Chúng ta trò chuyện với anh BìnhTG, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc FPT, về vai trò của Tổng hội và phương thức vực dậy hoạt động của tổ chức này.
Anh có bình luận gì khi nhiều người FPT phàn nàn rằng tình hình hoạt động Tổng hội đi xuống?
Xây dựng phong trào Tổng hội đã khó, giữ gìn và phát triển lại được phong trào còn khó hơn. FPT đang đổi mới, vươn tới tập đoàn toàn cầu nên, về nguyên tắc, tất cả các bộ phận đều phải thay đổi. Trong bối cảnh đầy thách thức như thế, mỗi hướng đi đều phải có sự thay đổi tương ứng. Tổng hội chưa làm được điều đó.
Các hoạt động của Tổng hội gần đây không ít và cũng không quá nhỏ, nhưng các hoạt động này chưa đạt được mục đích cuối cùng của Tổng hội là "đem lại sung sướng, hạnh phúc cho các thành viên". Anh nghĩ gì về điều đó và chúng ta phải làm gì để thay đổi?
Chúng ta phải quay lại cái mốc khởi điểm của Tổng hội. Khởi điểm của chúng ta là hình thành từ tình bạn, xuất phát từ lòng tự nguyện, từ khát vọng xây dựng một tập đoàn hùng mạnh. Từ cái gốc đó, anh em gặp nhau và địa điểm ban đầu là những quán bia. Ở đấy, với tình bạn, với lòng tự nguyện, với khát vọng về tổ chức mới đã đẻ ra rất nhiều ý tưởng sáng tạo, rất nhiều niềm vui.
Quy mô khi ấy rất nhỏ. Ít thì mươi người, nhiều thì năm chục người, rất nhiều là trăm người. Nhiều hoạt động từ những quán bia đó đã mang lại một sức mạnh tinh thần hết sức to lớn. Đấy là tình cảm gắn bó con người; đó là đoàn kết, thống nhất và với sức mạnh đó, nhóm người ban đầu đã vượt qua mọi khó khăn. Chúng ta đã vượt qua những dao động ngày đầu phát triển, tiếp tục con đường mình đã chọn và phát triển thành FPT ngày hôm nay dù lúc đó công nghệ thông tin là ngành kinh doanh quá nhỏ bé, quá yếu.
FPT từ hàng chục người đã thành hàng vạn người. Khi văn hoá FPT đã hình thành thì sự ra đời của Tổng hội là một sáng tạo mới, nâng tầm nhận thức, chất lượng của văn hoá đó lên nhiều. Tất nhiên đây là việc vô cùng khó khăn. Chúng ta phải ghi nhận sự nỗ lực của Tổng hội. Trước kia, Tổng hội chưa có nhiều việc để làm, còn giờ đây chỉ riêng việc duy trì các lễ hội của FPT như 13/9, Tết ... cũng là một nỗ lực rất lớn lao.
Về quy mô, thử so sánh với việc làm phần mềm chẳng hạn, khi phát triển phần mềm cần ISO, CMMi, vậy theo anh, Tổng hội phải làm gì để có thể đạt chất lượng như xuất khẩu phần mềm?
Đầu tiên chúng ta phải nói về nhận thức. Cần nâng tầm nhận thức về tầm quan trọng của Tổng hội trong lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn. Tổng hội là sức mạnh đại đoàn kết của FPT, là văn hoá FPT, là sức mạnh tinh thần của FPT. Đó là sự gắn bó, đồng đội của đại gia đình FPT. Nói một cách khác, Tổng hội là biểu tượng của FPT. Đó là sự khác biệt hoàn toàn của FPT với các tổ chức khác.
FPT không chỉ là tăng trưởng doanh số, lợi nhuận. Điểm xuất phát của FPT là con người. FPT đã có những năm khó khăn. Khi ấy, chúng ta đã nhường cơm sẻ áo cho nhau, đã có những lãnh đạo Tập đoàn không nhận lương, không thưởng. Đó là tinh thần tổng hội. Ban lãnh đạo lãnh đạo Tập đoàn cần nhận thức trước điều này, rồi đến lãnh đạo từng đơn vị.
Thứ hai, muốn làm tốt thì phải có tổ chức tốt, nhân sự tốt. Khi làm phần mềm chúng ta đôi lúc đã nản lòng, đôi lúc đã bế tắc, đã có lúc mọi người lục tục kéo nhau đi, chuyển nghề nhưng với nhận thức của Hội nghị Diên Hồng Đồ Sơn năm 1998, chúng ta nhận thức lại và chúng ta quyết định thay đổi. Đến ngày hôm nay, phầnmềm của VN đã có danh vị không chỉ ở trên Việt Nam mà còn ở trên thế giới. Nâng cấp trình độ quản lý, thay đổi tổ chức, bổ sung nhân sự và liên tục đào tạo cán bộ. Từ đó, chúng ta sẽ sáng tạo ra rất nhiều cách thức làm việc mới, hiệu quả. Tổng hội cũng phải như vậy.
Anh đã bao giờ chia sẻ quan điểm này với Tổng hội?
Tôi chưa có một bài nói chuyện chính thức trong Tập đoàn về vấn đề này nhưng đã chia sẻ cá nhân với một số người như Trương Quý Hải, Thành Nam, Nam Dũng.
Quay trở lại FSoft, không phủ nhận FSoft trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ vào sự quyết tâm của toàn Tập đoàn, của lãnh đạo, của tất cả mọi người.Tuy nhiên, ở đó vẫn có vai trò của những nhân vật kiệt xuất như Thành Nam, Thế Hùng, Lâm Phương. Vậy anh định tung những nhân vật như thế vào Tổng hội?
Ngày đó, khi làm xuất khẩu phần mềm, chúng ta đã nói đến chiến tranh nhân dân. Thành công, thành bại là do sự nỗ lực, sáng tạo của mỗi con người. Phải khẳng định rằng xương sống của sự thành công đó là đội ngũ lãnh đạo. Còn Tổng hội thành hay bại là tự nguyện của mỗi thành viên và xương sống của thành công là các thủ lĩnh tinh thần.
Khi bắt đầu làm phần mềm, chúng ta có một số người nổi bật. Tuy nhiên khi đã vào trận, chúng ta lại có những tên tuổi mới như Lâm Phương, Phạm Minh Tuấn, Hoàng Việt Anh, Đức Quỳnh,... những người đã tự khẳng định mình qua cuộc chiến. Thời thế tạo anh hùng là vậy. Tổng hội cũng thế, Tập đoàn tin cậy giao trách nhiệm cho những người Tổng hội và trong phong trào sẽ xuất hiện những thủ lĩnh phong trào.
Chúng ta cần tái tư duy lại vai trò, tổ chức Tổng hội. Tổng hội là tổ chức cộng đồng, một tổ chức tự nguyện chứ không phải là một tổ chức hành chính nên, thủ lĩnh Tổng hội có thể sẽ phải được chọn lựa thông qua bầu cử, bỏ phiếu chứ không bổ nhiệm như tổ chức chính quyền.
Là Chủ tịch Tổng hội, chương trình hành động tiếp theo của anh sẽ thế nào?
Cũng như trong phần mềm, việc đầu tiên là cần bàn bạc và thống nhất về quan điểm. Trước tiên, lãnh đạo các cấp nhận thức về vấn đề này. Không thể chỉ hiểu Tổng hội là ăn chơi nhảy múa, mặc dù việc ăn chơi nhảy múa là hết sức cần thiết với mỗi thành viên FPT. Đó là nhu cầu quan trọng của các bộ nhân viên. Cần phải hiểu rõ ràng giá trị của Tổng hội và phát huy giá trị đó.
Thứ hai, giao việc này cho Tổng hội tự nghĩ và đề xuất. Vì khác với các đơn vị kinh doanh, Tổng hội là tự nguyện, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính, nên lãnh đạo Tổng hội phải bàn bạc với anh em xem cần làm gì trong tình hình đổi mới và làm thế nào để Tổng hội vươn lên như FSoft đã từng vươn lên. Lãnh đạo Tập đoàn sẽ hỗ trợ toàn diện. Đó là cách thức phù hợp.
Là một người lãnh đạo Tập đoàn, anh xác định vai trò cá nhân của anh đối với hoạt động Tổng hội như thế nào?
Có nhiều định nghĩa về vai trò lãnh đạo tập đoàn. Thứ nhất, lãnh đạo là phải đem lại hạnh phúc cho mọi người; thứ hai, lãnh đạo phải là ngọn cờ tập hợp lực lượng; và thứ ba, lãnh đạo phải xử lý mọi vấn đề của tổ chức.
Làm cả 3 việc trên là rất nặng, nhưng tôi sẽ phải làm cả 3 việc trên.
Tôi rất muốn các vị trong phong trào chia sẻ với tôi việc này vì khối lượng công việc của phong trào thực sự vượt quá sức của con người.
Nguồn: Chungta (9/2007)