“Tôi chưa bao giờ thấy một công ty nào dân chủ như công ty này. Ai đời lại cứ lôi sếp lên sân khấu mà bôi bác giữa bàn dân thiên hạ như thế”. Một khán giả bên ngoài FPT đã thốt lên như vậy sau khi xem Hội diễn STCo 13-9.
Chuyện cấp dưới dám đập bàn, to tiếng tranh luận với cấp trên ở FPT không phải là hiếm. Hầu hết nhân viên mới đều được nghe câu chuyện về một nhân viên FPT, trong lần đầu tiên đi họp giao ban công ty thay cho vị trưởng phòng bị ốm, đã dám chỉ mặt lãnh đạo mà mắng: “Các anh dốt bỏ mẹ!”. Vậy mà lãnh đạo vẫn không giận, không trù dập, lại còn khoái chí vì có đứa dám nói khác mình… Quả thật hiếm có công ty nào ở Việt Nam có môi trường dân chủ hơn thế.
Nhưng đi sâu vào bên trong quần chúng, vẫn còn những tiếng thở dài, những lời than vãn: “Dân chủ ở đâu?”.
Trước hết, dấu hiệu mất dân chủ thể hiện qua việc lãnh đạo không cần lắng nghe ý kiến quần chúng.
Chẳng hạn, trong bản check-point hàng năm của cán bộ nhân viên, luôn có mục “Nguyện vọng cá nhân”. Thế nhưng có bao nhiêu phần trăm lãnh đạo quan tâm đến những nguyện vọng này. Hầu như chẳng một nhân viên nào nhận được phản hồi từ các cấp quản lý cho những nguyện vọng của mình. Có vẻ như lãnh đạo FPT đều tin tưởng sâu sắc rằng, toàn bộ nhân viên FPT đều đang rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Trong mẫu bảo vệ kế hoạch kinh doanh hàng năm của các đơn vị cũng có mục “Các kiến nghị”. Dù cấp đề đạt cao hơn nhưng “Các kiến nghị” này cũng có chung số phận như các “Nguyện vọng cá nhân”, tức là giống như tên lửa vũ trụ, phóng ra là mất hút, có đi mà không có về.
Theo cách nhìn hiện đại, một nền dân chủ thực sự phải được thể hiện đầu tiên trên truyền thông đại chúng. Ngay cả khi lãnh đạo chưa sẵn sàng nghe thì ít nhất cũng không nên hạn chế quyền tự do ngôn luận của quần chúng. Đôi khi, chỉ cần quan sát nội dung thông tin đại chúng, chúng ta đã có thể cảm nhận được mức độ dân chủ ở FPT là không cao. Báo Chúng ta ít đăng những thắc mắc về chính sách cán bộ, chính sách khen thưởng, mặc dù nhân dân bàn tán khắp nơi. Thông tin trên báo chỉ là một chiều và thường là những thông tin tốt theo quan điểm của lãnh đạo. Khi không thấy quan điểm đối lập trên thông tin đại chúng thì chúng ta đừng vội ngây thơ tin rằng mọi chuyện đều ổn. Thiếu quan điểm đối lập là biểu hiện cơ bản nhất của môi trường thiếu dân chủ. Quần chúng sẽ không nói nếu biết chắc, nói cũng chẳng có người nghe, hoặc tệ hơn là nói sẽ mang vạ vào thân…
Dân chủ là một truyền thống tốt đẹp của FPT. Không ai phủ nhận môi trường dân chủ vừa là sản phẩm vừa là điều kiện để FPT thành công như ngày hôm nay. Nhưng dấu hiệu vi phạm dân chủ đang hiện diện khắp nơi. Nếu không cảnh giác và có những hành động chấn chỉnh kịp thời, chúng ta sẽ nhanh chóng đánh mất một truyền thống đáng tự hào nhất của FPT và sẽ không một ai có thể đánh giá hết hậu quả tai hại của nó trong tương lai đối với tập đoàn.
Lời bàn:
Truyền thống dân chủ của FPT được hình thành từ những năm gian khổ, nơi những người khởi nghiệp vốn là bạn học, yêu mến và quý trọng nhau. Trong chừng mực nhất định, những thế hệ đầu tiên của FPT vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp này tới hôm nay.
Nhưng khi quy mô FPT ngày càng mở rộng, thách thức công việc ngày càng cao, có nhiều thay đổi đã diễn ra. Ở một số cấp, môi trường dân chủ được thay thế bởi khái niệm “độc tài sáng suốt”. Do sáng suốt, nên các quyết định của nhà độc tài thường đúng. Chính điều này đã làm cho chúng ta không nhận ra một thứ, còn quý giá hơn những thành quả nhất thời, đã bị mất - đó là môi trường dân chủ.
Hậu quả là, khi quy mô tiếp tục phát triển, nhà “độc tài sáng suốt” không còn đủ khả năng bao quát hết mọi việc thì anh ta buộc phải ủy quyền cho các thuộc cấp của mình. Những thuộc cấp này hiển nhiên đi theo con đường độc tài, nhưng rất tiếc, không phải tất cả những nhà “độc tài mới” đều có thể “sáng suốt”. Môi trường dân chủ không còn. Sẽ không có gì cản được những nhà độc tài ngu dốt đưa chúng ta xuống đầm lầy.
Nguồn: Bảo tàng FPT
(Trích sách Đồng Đội FPT)