Phụ nữ làm sếp

Theo kết quả 6 nghiên cứu khác nhau của các chuyên gia Mỹ công bố trên MSNBC News, phụ nữ thực sự vượt nam giới trong nhiều kỹ năng lãnh đạo chủ chốt. Tỷ lệ sếp nữ trong công ty của Mỹ chiếm tới 75% và nước thấp nhất như Pakistan cũng đạt 27%. Thế nhưng trong danh sách tổng số 199 managers của FPT, chỉ có 46 người là nữ, chiếm hơn 23%. Phải chăng tư tưởng trọng nam khinh nữ ở FPT còn quá cao hay “cái giá” của việc trở thành một sếp nữ quá lớn khiến nhiều chị em còn ngần ngại?


Nữ điều hành tốt hơn nam


MSNBC News cho rằng, phụ nữ vượt trội hơn nam giới về các kỹ năng lãnh đạo: Xây dựng tập thể, tiếp sức mạnh, giao tiếp, xây dựng sự đồng lòng... Ngay cả trong những lĩnh vực vốn không thuộc phái nữ như lập kế hoạch, xác định mục tiêu hay tính quyết đoán, phụ nữ cũng được xếp ngang bằng đàn ông.


Tạp chí Thế giới Phụ nữ tuy không hoàn toàn đồng tình với kết quả trên nhưng cũng đưa ra những nhận định khá “kính trọng” chị em: “Khi nữ làm lãnh đạo, họ có kỹ năng giao tiếp tốt, quan tâm tới khách hàng, quyết định trực giác, làm việc nhiệt tình, tạo ra môi trường làm việc tốt và quan tâm tới nhân viên. Nhiều nghiên cứu cho biết phụ nữ làm lãnh đạo tốt hơn nam giới vì sống hơi thiên về tình cảm nhưng họ làm việc rất có phương pháp và rất kiên nhẫn, hơn hẳn các đồng nghiệp nam”.


Không “tự tin” như những nhận định trên, hầu hết chị em FPT đều đề cao nam giới trong “đặc quyền” lãnh đạo dù không ai chối bỏ thế mạnh về giao tiếp. Phó TGĐ FOX Chu Thanh Hà khiêm tốn: Nữ thuận lợi hơn vì khi gặp khó khăn có thể nhờ vả, dựa dẫm vào các nguồn lực xung quanh. Đàn ông, do sĩ diện, nên luôn tự muốn làm hết. Trưởng Ban TCCB lại đánh giá cao khả năng chia xẻ với nhân viên, với đồng sự, với cấp trên của sếp nữ. Giám đốc G8 Fsoft Hồng Liên tự tin về “cái feeling”, sự mềm dẻo. Theo chị, phụ nữ rất nhạy cảm nên hay có những cảm nhận khá chính xác. Họ hay giải quyết theo trực giác nhưng trực giác lại luôn đúng.



Về khó khăn, Phó TGĐ FMB Nguyễn Bạch Điệp cho rằng, tầm nhìn của phụ nữ không thể bằng nam giới được. Dân ca Việt Nam đã chẳng có câu “Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” đó sao. Chánh văn phòng Lại Hương Huyền, người luôn phải tất bật với hàng tá công việc của văn phòng lại còn phải thay chồng nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ (do anh hay đi công tác xa) thì nhăn mặt: Phụ nữ hạn chế nhiều lắm, sức khoẻ năng lực đều thua nam. Thiếu nhất vẫn là khoản thời gian vì họ không thể đùn đẩy công việc gia đình cho cánh đàn ông được. Trong khi đó, những người trông rất mạnh mẽ như Phó Giám đốc FPC Hoàng Thị Vân Khánh thì lại thở than: Phụ nữ yếu đuối lại quá tình cảm, họ thiên về “âm” mà làm sếp lại cần phải “dương” nên nhiều khi khó đưa ra được những quyết định cứng rắn.


25% “say no” với sếp nữ?


Mặc dù sếp nữ có nhiều thế mạnh nhưng theo điều tra của “Cẩm nang tiêu dùng”, có tới 25% “say no” với sếp nữ, trong khi số OK chiếm 68% còn số đứng giữa – “còn tuỳ” - là 7%.


FPT chưa bao giờ survey về vấn đề này nhưng theo phỏng vấn của phóng viên Chúng ta, có tới 21/30 người được hỏi (cả nam lẫn nữ ) không thích sếp trực tiếp là nữ. Nguyên nhân, với các cô gái như Minh Tâm (VP Đoàn thể) chẳng hạn, chỉ đơn giản là vấn đề giới tính, khác giới thường dễ nói chuyện hơn. Nhưng các chàng trai lại không phải vậy, họ thích làm việc với sếp nam vì lý do đầu tiên là “Sếp nam thoáng hơn”. GiangDS nhăn mặt lắc đầu, sếp trực tiếp mà là nữ, chỉ ngang tầm mình thì khó làm việc lắm. Giang chỉ OK với những sếp nữ ở tầm cao hơn hẳn (như Phó TGĐ thay anh TiếnLQ chẳng hạn).


Đó chỉ là nói về sở thích, còn “có vấn đề không” thì câu trả lời là “no problem”. Các sếp nữ trong FPT đa phần nhiều tuổi hơn nhân viên, luôn được nhân viên coi như người chị trong gia đình nên thường tạo được không khí làm việc cởi mở, chia xẻ. Các chị luôn tôn trọng nhân viên, góp ý chân thành nên ít có chuyện “chống đối” hay “phản kháng”. Nếu “có chuyện”, các chị cũng biết cách xử lý hợp tình. Nguyễn Bạch Điệp, Phó TGĐ FMB đến giờ vẫn còn nhớ như in chuyện ngày đầu làm sếp của mình. Từ một nhân viên như mọi người, “bỗng nhiên” Điệp được “đôn” lên làm cửa hàng trưởng khi mới 24 tuổi.


Quá nôn nóng hoàn thành doanh số, Điệp đã có những biện pháp rất nghiêm khắc với nhân viên trong khi trước đó nhân viên chỉ quen với cung cách làm việc không có áp lực (thời đó FPT vẫn chưa áp dụng các hình thức thưởng theo doanh số). Thế là một số nhân viên bất mãn và bàn nhau âm thầm chống đối bằng cách không cố gắng làm cũng như không nghe lời. Bản tính nóng nảy nên khi biết chuyện, Điệp đã nghĩ ngay đến việc “loại bỏ những kẻ phản nghịch”. Tuy nhiên, khi bình tĩnh lại, Điệp đã cố gắng dẹp tự ái và ra sức hỗ trợ các bạn trong công việc như đàm phán với khách hàng, đàm phán với hãng, chia sẻ kinh nghiệm đánh đấm... để các bạn thành công hơn, thu nhập tốt hơn. Từ đấy chị em làm việc rất gắn bó, sống chết cùng nhau. Đến nay, tất cả đều là những key person rất thành công trong công việc, và rất thân nhau ngoài đời.


Đằng sau sự thành đạt


“Phụ nữ làm sếp phải cố gắng gấp đôi nam giới”, chị Thanh Huyền cong môi nhăn nhó. Nữ, ngoài việc đi làm như nam giới, còn phải cover cả hàng tỉ công việc gia đình, con cái. Không biết bố trí công việc khéo léo, không chịu khó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.


Những sếp nữ có chồng cùng làm ở FPT hay ít nhất là cựu FPT như Chu Thanh Hà, Vũ Mai Hương, Trịnh Thu Hồng... không gặp vấn đề lớn bởi các anh hiểu khá rõ về công việc của vợ. Nhưng với những sếp có chồng làm việc ở cơ quan khác thì có hàng tỉ những “kinh nghiệm” về “chiến tranh lạnh”. Trưởng ban TCCB Trần Thu Hà đã từng có giai đoạn “suýt” viết đơn xin nghỉ việc vì bị chồng “dỗi” nhiều quá. Nhất là thời kỳ làm ISO, cả mấy tháng trời, ngày nào cũng 9h tối chị mới mò về, lại ôm trên tay cả đống tài liệu để đọc thêm. Trong khi đó, bố chồng vẫn đang đau ốm cần người chăm sóc, con gái út mới bắt đầu đi học rất mong được mẹ kèm cặp. Phải bằng một nỗ lực và quyết tâm rất lớn, chị mới vượt qua được giai đoạn khủng hoảng đó. Chánh văn phòng Lại Hương Huyền cũng thường xuyên phải “nhường” bản thân cho công việc trước. Mới vừa đây thôi, cả hai cậu con trai sốt tới 40oC nhưng cho uống thuốc xong là chị lại phải chạy ngay đến cơ quan để còn làm lễ động thổ cho toà nhà mới. “Nhiều khi cũng cảm thấy mình có lỗi với gia đình nhưng vì ham thích công việc nên phải “theo lao”, rồi tìm cách bù đắp sau” – chị tâm sự.


Với những sếp kinh doanh như Phó TGĐ FDC Thu Hương hay Phó GĐ FPC Hoàng Thị Vân Khánh thì ảnh hưởng còn “trầm trọng” hơn. Để tạo thuận lợi cho công việc, các chị thường phải tham gia những cuộc rượu kéo dài tới tận nửa đêm. Chị Thu Hương cho biết, trung bình, một tuần chị phải đi “tiếp khách” tới 4 lần. Gia đình luôn bị bỏ bê vì có tới 60% thời gian chị phải vi vu “trên tầng cây số”, hoặc đi công tác, hoặc “ở đâu đó”. Để vươn lên được cương vị Phó TGĐ một công ty lớn như hiện nay, chị đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình, dành trọn con tim khối óc cho công việc. Những cuộc tâm sự của chi với cô con gái yêu chủ yếu là “on the phone”. Vân Khánh, cũng có khối “kỷ niệm” rùng mình.Có quá nhiều người yêu mến, chị cũng gặp được nhiều thuận lợi trong công việc nhưng cũng không ít phen khó xử. Chẳng hạn, khi mới sinh con xong, ông khách hàng “ruột” báo tin mừng về một hợp đồng lớn nhưng nhất quyết phải được gặp mặt. Thế là chị đành bấm bụng làm “mỹ nhân kế”, vận dụng hết tất cả những kỹ năng trang điểm để có thể xuất hiện chỉn chu trước khách hàng.


Cứ tưởng làm sếp là “ngon” nhưng thực ra, với các cô gái trẻ, đó là một bất lợi lớn trong việc “looking for a husband”. Theo Bạch Điệp, làm sếp suốt ngày phải va chạm phòng này phòng khác, phải cứng rắn và cương quyết trong hầu hết trường hợp, mặt mày nhăn nhó thường xuyên... nên các anh chỉ có thể xem là đồng nghiệp chứ khó mà phát sinh tình cảm được. Thậm chí, thời xưa, các anh trong Ban TGĐ thấy Điệp tham công tiếc việc quá còn “hứa” cho phép Điệp được quyền chỉ định bất kỳ anh nào trong công ty làm chồng nếu vì hoàn thành doanh số mà bị ế. Rất may, trước khi làm sếp, Điệp đã kịp “câu” được một chàng. Cứng rắn bao nhiêu trong công việc thì “nàng” lại ngoan ngoãn bấy nhiêu với “chàng” nên giờ đây, cả hai đang hân hoan hạnh phúc chuẩn bị đón đứa con đầu lòng.


Làm sếp - một công việc yêu cầu quá nhiều kỹ năng. Nhiệt tình chưa đủ, học vấn chưa đủ, “làm sếp” còn đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm trong công việc, khả năng ngoại giao, quản lí nhân sự, sức làm việc, tầm nhìn... Nam giới đảm đương đã rất khó, sếp nữ càng có nhiều khó khăn hơn. Họ phải nỗ lực rất lớn và chịu không ít hy sinh để có thể thành đạt trong xã hội. Vì vậy, dù xã hội có bình đẳng đến cỡ nào thì “làm sếp” vẫn là một công việc nặng nhọc của phái nữ và rất cần anh em chia xẻ, đồng nghiệp hỗ trợ.


Bảo tàng FPT (2004)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn