Chúng ta đang mất gì?

Với góc nhìn còn hạn chế, có thể bài viết này chưa đưa ra được hết các vấn đề còn tồn tại cũng như các giải pháp chưa thật sự có tính khả thi. Trong bài viết này, ý kiến được đưa ra trên quan điểm của cá nhân tác giả, không đại diện và cũng không chỉ trích hay khen ngợi cho một cá nhân hay đơn vị nào.


Phàm đã mô tả một con người, ta thường đề cập đầy đủ cả thể xác tinh thần của họ. Tôi coi FPT như một con người, và tôi là một phần rất nhỏ trong con người đó.


Khi tôi còn là sinh viên, 5 năm trời hàng ngày đi học qua ngã tư Thái Hà – Láng Hạ, nhìn toà nhà FPT 89 Láng Hạ tôi ước ao sẽ có ngày mình trở thành một nhân viên của cái công ty ấy. Vì tôi biết, ở FPT, có những con người giỏi giang, môi trường làm việc cởi mở và thân thiện. Qua bạn bè anh chị tôi đang công tác ở FPT, tôi biết mọi người coi nhau như trong một gia đình, không có phân biệt đối xử, không có khoảng cách giữa sếp và nhân viên… Rồi tôi cũng thực hiện được mơ ước của mình là gia nhập “gia đình” FPT.


Nhưng, bài viết này, tôi không có ý định kể lể về lịch sử. Tôi muốn nói đến một vấn đề khác? 


Chúng ta đang mất gì?


Kể từ ngày FPT lên sàn, và đặc biệt gần đây, xã hội bên ngoài đang nhìn FPT với con mắt như thế nào? Nếu “search” trên Google với từ khóa “FPT” cho ra 11,200,000 kết quả thì với từ khóa “Borat+FPT” cho ra 6,120 kết quả tìm kiếm, với từ khóa “FPT+đứt+ADSL” cho ra kết quả 77,600 kết quả, với từ khóa “FPT+văn hóa+bệnh” cho ra kết quả 1,710,000 kết quả, từ khóa “FPT+ADSL+chất lượng+kém” cho ra kết quả 70,400.


Các kết quả cho thấy một phần xã hội không nhỏ giờ thường nhìn vào FPT qua sự cố Borat trong lễ kỷ niệm 20 năm FPT, nhìn vào FPT qua việc đứt dây ADSL và chất lượng ADSL kém… Liệu nhận xét đó có đúng không?


Đọc sử ký FPT 10 năm, 15 năm, sử ký FPT HCM 10 năm hay đọc các tuyển tập Chúng ta của những năm trước tôi thấy có rất rất nhiều bài viết của các anh chị lãnh đạo. Qua các bài viết đó, tôi cảm nhận được cái thần của FPT và con người FPT. Còn ngày nay, rất hiếm khi nhìn thấy các bài viết trên báo Chúng ta với tác giả là lãnh đạo, nếu có thì cũng là vào một dịp lễ nào đó. Thậm chí có những việc cần các anh lên tiếng như C20 thì cũng không thấy đâu. Phải chăng giờ đây nhiệm vụ viết lách là chỉ của riêng các phóng viên báo Chúng ta?


Giờ đây môi trường FPT không còn là điều kiện để giữ chân một bộ phận nhân viên. Tôi cũng đã là người FPT gần 5 năm, tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều thế hệ người FPT. Thế hệ trước, các anh chị giàu nghèo sướng khổ đều gắn liền với FPT, họ tự hào là người FPT. Nhưng gần đây tôi có cái cảm giác là có một bộ phận không nhỏ không dám nhận mình là người FPT, một bộ phận chỉ làm việc ở FPT vì lương, vì thưởng chứ không vì môi trường làm việc. 


Bộ phận đó sẵn sàng rời bỏ FPT để đi đến một bến bờ mới nếu ở đó họ được chào đón với mức lương cao hơn, thưởng nhiều hơn (thậm chí kể cả không hơn bao nhiêu). Rồi nữa trong FPT giờ đây nhiều người quan tâm nhiều hơn đến vị trí, chức vụ mà ít quan tâm đến công việc và lợi ích tập thể.


Rồi có ai thắc mắc và tìm hiểu không khi mà kết quả survey FPT engagement cho thấy độ gắn kết của cán bộ cấp 3, 4 đối với FPT là thấp nhất trong toàn tập đoàn? Trong khi L3, L4 là lực lượng “trâu cày” chính cho tập đoàn. Tại sao độ gắn kết của cán bộ ở FPT Distribution, FPT Land lại cao hơn các đơn vị khác? 



Rồi có nơi, có lúc tôi không nhận ra đó là một đơn vị thuộc FPT nếu không có 3 chữ FPT và 3 màu của FPT trên logo của đơn vị.


Tôi coi FPT như một con người thì hình như con người này đang dần mất đi cái tinh thần của mình. Cái tinh thần này là một trong những nhân tố đem đến thành công cho FPT ngày hôm nay, là chất keo kết dính toàn bộ người FPT đa tính cách lại với nhau thành một “người FPT”.


Đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập toàn diện, cạnh tranh giờ đây là cạnh tranh toàn cầu trên chính lãnh thổ Việt Nam. Cộng với kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy thoái, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài ảnh hưởng đó. Liệu, các vấn đề mà tôi đề cập ở trên có ảnh hưởng gì đến tính cạnh tranh của FPT không? Tất nhiên là có, và nếu chúng ta không giữ được cái tinh thần FPT trong mỗi con người, mỗi bộ phận thuộc FPT thì ảnh hưởng đó là cực kỳ nghiêm trọng, một khi đã không còn chất keo kết dính thì việc phá nó rất dễ.


Để làm gì để không bị mất đi cái thần của người FPT?


Đầu tiên, lãnh đạo cần phải tích cực viết. Ngày trước, khi quy mô công ty còn nhỏ, điều kiện để các anh đến la cà cùng nhân viên ở các bộ phận còn thuận lợi. Nhưng ngày nay, công ty đã có 10,000 người và tương lai là hàng mấy chục nghìn con người, thì việc yêu cầu các anh đến với từng cán bộ là không thể và duy ý chí. Vậy cách để các anh có thể truyền cái thần FPT đến các thế hệ nhân viên sau chỉ còn là viết nhiều. Viết trên tất cả các phương tiện truyền thông nội bộ chứ không chỉ trên mỗi blog cá nhân. 


Nói như thế không có nghĩa là các anh chỉ viết, mà vẫn cần tiếp xúc gặp gỡ nhân viên; tham gia thể thao, picnic… cùng với nhân viên khi có thời gian và cơ hội để truyền cái thần của FPT vào mỗi nhân viên.


Rồi các anh cũng nên tích cực trả lời email của nhân viên, dù đôi lúc những email đó ngớ ngẩn vì mindset của nhân viên không được như mindset của các anh. Việc trả lời mail của lãnh đạo làm cho nhân viên cảm thấy mình được tôn trọng và sẽ có mong muốn cống hiến cho công ty nhiều hơn.


“Connect 1-1” giữa 1 nhân viên với 1 lãnh đạo là điều hay, nhưng chưa đủ, vì chỉ 1 nhân viên tiếp xúc với lãnh đạo thì ý kiến của nhân viên đó chắc chắn không thể đại diện cho số nhân viên còn lại. Các đại biểu Quốc hội còn phải đi tiếp xúc cử tri trước khi họp QH để tiếp nhận ý kiến của cử tri đề đạt lên các cấp lãnh đạo của đất nước kia mà. Vì vậy, ngoài connected 1-1, chúng ta nên tổ chức nhiều chương trình, nhiều đợt connected 1-n. Tăng cường các cuộc tiếp xúc của các lãnh đạo với tất cả CBNV của các bộ phận từ nhỏ đến lớn, tăng cường các chuyến vi hành của lãnh đạo các cấp đến các đơn vị.


Hiểu đúng hơn và làm đúng hơn về STco cũng là một cách để giữ lấy cái thần của người FPT. Tại sao chúng ta không tiếp tục phát huy những tác phẩm, những vở diễn như “Chuyện làng Vũ Đại” của FPT Distribution, hay các vở diễn để đời của FFT Software, FPT University, FPT IS mà ngay cả giới chuyên nghiệp cũng ngạc nhiên về khả năng viết kịch, biên đạo, dàn dựng và diễn xuất của người FPT. 


Việc thay lời mới cho bài hát cũ chỉ còn phù hợp với sinh hoạt nhóm nhỏ. STco giai đoạn này cần phát huy việc sáng tác các ca khúc, các tác phẩm văn học nghiêm túc về FPT, về con người FPT.


Truyền thông nội bộ liệu đã làm hết chức năng? Tôi nghĩ là chưa. Truyền thông nội bộ chỉ mới thực hiện được bề nổi. Như lĩnh vực chính sách nhân sự chẳng hạn, EC team của Ban Nhân sự đã làm được khá nhiều việc nhưng phần quan trọng nhất mà đại bộ phận CBNV FPT quan tâm là các chế độ đãi ngộ, lương thưởng, phúc lợi… thì gần như chưa thấy có chương trình nào mang tính chất toàn Tập đoàn. 


Truyền thông nội bộ dựa trên nền tảng 2.0 là một chiến lược, nhưng 2.0 không có nghĩa là chỗ nào, đơn vị nào cũng mọc ra forum, website. Tại sao cả FPT Software lớn như vậy cũng chỉ có duy nhất 1 blog chợ dưa, TienphongBank thì cũng chỉ có 1 blog u2b, trong khi đó ở HO thì nào là langta.net, 1309.vn, FLI, hr20,…. Nhiều quá nên loạn, giờ ai muốn xem cái gì cũng không biết phải vào đâu, địa chỉ nào để xem. Tại sao không đưa hết các trang đó về trên cùng một website duy nhất?


Với hoạt động kinh doanh, không phải cái gì outsource cũng đều tốt. Vì đôi lúc không biết chừng cái hoạt động mà ta outsource lại chính là core của chúng ta. Ví dụ, việc triển khai, kéo cáp… trong hoạt động viễn thông chúng ta outsource, nhưng cá nhân tôi thấy đây là các phần việc này core. Vì lực lượng này chính là đối tượng tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tiêu dùng cuối, hình ảnh, chất lượng dịch vụ của FPT được thể hiện qua hình ảnh và chất lượng phục vụ của đội ngũ này. Liệu có đúng không khi outsource hoàn toàn hoạt động này?


Vĩ thanh: Tôi vẫn nghĩ chắc chắn sẽ có một năm nào đó được chọn làm năm (khôi phục) Tinh thần FPT, năm mà lãnh đạo các cấp sẽ có nhiều chuyến vi hành đến các bộ phận hơn, năm mà truyền thông nội bộ sẽ khởi sắc, năm mà bà con FPT sẽ được đọc nhiều hơn các bài viết của lãnh đạo, năm mà báo chí, dư luận xã hội nhắc đến FPT khen nhiều hơn chê…


Bảo tàng FPT (2008)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn