mang tên Hy Vọng giúp ước mơ bao đời của chúng tôi thành sự thật”.
Phó Chủ tịch UNBD xã Thạnh Mỹ - ông Hà Phước Khánh khẳng định đây là công trình thiết thực không chỉ thuận lợi cho đi lại mà còn tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế. “Tết năm nay, hàng nghìn người dân Thạnh Mỹ được đi trên những nhịp cầu chắc chắn, không còn sợ khi di chuyển trên những chiếc cầu cũ, ọp ẹp nữa”, ông Khánh hào hứng.
Cách Thạnh Mỹ khoảng 40km, người dân ấp Thạnh Lộc, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cũng chung niềm vui có cầu mới: Hy Vọng 9 được thay thế cây cầu cũ mang tên Cà Chớn. “Cầu mang tên con kênh. Trước kia, khi địa phương đào kênh dài hơn 5km nhưng cả năm đầu tiên chỉ được vài trăm mét nên người dân cho rằng nhóm thợ ‘cà chớn’ khi vừa làm vừa chơi. Sau nhiều thay đổi, kênh cũng hoàn thành. Và người dân gọi là kênh Cà Chớn từ đó”, ông Võ Văn Sĩ (Tám Sĩ), chia sẻ về tên gọi nghe khá lạ lẫm.
Ông Sĩ gần 60 tuổi, sống ở đây từ nhỏ. Cách đây hơn chục năm, ông và bà con làm cây cầu ván đóng đinh để dân ấp đi lại. Nhưng cầu chỉ rộng khoảng 2 m, chênh vênh và trơn trượt sau mỗi mùa mưa nên nhiều người bị ngã. “Trước ở cây cầu này tai nạn dữ lắm luôn”, ông Tám Sĩ nói. "Có người bị té từ trên cầu xuống, bể xương bánh chè, đi bệnh viện mất hàng chục triệu đồng".
Rồi có mấy người nữa, đi bán hàng đêm khuya qua cầu bị đổ hết cả bánh với rau xuống mương. Rồi ông nghe phong thanh người ta nói “Mấy người từ thiện không có ai nên thân, bắc cầu thì làm cho đàng hoàng tử tế, chứ cầu mà tai nạn coi sao được”. Ông Tám nghĩ “họ chửi mình cũng đúng”, nhưng ông chưa biết tính sao.
Rồi cuối tháng 8/2018, cán bộ xã ghé nhà báo tin vui. Có nhà tài trợ ở Sài Gòn sẽ cho một phần tiền làm cây cầu bê tông mang tên Hy Vọng 9. Nhưng chỉ cho một nửa nên nhờ ông Tám đứng ra làm trưởng ban quyên góp bà con chòm xóm để hùn phần còn lại.
Ông Tám góp và vận động chùa, một đại lý trong xã và nhiều bà con cũng vừa đủ. Ông tự lấy nhà mình làm nơi tổ chức luôn tổ thi công, nuôi thợ ăn, giám sát xây dựng. Ba tháng xây cầu, ông bỏ luôn việc làm ruộng để tập trung cho công trình. “Tất cả là tiền của bà con, xương máu họ đi làm, tội nghiệp lắm, nếu mình làm không tốt là mình hủy hoại công sức bà con đã góp”, ông tự dặn mình.
Tương tự các cây cầu khác trong dự án, cầu Hy Vọng 9 được thiết kế bê tông cốt thép kiên cố, chiều dài 20m, rộng 3,5m, độ thông thuyền 8m và chiều cao 4m để cho tàu, thuyền qua lại. Chi phí nguyên vật liệu hết 165 triệu đồng. Trong đó, Quỹ Hy vọng hỗ trợ một nửa, phần còn lại do bà con nhân dân góp. Ngoài một nửa số tiền, người dân địa phương còn đóng góp hàng trăm ngày công lao động, và nhiều công của khác. “Đây là cây cầu có tốc độ thi công kỷ lục, chỉ hơn tháng rưỡi”, Chủ tịch Quỹ Hy vọng – chị Trương Thanh Thanh bày tỏ.
Trước giờ cầu ván ọp ẹp, giờ mới có cầu bê tông, ông Tám Sĩ kể, ở đây bà con ai cũng mừng. Họ nói: “Chú Tám ơi, hết khổ rồi”. Cả mấy ngày trước khi khánh thành cây cầu, ông Tám ông không ngủ được, không ăn được. Trong bữa cơm chay đãi khách, ông đi loanh quanh nhìn người ta ăn và cụng ly. Ông bảo “Không ngồi xuống được, tôi vui quá”. Ông bảo: “Chị Thanh Thanh ơi, bà con hết khổ, hết tai nạn thì đời tôi ấm áp rồi”.
Cầu Hy Vọng 9 là cây cầu thứ năm được khánh thành trong tổng số 14 cây cầu đã được Quỹ Hy vọng và những nhà hảo tâm cùng địa phương khởi công nửa cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Những câu cầu còn lại sẽ sớm hoàn thành trong mùa xuân mới cho miền sông nước.
Đây là những cây cầu đầu tiên trong Dự án 100 cây cầu cho miền Tây được khởi phát từ ý tưởng của chị Trương Thị Thanh Thanh, Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT kiêm Chủ tịch Quỹ Hy vọng, sau vài cơ duyên.
Quỹ Hy vọng (tên tiếng Anh: HOPE Foundation) là quỹ xã hội từ thiện được bảo trợ bởi FPT và báo VnExpress, có quy mô hoạt động trên toàn quốc với 2 dự án chính: xây trường ở vùng núi cao ở phía Bắc và xây cầu ở phía Nam. Cạnh đó, Quỹ sẽ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghiên cứu, phát triển công nghệ thông tin, trợ giúp các dự án xã hội, người khó khăn... Quỹ Hy vọng còn xây dựng và tài trợ các chương trình, dự án xã hội, từ thiện tại những vùng khó khăn; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ người nghèo, mồ côi; gia đình có công với cách mạng và một số hoạt động xã hội từ thiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Quỹ Hy vọng sẽ tiếp nhận tài sản được tài trợ, viện trợ theo ủy quyền của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tiếp nhận tài sản tài trợ, hiến, tặng hoặc bằng các hình thức khác để tạo nguồn vốn của Quỹ. |