Ai cũng biết người gác cổng làm gì, nhưng mấy ai có cảm tình với việc họ làm, nhiều người cho rằng họ chỉ gây khó khăn khi ra vào cơ quan, bệnh viện... Điều đó nói lên phần nào tâm trạng của người gác cổng và trông coi việc truy nhập mạng Internet.
Người gác cổng các cơ quan, bệnh viện... làm việc theo nội quy của cơ quan, thường được treo ngay cổng, trong đó quy định giờ được phép ra vào. Khác với các cơ quan, mạng Internet không quy định giờ truỵ nhập, người sử dụng càng truy nhập nhiều càng tốt, vì Internet một mặt mang lại cho người sử dụng những thông tin mà họ cần và trao đổi, mặt khác cũng đem lại cho Nhà cung cấp dịch vụ Internet thu nhập. Người gác cổng Internet không có trách nhiệm biên tập, nhưng họ là người điều hành việc đưa thông tin của những người sử dụng lên mạng theo những quy định của Nhà nước, như Quy định về bảo mật, Luật báo chí và Luật xuất bản... và các quy định khác của Cơ quan quản lý mạng thông tin.
Không có văn bản nào quy định được hết những điều cấm kỵ để người truy cập mạng có thể tránh, bởi có những vấn đề mà Quốc gia này thì ngăn cấm mà Quốc gia khác thì không!
Báo viết chủ yếu là do các phóng viên được đào tạo qua trường lớp viết, do loại hình đặc biệt của báo viết là số lượng trang có hạn, nên việc cho đăng bài nào có thể cân nhắc dễ dàng, còn mạng Internet là một phương tiện thông tin không bị hạn chế về số lượng, độ dài, người viết thì đủ tầng lớp, người nước ngoài có, cán bộ công nhân viên, học sinh, sinh viên có... nên phong cách và mục đích của họ cũng rất khác nhau.
Việc truy cập thông tin từ các địa chỉ nước ngoài là vấn đề mệt mỏi nhất. Tại cổng Quốc gia, Nhà nước đã có một người gác kèm theo các thiết bị hiện dại mà người ta gọi là "bức tường lửa". Tuy nhiên bức tường này chỉ ngăn không cho truy nhập được vào các địa chỉ có nội dụng không lành mạnh hoặc phản động mà chúng ta đã biết, còn những địa chỉ mà người gác cổng chưa biết thì bức tường lửa không có tác dụng. Trên thời gian còn có biết bao nhiêu địa chỉ Internet mà chúng ta có thể truy cập mà người gác cổng không biết!
Chúng tôi chỉ là những người gác cổng Internet cho một Nhà cung cấp dịch vụ là FPT, điều đó có nghĩa là phạm vi và số lượng người truy nhập mà chúng tôi kiểm soát ít hơn nhiều so với cổng Quốc tế do Tổng Công ty Bưu chính viễn thông quản lý.
Là Nhà cung cấp dịch vụ Internet, chúng tôi quản lý hàng chục ngàn người tham gia truy cập mạng Internet, thông tin của mọi người đưa lên mạng Internet thông qua mạng Trí tuệ Việt Nam đều đã được kiểm duyệt. Kiểm duyệt thông tin là nỗi buồn vui của chúng tôi, những người gác cổng Internet.
Mạng Trí tuệ Việt Nam là mạng dùng để trao đổi thông tin trong nhiều lĩnh vực, nhưng văn hoá - văn nghệ, khoa học kỹ thuật, kinh doanh, trao đổi công nghệ... của những nhà kinh doanh, các nhà khoa học và công nghệ, đồng thời nó cũng là nơi vui chơi giải trí của những bạn trẻ đang còn là học sinh, sinh viên, các bạn Việt kiều muốn hiểu biết về nước nhà... Khi gửi thông tin vào các chuyên mục trên mạng, nhiều bạn đem đến cho người đọc những thông tin bổ ích và lý thú, xong cũng có không ít thông tin làm đau đầu bạn đọc với những lời lẽ phê phán gay gắt, nhất là phê phán nhà cung cấp dịch vụ về những trục trặc trong việc truy cập.
Khen có, chê có, hình như cứ lúc nào mạng không đáp ứng được nhu cầu người sử dụng là nhận được những phê phán đầy bực bội, họ đã dùng những từ bất kỳ ai đọc cũng không thể bình tình được. Nhiều khi người có tên tham gia mạng còn cho những người khác là bạn mình mượn "mật khẩu", người mượn đã hội thoại trên mạng hay viết những thông tin vi phạm quy định quản lý thông tin của Luật báo chí, của Tổng Giám đốc FPT, buộc chúng tôi phải nhắc nhở, và thậm chỉ là cắt dịch vụ. Những lúc đó thì không còn lời lẽ nào tục tĩu hơn, họ đã đổ lên đầu chúng tôi .
Và chúng tôi cũng đã gặp và thông cảm với không ít những tâm sự của những người tham gia mạng có những nỗi niềm riêng tư, họ đưa lên để mong nhận được chia sẻ.
Đặc biệt là khi chúng tôi loại bỏ những tin vi phạm về quản lý thông tin trước khi cho lên mạng thì lập tức bị phản ứng ngay, người viết cho rằng họ quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi đã giải thích cho họ lý do không đăng tải những thông tin đó ví dụ như những thông tin không chính xác về lãnh tụ, phê phán những cơ quan chức năng về những vấn đề vượt quá phạm vi quyền hạn, những truyện Tiếu lâm tục tĩu, thô thiển... Ngoài những loại thông tin có thể xác định ngay được sai trái, có những loại thông tin không sai trái nhưng không phù hợp với xu thế hiện tại của các cuộc vận động ngoài xã hội chúng tôi không cho chuyển tải. Sau mỗi lần bị loại tin, người viết phản ứng mạnh mẽ, phản ứng đó cũng tác động đến tâm trạng chúng tôi.
Chúng tôi cũng là những con người bằng da, bằng thịt cũng có tâm trạng như bao nhiêu người khác, cũng vui khi được khen, chê đúng mức, cũng buồn khi bị xúc phạm quá đáng! Có mấy ai biết hàng ngày chúng tôi phải đọc bao nhiêu tin tức? Hay có, dở có, nếu hay thì còn làm cho người kiểm duyệt đỡ chán. Điều làm cho chúng tôi luôn đứng vững được trên vị trí công tác của mình là chúng tôi đang có trách nhiệm trước Nhà nước và cơ quan. Nhiệm vụ của chúng tôi, Người gác cổng Internet, người gác cổng của mặt trận thông tin, nơi không tiếng súng, không có mặt đối mặt, là giữ cho mạng Internet luôn trong sạch.
Bảo tàng FPT (1998)