Chúng tôi về lại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi giữa mùa mưa tháng 10 của đất miền Trung. Trời đất thâm sì, cứ mưa gió sụt sùi suốt dọc tuyến đường từ Sài Gòn tới Quãng Ngãi như muốn thách đố chuyến đi của chúng tôi.
Phổ Cường, cái tên trở nên thân thuộc từ những dòng viết đầy tình yêu thương trong Nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm nay càng trở nên thân thương khi “quê nghèo, đất cũng nghèo” đã ấm tình của những người FPT.
Đúng hẹn với địa phương, hai tháng sau lần đầu tiên về thăm Phổ Cường, chúng tôi lại trở về nơi này để bàn giao những căn nhà tình nghĩa mà FPT đã tài trợ. Chuyến đi như có thêm nhiều hơn những niềm vui nho nhỏ cho địa phương khi đoàn tiếp tục mang đến Phổ Cường kinh phí để xây dựng thêm một căn nhà tình nghĩa nữa.
Đến Quảng Ngãi, 4 chị em chúng tôi (chị Thanh Thanh, anh Tuấn Hùng – PGĐ FIS HCM, em Huyên Phương và tôi) khẩn trương làm các công việc cần thiết để về ngay Phổ Cường. Bầu trời vẫn xám xịt mây đen vần vũ, lúc mưa, lúc ngớt, anh Thí Sinh, Chủ tịch xã đã huy động các anh chị ở UBND mỗi người một xe máy để đi cùng đoàn.
Với nguồn kinh phí gần 40 triệu đồng quyên góp được từ các đơn vị của FPT HCM, xã Phổ Cường đã xây dựng được hai căn nhà tình nghĩa cho hai đối tượng chính sách: anh thương binh người H’rê Phạm Văn Lâm và vợ liệt sỹ, bà Trần Thị Cáo. Số tiền còn lại dùng để xây dựng một căn nhà Đại Đoàn kết cho gia đình anh Nguyễn Tiến Quảng, đôi vợ chồng neo đơn có cuộc sống khốn khó, căn nhà cũ của anh chị dỡ ra không dựng nổi cái chuồng trâu.
Đón chúng tôi ở mỗi căn nhà tình nghĩa, tình thương là đông đủ đại diện của gia chủ, bà con lối xóm và chính quyền địa phương.
Cũng vẫn là những câu chuyện xoay quanh việc xây nhà dựng cửa, kiến tạo cuộc sống, xoay quanh chén nước trà mằn mặn của người miền Trung cùng dăm ba thứ bánh kẹo gọi là mừng tân gia, chúng tôi trao đổi về tiến trình xây dựng nhà cửa và chi tiêu kinh phí. Câu chuyện như nồng hậu hơn khi chị Thanh Thanh đại diện cho người FPT trao gửi tâm tình cùng món quà tân gia nho nhỏ từ sự quyên góp của FPT HCM và bày tỏ sự vui mừng khi người FPT đã góp được phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng quê hương thứ hai của chị Trâm.
Chia tay gia đình anh Quảng, chúng tôi đến nhà mẹ Lê Thị Nhưng, gia đình được chọn để xây dựng một căn nhà mới từ nguồn kinh phí đóng góp của FIS HCM và anh ChâuHM. Căn nhà cũ của mẹ Nhưng nằm chơ vơ giữa khoảng đồng trống mênh mông. Con đường từ đường liên thôn vào nhà mẹ phải đi dọc theo bờ mương thủy lợi và men theo bờ chỉ rộng chừng 70 phân của những thửa ruộng vừa xanh màu mạ mới.
Đường lầy lội, căn nhà của mẹ Nhưng vách đất mái tôn thủng chi chít được chắp vá để chống chọi với mùa mưa miền Trung. Mẹ Nhưng đau chân không đi lại được và ngồi trên chiếc giường đơn nhìn ra ngoài qua khung cửa sổ nhỏ, đón chúng tôi với nụ cười móm mém cùng vẻ ngạc nhiên ngơ ngác khi thấy quanh nhà ầm ầm xe máy lao vào trong sân.
Mẹ Nhưng là vợ liệt sỹ Nguyễn Chí Công và chính là mẹ của liệt sỹ Nguyễn Thị Hường. Chị Hường cũng là một y tá đã làm việc cùng chị Thùy Trâm và chị đã hy sinh trong một trận càn của Mỹ vào trạm xá trong năm 1969. Nhật ký của chị Trâm đã có kể lại nỗi đau đớn mất mát này của trạm xá vào cái ngày chị Hường hy sinh. Tuổi cao, sức yếu nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn khi nhớ được tên từng người cùng xóm đến thăm mẹ hôm đó. ở cùng và chăm sóc mẹ là người con gái tật nguyền của mẹ và con của chị. Bị tật một bên chân nhưng con gái vẫn ngày hai buổi lo chuyện đồng áng chợ búa để nuôi người mẹ già đã 84 tuổi.
Khi anh Tuấn Hùng trao tặng kinh phí để xã xây dựng nhà tình nghĩa, con gái mẹ Nhưng đã nghẹn ngào xen lẫn vui mừng đến bối rối vì niềm vui òa đến bất ngờ quá. Chị chỉ tay ra góc hiên bên trái nhà được quây phên nứa thành một góc chừng 3m2 rồi nói đó là chỗ mà mỗi đêm con trai chị vẫn trải chiếc giường gấp để nằm ngủ vì trong nhà chật chội quá. Chúng tôi cũng vui lây với niềm vui của chị vì chỉ 1-2 tháng nữa, mẹ Nhưng của chị sẽ có được mái nhà ấm cúng hơn để sống những ngày cuối đời như chị hằng ao ước. Sẽ có một cái Tết vui hơn với gia đình chị.
Chúng tôi rời nhà mẹ Nhưng để đến làm thủ tục trao tặng hai căn nhà tình nghĩa cho mẹ Trần Thị Cáo và anh Phạm Văn Lâm. Đường vào nhà mẹ Cáo còn dễ đi, đường vào nhà anh Lâm thì cả đoàn được một trận lội nước. Con đường đất đầy ổ gà sống trâu khiến xe ô tô không thể vào tận trong chân núi, mấy anh chị em FPT xuống xe cùng đi xe máy với các anh chị ở xã. Xe máy cũng không thể đi một mạch vào nhà anh Lâm mà phải qua một con suối nhỏ. Ngày nắng đây là con suối cạn nhưng mấy hôm trời mưa đã biến cạn thành một vùng nước sâu lút.
Chúng tôi phải dắt xe men theo thành cầu dẫn nước thủy lợi chỉ rộng chừng 15cm mỗi bên, vừa đủ để bánh xe lăn đều trên thành cầu. Chỉ cần sểnh tay cả người lẫn xe sẽ rơi xuống vùng nước ở dưới mà có lẽ cũng phải cao chừng 10m. Tôi đứng bắt bánh xe ở đầu cầu bên này, anh Tuấn Hùng đứng bắt bánh xe cho mọi người ở đầu bên kia. Trời mưa trơn trợt nên anh Hùng trượt chân, suýt nữa lăn xuống, may mà không việc gì.
Đường dẫn vào ngõ nhà anh Lâm bì bõm nước. Bùn đất quện với phân trâu và nước đọng tạo thành những vũng nước màu xanh đục và hôi. Nhiều vũng to choán hết cả chiều rộng của mặt đường. Căn nhà mới vững chãi rộng rãi và xinh xắn của anh chị đông chật những người là người. Bà con làng xóm nghe tin chúng tôi về bàn giao nhà cho anh chị cũng rủ nhau kéo tới chia vui. Đám trẻ con thập thò và cười toe toét mỗi khi tôi giơ máy ảnh lên chụp căn nhà mới. Cũng như ở nhà mẹ Cáo, không khí đông vui, tấm chân tình giữa người với người đã sưởi ấm thêm căn nhà mới và xua đi cái u ám của buổi chiều mưa nơi chân núi. Không nói gãy gọn được lời cảm ơn, anh Lâm chỉ cười và thật thà nói với cả đoàn chúng tôi rằng nhà đẹp nhưng bác thợ cả phải làm cho tý nữa không thì mưa to tường sẽ bị thấm.
Chia tay gia đình anh Lâm, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình và quay về UBND xã để về. Trong chập choạng của buổi chiều mưa tẩm tã Phổ Cường, chúng tôi quay về thành phố mang theo những niềm vui và nỗi niềm trăn trở khi chúng tôi đi và thấy những mảnh đời cần lắm sự sẻ chia.
Bảo tàng FPT