Học thuyết Nhân trị và Pháp trị được ứng dụng và thiết lập nên cơ chế quản lý của không ít các quốc gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp hiện đại, duy chỉ khác nhau ở mức độ và tầm ảnh hưởng. Chúng ta đã tập hợp những ý kiến của FPTer về vấn đề Nhân trị và Pháp trị ở FPT.
"NHÂN TRỊ CHIẾM LĨNH"
HọcLV, FAD HCM
Theo tôi, FPT áp dụng Nhân trị nhiều hơn dựa trên một số lý do về quản lý, lịch sử FPT cũng như văn hóa công ty thông qua việc phát huy dân chủ và hướng tới mục tiêu đem lại những giá trị tốt đẹp cho con người. Tất nhiên không thể kết luận một cách rõ ràng và tuyệt đối về điều đó vì thực tế cho thấy, trong điều kiện phát triển như hiện nay, FPT cần có sự kết hợp cả hai cơ chế quản lý trên.
HưngNV8, FTH HCM
Không chỉ riêng ở FPT mới có Nhân trị hay Pháp trị, mà ở bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào cũng đều phải áp dụng cả hai phương pháp này, chỉ khác nhau ở mức độ. Xét một cách tổng thể, ở FPT hiện nay, Nhân trị vẫn được thể hiện rõ nét hơn. Điều này cũng dễ hiểu khi FPT coi con người là giá trị cốt lõi, đề cao nền tảng và gìn giữ văn hóa FPT với bản sắc riêng. Nói chung, để tổ chức hoạt động bền vững cần kết hợp cả hai nguyên tắc này.
TuấnTN, PGĐ FU HCM
Theo tôi, Pháp trị là thể chế điều hành lấy luật làm tối thượng, mọi người trong đó đều bên dưới luật, kể cả lãnh đạo. Một thể chế Pháp trị phải thỏa mãn hai điều kiện: tổ chức biên soạn luật và giám sát thi hành luật phải thật sự hiệu quả, độc lập với đơn vị điều hành. Nếu hiểu đúng như vậy thì FPT không phải làm theo Pháp trị. Nhân trị cũng dựa vào luật để điều hành và có đặc trưng cơ bản là “lãnh đạo thích gì thì đó là luật”. Với Nhân trị, không có hạn chế về sự việc lẫn phương cách lãnh đạo. Theo tôi, FPT có thiên hướng về Nhân trị.
ViệtHX, FMB HN
Nhân trị và Pháp trị là hai đặc thù xuyên suốt theo FPT trong 19 năm qua. Nhưng Nhân trị vẫn chiếm lĩnh nhiều hơn, chỉ có một vài bộ phận lẩn khuất đâu đó có sử dụng Pháp trị và đôi chút hơi hướng của gia đình trị. Hiện tại, FPT đang mở rộng, cường độ và áp lực công việc lớn, doanh số không ngừng tăng, việc áp dụng Pháp trị cũng tốt nhưng theo tôi nó chưa phù hợp.
"KHÔNG RÕ CƠ CHẾ"
HiếuNNT, FIS ENT HCM
Nếu cách đây hai năm, tôi chắc chắn khẳng định rằng, cơ chế quản lý của FPT là Nhân trị nhưng vào thời điểm này thật khó xác định. Hiện nay, chúng ta có những việc cần phải áp dụng Pháp trị thì lại dùng Nhân trị hoặc ngược lại. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, chúng ta đưa ra một số biện pháp một chiều và dường như chưa lường trước được các tình huống sẽ xảy ra. Khi đưa vào áp dụng thì nhận được nhiều phản ứng từ phía người thực hiện.
Theo tôi, việc dùng Nhân trị hay Pháp trị tùy thuộc vào từng ngành nghề, vị trí công việc, thời điểm và có thể linh hoạt theo từng tình huống, tính cách của nhân viên. Tuỳ từng lãnh đạo có điểm mạnh về Nhân trị hay Pháp trị mà áp dụng. Tuy nhiên, khi công ty ngày càng phát triển, việc sử dụng Pháp trị là cần thiết hơn nhưng phải cân nhắc kỹ lưỡng tính khả thi trước khi ban hành, tránh trường hợp gây ức chế cho nhân viên.
QuânVTH, FHP HCM
FPT đang có nhiều thay đổi nên đường hướng đang áp dụng cũng không nhất quán. Việc áp dụng cách quản lý Nhân trị hay Pháp trị không phải là đường hướng chung của FPT mà là đường hướng riêng của từng bộ phận, từng công ty con. Thời gian gần đây, tôi thấy FPT đang thiên về Pháp trị nhiều hơn. Tuy nhiên, không áp dụng triệt để cách quản lý này nên cuối cùng cũng chẳng biết gọi tên là gì. Theo tôi, quản lý con người là khó nhất. Cái tâm của người lãnh đạo rất quan trọng, chúng ta không áp đặt cứng nhắc một trong hai biện pháp trên mà tùy vào từng thời điểm, từng tình huống, từng tính cách của mỗi nhân viên để áp dụng Nhân trị hoặc Pháp trị. Việc cần thiết là làm cho nhân viên hiểu được, FPT mong muốn họ được sống và làm việc tốt hơn, công ty phát triển hơn.
NÊN DUNG HÒA NHÂN - PHÁP
CôngH, FIS HCM
Hiện nay, FPT vừa áp dụng Nhân trị vừa áp dụng Pháp trị. Pháp trị vì trong công việc hàng ngày, mỗi CBNV đều thực hiện theo các quy trình đã được phê duyệt, các quy định được ban hành ở các cấp khác nhau. Tuy nhiên, Nhân trị vẫn được áp dụng ở đâu đó khi các quy trình, quy định chưa đề cập tới hay các hướng dẫn thực hiện chưa được rõ ràng hoặc chưa có một thước đo đánh giá, định lượng...
Xu hướng hiện nay, khi công ty ngày càng phát triển, lớn mạnh về qui mô thì định hướng thiên về Pháp trị sẽ chiếm ưu thế. Tất nhiên không thể một sớm, một chiều chúng ta xây dựng ngay được cơ chế quản lý này bởi chúng ta không thể "nhập khẩu" một mô hình quản lý sẵn có mà phải tìm hiểu để nắm được những nguyên tắc chung, những bài học tốt nhất của họ để xây dựng cơ chế quản lý Pháp trị cho riêng FPT. Ngoài ra, cơ chế quản lý Pháp trị này cần phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của công ty.
HảoVĐ, FPT Tel HCM
Hiện ở FPT chẳng ai quy định là phải áp dụng riêng Nhân trị hay Pháp trị trong quản lý mà đang dung hòa cả hai cơ chế này. Theo tôi, khi áp dụng song song Nhân trị và Pháp trị, công việc sẽ được thực hiện tốt hơn là việc chỉ áp dụng một trong hai cách quản lý này.
KiênDT, FPT Tel HN
Hiện nay, FPT đang áp dụng cả Nhân trị và Pháp trị. Nhưng cá nhân tôi vẫn nghiêng về yếu tố Pháp trị hơn, bởi như thế mọi thứ sẽ rõ ràng và mọi người cũng thoải mái hơn. Tuy nhiên, FPT nên sử dụng linh hoạt Nhân trị và Pháp trị, bởi từ trước đến nay, FPT vẫn thiên về tình cảm. Nếu chỉ áp dụng Pháp trị sẽ gây cảm giác ức chế cho nhân viên và ngược lại.
ThắngTD3, FDC HN
Theo tôi, bất kể ở đâu và làm gì đều cần áp dụng song song cả hai hình thức quản lý Nhân trị và Pháp trị, không loại trừ FPT. Việc thực thi các cơ chế quản lý này cũng không thể 100% Nhân trị hay 100% Pháp trị mà tùy thuộc vào từng cá nhân, từng bộ phận.
TânNP, GĐ FMB ĐN
FPT vốn sử dụng Nhân trị để quản lý và đang dần chuyển sang giai đoạn đầu của Pháp trị. Các quy chế nội bộ, chỉ tiêu quản trị, chỉ tiêu chất lượng… mà chúng ta triển khai là một trong số các công cụ của Pháp trị. Kể cả quan điểm “ngồi nhầm chổ” mà BOD nêu ra gần đây cũng cho thấy nhận thức về Pháp trị đã được hình thành rõ hơn trong những nhà lãnh đạo cao nhất của chúng ta. Ở góc độ quốc gia hay doanh nghiệp, Pháp trị vẫn được dùng nhiều hơn như: GE, Xerox, Hoa Kỳ, Singapore… Ngay cả Tập đoàn Sony cũng thuê TGĐ người Mỹ thì càng thấy rõ là xu hướng Pháp trị đang thắng thế trên toàn cầu.
Pháp trị sẽ giúp FPT tăng tính cạnh tranh, nhưng có hạn chế về sự gắn bó của nhân viên cũng như việc thay thế nhân sự sẽ tăng lên. Do đó, khi chúng ta thực hiện Pháp trị thì các công tác sau đây cần phải làm tốt hơn: thông tin, đào tạo, lương thưởng và chế độ phúc lợi cho CBNV.
QuangNB, FIS HN
Trong mọi mối quan hệ ứng xử, xử lý công việc ở FPT, yếu tố tình người vẫn được coi trọng nhiều hơn. Tuy nhiên, với quy mô của công ty như hiện nay, chúng ta nên có pháp chế và ban hành những quy định cụ thể để phù hợp với tình hình mới. Việc áp dụng Pháp trị cần có thời gian để mọi người thích nghi dần.
VũT, FIS HN
FPT cần phải có chế tài rõ ràng trong các hoạt động quản lý để công việc hiệu quả hơn, tránh sự chồng chéo và phát huy tính chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập thế giới. Tuy nhiên, nên dung hòa cả Nhân trị và Pháp trị vì nhiều người trẻ vào FPT vì văn hoá FPT và tinh thần Đồng đội.
Bảo tàng FPT (2007)