‘Cán bộ văn hóa phải khiến người F yêu công ty một cách tự nhiên’

Những câu chuyện khiến nhiều người tò mò về văn hóa FPT và lịch sử của ngành dọc độc đáo bậc nhất trong doanh nghiệp Việt đã được anh Nguyễn Thành Nam chia sẻ tại buổi đào tạo "Lịch sử Tổng hội và Văn hóa FPT”.


Hàng chục cán bộ nhân viên lấp kín các hàng ghế trong sự kiện diễn ra sáng 26/3 tại FPT Building (Hà Nội) do Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) phối hợp Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT (FUN) tổ chức. Họ là các cán bộ Văn hóa đoàn thể chuyên trách/kiêm nhiệm, cũng có người chuyên môn hoàn toàn khác nhưng có mối quan tâm đến văn hóa FPT.


Người dẫn dắt buổi đào tạo là anh Nguyễn Thành Nam, thành viên Hội đồng Sáng lập Tập đoàn, "cánh chim đầu đàn" của văn hóa STCo. Điểm lại những dấu mốc của Tổng hội FPT (nay là FUN), anh Nam “già” cho biết thuở sơ khai, “khoảng cách quyền lực” gần như không tồn tại giữa lãnh đạo và nhân viên FPT. Ở giai đoạn từ ngày mới thành lập cho tới năm 1994, “vật chất không có nên tinh thần rất mạnh”, văn hóa STCo chủ yếu được thể hiện tại bất kỳ dịp hội họp nào của người FPT, từ vỉa hè tới đám cưới.


Với lối dẫn dắt hóm hỉnh, sâu sắc, anh Nguyễn Thành Nam đã mang đến nhiều câu chuyện hấp dẫn trong buổi đào tạo.


Nhận thấy những giá trị của văn hóa tinh thần này, các lão thành FPT tiếp tục phát triển văn hóa một cách “tự giác” trong giai đoạn 1995-2002. Đây cũng là thời kỳ đánh dấu bước phát triển kinh doanh của FPT khi công ty bắt đầu xuất khẩu phần mềm và ổn định về mặt tổ chức. Các phương thức và công cụ lan tỏa văn hóa ra đời, như báo Chúng ta, Hội diễn, mạng Trí tuệ Việt Nam, góp phần ghi dấu hình ảnh và văn hóa FPT đậm nét hơn trong và cả ngoài nhà F.


Tới những năm 2003-2012, hoạt động kinh doanh của FPT đạt nhiều thành tựu mà nổi bật nhất là lên sàn chứng khoán, nhiều văn phòng nước ngoài và Đại học FPT được thành lập, cho thấy quyết tâm đi đường dài của nhà F. Song song đó, văn hóa đoàn thể (VHĐT) FPT bước vào thời kỳ chính thống với sự ra đời của Tổng hội.


Từ sau thời kỳ này, FPT nhận thấy VHĐT cần có quy củ, kỷ luật hơn. Tổng hội được “quy hoạch” lại thành Ban Văn hóa - Đoàn thể và tìm phương hướng mới để duy trì văn hóa FPT sau 30 năm hình thành và phát triển.


Sự kiện thu hút rất nhiều CBNV làm việc trong nhiều lĩnh vực.

Nhận định văn hóa đoàn thể phải có ích cho kinh doanh mới tồn tại được, anh Thành Nam cho rằng nếu đội ngũ làm VHĐT chỉ thực hiện “cho có” thì “không bao giờ đẩy được đến mức đó”. “Phải làm sao để cán bộ nhân viên yêu công ty một cách vô thức”, anh Nam khẳng định.


“Các bạn phải mong muốn phát triển bản thân, đấu tranh cho sự phát triển đó. Người các bạn cần làm hài lòng là anh em chứ không phải lãnh đạo. Biết anh em cần gì, biết đối tượng của mình, đề xuất với lãnh đạo. Quan trọng nhất là trang bị các kỹ năng để hiểu được quần chúng”, thủ lĩnh phong trào của Tập đoàn nhắn nhủ những người trẻ làm VHĐT.


Ngoài những kiến thức bổ ích về việc làm VHĐT và văn hóa FPT, anh Nguyễn Thành Nam còn tiết lộ không ít chuyện “thâm cung bí sử” của nhà F, cũng như hòa giọng với người FPT trong các ca khúc STCo bất hủ.


Buổi đào tạo cho các CBNV cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa FPT. 


Gắn bó hơn chục năm với FPT và luôn góp mặt trong các sự kiện văn hóa của nhà F, Nguyễn Lê Hoàng (FPT IS) cho biết từng nghe nhiều câu chuyện STCo nhưng đến sự kiện này anh vẫn rất bất ngờ và thú vị trước những điều anh Thành Nam kể. “Giây phút xúc động nhất là khi anh Nam nhắc kỷ niệm về khách hàng người Nhật, vì cảm động khi thấy anh Bùi Hoàng Tùng hát bài ‘Đoàn FPT’ đầy say sưa mà quyết định giao việc và dạy cho người F biết làm phần mềm. Nhờ đó mà FPT Sofware có được khách hàng quan trọng và mở đường vào thị trường Nhật Bản”.


Cũng tâm đắc trước những kiến thức và câu chuyện của anh Thành Nam, Quách Phượng Long (FPT Software) lại có phần trầm tư khi nghĩ so sánh thực tại và truyền thống. “Các bạn làm VHĐT hiện hơi thụ động, thậm chí nhút nhát, chỉ biết làm mà không đổi mới”, Long nói. Anh bày tỏ lo lắng về việc giữ gìn và lan tỏa văn hoá STCo. “Nhất thiết lắm phải vực dậy phong trào, nhỡ chẳng may lão thành Nam ‘già’ ốm đau thì ai hát được, kể lại được cho anh em đây?”.


Nguồn: Chungta

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn