Cơ hội và thay đổi tuổi 30 của chủ tịch Hoàng Nam Tiến

Người Việt từ lâu vốn có câu "Tam thập nhi lập" nói đến dấu mốc quan trọng của cuộc đời con người: Tuổi 30.


Chia sẻ tại hội thảo Cơ hội và thay đổi tuổi 30, chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho biết những thống kê học chỉ ra rằng 28-35 là giai đoạn con người trải qua khủng hoảng tuổi trưởng thành. Đây là đợt khủng hoảng thứ 2 sau khủng hoảng tuổi vị thành niên.


"Các bạn bắt đầu kiếm được tiền, có gia đình và bắt đầu có vị trí trong xã hội và các bạn nghĩ rằng mình sẽ phải làm gì khác đi. Và phần lớn đều muốn làm cái gì đấy của riêng mình", ông Tiến rút ra quy luật. Chính bản thân ông cũng không phải ngoại lệ.


Năm 1993, sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội, ông Tiến gia nhập công ty FPT. Sau nhiều năm phấn đấu, khi chạm mốc tuổi 30 ông lên đến vị trí trưởng phòng kinh doanh tại tập đoàn FPT. Tuy nhiên điều ông trăn trở là chưa làm được gì cho riêng mình khi trong tay có sẵn các mối quan hệ, có gia đình ổn định. Ở tuổi 32, ông Hoàng Nam Tiến quyết định xin nghỉ việc với chủ tịch FPT Trương Gia Bình.



"Anh Bình không khuyên nên ở lại hay hứa hẹn sẽ bổ nhiệm làm việc này, giao việc kia. Thay vào đó anh Bình bảo tôi: Thôi mày đi học đi!", ông Tiến nhớ lại. Vị trưởng phòng kinh doanh FPT khi đó quyết định nghỉ việc để đi học tại Mỹ.


Tuần đầu tiên khi ông Tiến nghỉ để đi học, điện thoại liên tục bận máy vì các cuộc gọi điện của đối tác như Microsoft, IBM,.. Tuy nhiên đến tuần thứ 2, các cuộc gọi, thư điện tử thưa dần và rồi đúng như lời cha ông thường nói "Vắng cô thì chợ vẫn đông".


"Sau 3 tháng tôi phát hiện ra điều rất quan trọng rằng không ai cần mình. Khi không có ai cần mình thì điều đầu tiên mình suy nghĩ rất khác. Nếu không đi học thì không bao giờ tôi có cảm giác đấy. Khi đi học, tôi nung nấu rằng khi về sẽ làm một cái khác kể cả về FPT, như một con người mới. Làm điều gì khác biệt", ông Tiến nhớ lại. Sau khi quay trở về FPT, ông Tiến thay đổi và đưa phòng kinh doanh sang bước chuyển mới đóng góp lớn vào doanh thu tập đoàn.


Theo ông Tiến, ở lứa tuổi 30 có 3 việc cần làm với bất kỳ ai: Thứ nhất là kiếm ra tiền, thứ hai là cố gắng có một gia đình tử tế, thứ ba là đi học. Sau một thời gian đi làm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế, những người 30 tuổi sẽ đi học với tâm thế khác so với người trẻ tuổi. Theo ông Tiến, chính bởi điều này nên các khóa học MBA trên thế giới đều đưa ra lứa tuổi thích hợp nhất với học viên là 30 tuổi.


Ann (st)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn