Nước mắt Vị Xuyên

 


5h sáng ngày 14/3, cựu chiến binh Trương Quý Hải bước lên chuyến xe, trở về chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang. Anh ngồi giữa những đồng nghiệp mặc áo cam, gương mặt trẻ như mình 35 năm trước. Chiếc xe phóng ra khỏi nội thành trong cơn ngủ vùi của đoàn người. Chỉ có người lính già trầm ngâm, khẽ nhớ. Ngày ấy, trên chuyến xe ngược lên Vị Xuyên, các bà mế vẫy tay chào đoàn quân dọc hai bên đường, dặn dò: “Đi nhé! Nhớ về mạnh khỏe”.

Hôm nay, anh quay lại miền biên viễn đó, để hát ca khúc mình mới sáng tác cho đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi phên dậu của tổ quốc.

“Mặt trận Vị Xuyên thời điểm cuối năm 1984 - đầu 1985, địch dùng hỏa lực và quân số áp đảo liên tục tấn công hòng chiếm các điểm chốt của ta. Ác liệt nhất là từ ngày 15 đến 19/1/1985, tại cao điểm 685. Chốt giữ E2 và E5 của 685, trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh chỉ huy 17 tay súng chống trả, đẩy lùi cả tiểu đoàn địch. Có ngày, anh và đồng đội bẻ gãy 8 đợt tấn công của quân xâm lược. Chốt ta giữ vững.


Ngày 16, Ninh bị thương. Đêm đó, anh dùng lê AK khắc tâm nguyện lên báng súng. Ngày 17, Ninh bị thương lần hai. Đồng đội định đưa anh xuống tuyến sau. Nhưng Ninh quyết không rời trận địa, vẫn chỉ huy anh em đánh giặc, giữ chốt. Ngày 18, Ninh bị thương lần ba. Rạng sáng ngày 19, Nguyễn Viết Ninh hy sinh, tay anh vẫn ghì chặt cây súng với dòng chữ: ‘Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử’.

Những vần thơ đầu tiên của bài hát này (“Lũy đá bất tử” - PV) đã ra đời như thế”.

Giữa lớp lớp mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, Trương Quý Hải đến phần mộ đề tên Nguyễn Viết Ninh - người chắp bút phần lời ca khúc anh mới hoàn thành cách đây ít ngày. Tay anh run run, lôi chiếc guitar từ trong hộp đàn. Tiếng nhạc vang lên giữa không gian màu xám của 1.780 ngôi mộ.

Người cựu binh rì rầm khấn nguyện và cất tiếng hát. Rồi anh ngưng đàn, đưa tay quyệt nước mắt. Ngồi tựa bên bia mộ, người lính tuyên văn lặng lẽ khóc. Ngày mai, anh sẽ đến hát cho những đồng đội đang nằm lại ở vách đá, thung sâu ở “lò vôi thế kỷ” 40 năm trước.

8h sáng ngày 15/3, bầu trời Vị Xuyên trong trẻo sau cơn mưa đêm. Hoa gạo trên triền núi bung nở như những đốm lửa, thắm đượm trong lá quốc kỳ rộng 54 m2 được người FPT mang lên phủ trên đài hương 468. Hòa vào dòng người, nhạc sĩ Trương Quý Hải cùng đoàn quân áo cam bước lên đài hương. Anh giật mình khi nghe tiếng gọi: “Có phải Hải lính tuyên văn không?”. Nhạc sĩ nhà F ngoảnh đầu lại: “Tớ đây!”. Rồi hai người lính siết tay nhau, thật chặt.

Cựu binh Lê Văn Mạnh, trên ngực đeo huân chương chiến công, mừng tủi khi nhiều đồng đội không hẹn mà gặp ở 468. Họ thành kính đứng ở đài hương, nghe Trương Quý Hải hát về một thời bi tráng. Trong nhiều cách kể về cuộc chiến, có lẽ kể bằng âm nhạc khiến cho người ta thấu cảm hơn cả.


Trong bộ quân phục, Trương Quý Hải hướng mắt về phía đồi 685 - một trong những mặt trận khốc liệt nhất của Vị Xuyên, cất vang lời ca: “Sống bám đá đánh giặc. Chết hóa đá bất tử. Thành lũy đôi mươi, bờ cõi non sông đời đời”. Những chiếc áo cam rưng rưng nước mắt. Chếch bên vai họ, lá đại kỳ đón gió, căng mình đầy kiêu hãnh.

Khi tiếng đàn ngừng vang, mọi người dần di chuyển, người nhạc sĩ vẫn hướng về phía đồi 685. Đã từng hát “Thư gửi mẹ”, “Về đây đồng đội ơi”, hôm nay, anh còn thực hiện được ước nguyện tiếp tục sáng tác cho đồng đội, sau nhiều năm từ chiến trường trở về.

Lần thứ ba Trương Quý Hải hát “Lũy đá bất tử” là ở sân Đại đội cơ cộng 313, cách đài hương 468 khoảng 3 km. Khán giả của anh lúc này là 1.000 người, gồm cựu chiến binh, lính biên phòng, học sinh, đoàn viên thanh niên, CBNV FPT… Ở buổi tập chiều hôm trước, Trương Quý Hải chỉ có 3 người hát bè. Nhưng bây giờ, anh đã có 1.000 người đồng ca.

Lễ phát động “Tháng ba biên giới” khép lại. Ra về, mỗi người đều cầm trên tay một bản nhạc “Lũy đá bất tử”. Còn người cựu binh lại thầm hứa: “Chào Ninh, chào anh em, tháng 7 này, tôi lại lên với anh em”.



Khi thành viên cuối cùng của đoàn quân áo cam bước lên xe, bắt đầu khởi hành đến miền đất địa đầu tổ quốc, trong lòng “Tư lệnh” nhà Phần mềm FPT trĩu nặng nỗi nhớ. Anh nhớ ba mình - Thiếu tướng Hoàng Đan, Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn và Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên - hai chiến trường khốc liệt nhất của chiến tranh biên giới.

Trong trí nhớ của anh, tướng Hoàng Đan là người nóng nảy và cứng rắn. Ông yêu người con trai út Hoàng Nam Tiến, nhưng cả đời anh chưa từng được ông ôm. Ngày cha mất, tướng Hoàng Đan không khóc. Vậy mà có lần, khi đứng ở nghĩa trang Trường Sơn, trước mộ một người lính của ông đã hy sinh ở Quảng Trị, anh Tiến thấy ba mình khóc - lần đầu tiên và duy nhất trong đời.

Ở nghĩa trang Vị Xuyên hôm 14/3, có lẽ là lần đầu tiên các nhân viên FPT Software thấy lãnh đạo của mình khóc. Anh dắt bé Lê Trí Việt lặng lẽ đến từng ngôi mộ, thành kính thắp nén nhang thơm. Sinh thời, thân phụ anh từng nói: “Không có một tổn thất nào khi người lính ngã xuống là nhỏ bé cả”.


Nhìn 1.780 ngôi mộ, anh biết rằng, còn hàng nghìn người lính nữa vẫn nằm đâu đó trên mảnh đất biên cương, trong những ngọn đồi, hẻm núi, hang sâu. Anh có một tâm nguyện: “Làm sao khi còn sống các anh đứng trong đội ngũ. Lúc ngã xuống các anh nằm cạnh nhau, được về với quê hương”.

Ngày thứ hai trong hành trình, Hoàng Nam Tiến lên đài hương 468 từ rất sớm. Anh phóng tầm mắt khắp núi rừng. Gần 4 thập kỷ trước, đây là nơi mà thân phụ anh cùng với binh lính của mình gánh lấy phần vất vả, hy sinh để đất nước có được cơ hội hòa bình.

Nhìn hoa gạo đỏ nở rực cả triền núi, anh Tiến thốt lên: “Ở đây hoa gạo đẹp thế!”. Đáp lời anh, cô bí thư đoàn xã Thanh Thủy bảo: “Mỗi bông hoa gạo đỏ như linh hồn của một người lính”. Màu hoa đỏ trên bầu trời Vị Xuyên như nhập vào lá quốc kỳ 54 m2. Hai tay anh nhẹ nhàng cầm vào mép lá cờ. Rồi cẩn thận ghì chặt và kéo căng lá đại kỳ cùng hơn 10 thành viên FPT, trong màu áo cờ đỏ sao vàng. Mắt anh nhìn thắng, hướng về những ngọn đồi xa xa - nơi mà nhiều trận đánh ác liệt nhất đã diễn ra.

Cùng đoàn FPT đứng thắp hương trước bia tưởng niệm, anh cầm nén nhang, mắt nhắm lại, suy tư. “Tôi muốn tự đặt cho mình một việc vừa là trách nhiệm, vừa là sứ mệnh, vừa là thử thách. Ba tôi đã mất đi 30.000 lính suốt đời binh nghiệp của ông. Là con trai ông, tôi sẽ có nhiệm vụ đưa 30.000 bạn trẻ ra nước ngoài, cùng làm việc và cạnh tranh với những tập đoàn hàng đầu. Đó thực chất là một ”cuộc chiến” khác: Cuộc chiến góp phần thay đổi số phận của dân tộc này. 30.000 nhân viên của tôi sẽ không phải cầm súng, không phải đổ máu và trả giá bằng sinh mạng của mình. Vì tôi tin, bàn tay cầm đũa ăn cơm được thì cũng gõ bàn phím được. Bàn tay bóp cò súng được thì cũng bấm chuột được. Đất nước này không cần thêm bất kỳ cuộc chiến tranh nào nữa”.

Đứng trên đài cao, vị “Tư lệnh” của nhà Phần mềm FPT mong mỏi các đồng nghiệp: “Nếu có điều kiện, hãy một lần lên miền biên giới”. Còn riêng anh, mảnh đất Vị Xuyên và những em bé nơi đây luôn có một góc trong trái tim mình.


Trong hơn 100 người nhà F lên Hà Giang, chàng trai 8x Nguyễn Văn Xuyên phải di chuyển xa nhất. Nhân viên FPT IS Services Cần Thơ dùng những ngày nghỉ phép ít ỏi để đi hơn 2.250 km lên Vị Xuyên, chỉ vì “quá thích lịch sử của mảnh đất này”.

Thực ra, mãi sau này Xuyên mới biết, mình và miền đất địa đầu tổ quốc có nhiều duyên nợ. Anh tên Xuyên, điểm đến của đoàn thiện nguyện là Vị Xuyên. Ngày sinh nhật của anh trùng với ngày giỗ trận 12/7. Có người đùa, “kiếp trước có thể anh từng đi lính tại đây”. Xuyên chỉ cười, bởi chính anh cũng không thể giải thích được cho sự trùng hợp này.

Chặng đường 300 km làm nhiều người mệt nhoài. Các đồng nghiệp của Xuyên tựa đầu vào ghế ngủ, còn anh liên tục đặt câu hỏi về cuộc chiến tranh biên giới. Sự hào hứng của anh khiến người trả lời bị hút theo. Cứ thế, đoàn xe mất 6 tiếng đến Hà Giang, nhưng với Xuyên, chừng ấy chỉ như một lát cắt nhỏ của lịch sử.


Đến nơi, Xuyên xông xáo trong các hoạt động. Anh không có dấu hiệu của mệt mỏi, dù mới bay ra Hà Nội chiều hôm trước và suốt chặng đường lên Hà Giang gần như chẳng kịp nghỉ. Xuyên giống như lực sĩ khi hăm hở bốc vác, lắp ghép bàn ghế cho góc học tập của các bé nhỏ. Rồi lại như một người anh, ân cần phát quà và chơi cùng lũ trẻ vùng cao. Nhìn bọn trẻ vui đùa trong sân trường, anh chỉ ước: “Mong rằng tụi nhỏ được học hành tử tế để khi lớn có thể làm được gì đó giúp bản thân, gia đình, đất nước”.

Sáng hôm sau, như bao đồng nghiệp khác, Xuyên xúc động bước lên đài tưởng niệm 468. Hướng về phía cao điểm 685, nơi liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã ngã xuống. Xuyên ngẩng cao đầu, hát vang ca khúc “Lũy đá bất tử”. Trong giờ khắc đó, người đàn ông mạnh mẽ ấy không giấu nổi nước mắt.

Trước khi rời đài hương, Xuyên lưu luyến nhìn xung quanh. Đôi mắt anh mở to, chăm chú nhìn vào những vách núi phủ đỏ màu hoa gạo. Rồi bước lên xe, cùng đồng nghiệp ca vang “FPT - Dòng sông lời thề”. Có người hỏi, lúc đấy Xuyên đã nghĩ gì khi trông theo màu hoa đỏ. Anh chỉ nói: “Tôi cảm thấy có một sự thôi thúc kỳ lạ”.


Tờ mờ sáng, Lê Cao Anh, kiến trúc sư, dắt theo con trai Lê Trí Việt, hào hứng cùng đoàn nhà F ngược lên Hà Giang. Cao Anh biết FPT từ 2004, qua thành viên Hội đồng sáng lập Nguyễn Thành Nam. Anh tham gia thiện nguyện cùng FPT cách đây 4 năm, khi theo đoàn FPT IS đi Bát Xát, Lào Cai. Từ đó, Cao Anh thích, rồi nghiện đi cùng FPT.

Dịp này, biết đoàn FPT lên Vị Xuyên, Cao Anh đăng ký tham gia tức thì và cho cậu con trai nhỏ đồng hành. Hơn hai tháng trước, gia đình anh có dịp thắp hương ở Nghĩa trang Vị Xuyên, nên chuyến đi lần này, với cậu bé 7 tuổi Lê Trí Việt, “đó là công việc”.

Bé Việt không hề mệt mỏi sau hành trình 6 tiếng. Cậu mặc áo FPT Small, lanh lẹ xếp hàng cùng các cô chú FPT, đứng dưới trời nắng to. Việt quá nhỏ để thắp hương được trên đài hương lớn ở Nghĩa trang Vị Xuyên. Anh Hoàng Nam Tiến đã phải bế cậu lên. Rất tự nhiên, cậu bé theo anh Tiến đi khắp nghĩa trang để dâng hương. Rồi Việt tự nghĩ ra cách chào các liệt sĩ.


Cũng trong mào áo cam, sáng hôm 15/3, Lê Cao Anh nghiêm trang đứng trên đài hương 468. Anh mặc thêm chiếc áo cờ đỏ sao vàng bên ngoài, cùng 14 thành viên khác của nhà F kéo căng lá đại kỳ. Mắt Cao Anh hướng đến cao điểm 1509. Xung quanh đó, lò vôi thế kỷ nay đã lên xanh màu rừng.

Trong đầu Cao Anh vang tiếng hát của Trương Quý Hải. Lời hát viết lên từ nhiệt huyết của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, từ lũy đá bất tử tuổi 20, từ người nhạc sĩ từng sống 3 năm trong quân ngũ, trắng đêm gom hài cốt của đồng đội.

“Bài hát là một xúc cảm thật. Nó không phải là trí tưởng tượng. Mình phải có trách nhiệm với vùng đất ấy”, trong đầu Cao Anh thôi thúc. Người kiến trúc sư này đang thực hiện các công trình nhà ở cho người dân các tỉnh biên giới phía Bắc. Đó là sự kết hợp giữa nhà ở truyền thống và du lịch, giúp đem lại diện mạo mới cho người dân vùng biên.

Suốt hành trình, anh Hoàng Nam Tiến luôn chăm sóc Lê Trí Việt. Còn TGĐ Khối ngành Tài chính công FPT IS Trần Phong Lãm thì luôn khích lệ: “Cháu phải học thật tốt mới được vào FPT”. Cao Anh bảo cậu con trai nhỏ của mình rất nóng lòng để được thực hiện điều đó.

Nhưng đó không phải là điều nhớ nhất của Cao Anh trong chuyến đi này. Ấn tượng sâu đậm nhất trong anh là hành trình về Vị Xuyên đã gắn kết được mọi người dưới một ngọn cờ.

“Tháng ba biên giới” với Cao Anh là một hành trình không nghỉ. Và với tình yêu vô điều kiện, chỉ cần người F đi đâu, anh sẽ tiếp tục đồng hành.


4h sáng ngày 14/3, chị Trương Thanh Thanh thức giấc, tất bật chuẩn bị đồ dùng cá nhân để kịp giờ lên đường. Chị đã ấp ủ chuyến đi Vị Xuyên rất lâu rồi. Từ khi nhìn anh Trương Quý Hải gạt nước mắt hát “Về đây đồng đội ơi” trước vong linh liệt sĩ. Từ khi nghe Hoàng Nam Tiến quả quyết đem 3 vạn chiến sĩ FPT đi toàn cầu hóa. Chị khao khát người FPT “phải làm gì đó để tri ân các anh hùng”.

2019 - tròn 40 năm nổ tiếng súng đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới. Người chị cả của FPT muốn làm vơi những nỗi đau còn âm ỉ ở vùng đất Vị Xuyên này. Và sự kiện “Hướng về biên giới” đã ra đời như thế.

Chọn xong chủ đề cho Ngày FPT vì cộng đồng 2019, chị gọi cho anh Trương Quý Hải, Hoàng Nam Tiến, Nguyễn Văn Khoa, mời ba anh về nguồn với mình. Rất nhanh, cả ba đều đồng ý.

Sáng sớm mùa xuân trời vẫn còn lạnh, hơn 100 con người tràn đầy nhiệt huyết, hăm hở tiến về Vị Xuyên. Trong đầu mỗi người, chuyến đi này sẽ như mọi chuyến thiện nguyện khác. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, họ đứng trước nơi linh thiêng, cất cao tiếng hát, và khóc.


Người áo cam xếp thành hàng dài tiến vào khu tưởng niệm. Dẫn đầu đoàn, ánh mắt của chị hướng thẳng lá đại kỳ hiên ngang trên điểm cao nhất, và nghẹn ngào. Trước tấm bia tưởng niệm, chị gọi vang, mời các chiến sĩ đã hy sinh cùng về để chứng kiến những thành quả họ đã phải đánh đổi bằng xương máu. Nếu như 40 năm trước, các anh đã ngã xuống khi tuổi mới đôi mươi để đất nước hòa bình, thì 40 năm sau, người trẻ FPT sẵn sàng hiến sức để đất nước phát triển, sánh ngang với cường quốc toàn cầu.

Giữa hơn 100 người F đứng trang nghiêm, giọng chị lạc trong tiếng gió của núi rừng. Chị bảo điều muốn nói phải xuất phát từ cái tâm mới có thể lan tỏa sâu rộng.

Chuyến đi này, với chị Thanh là sự tiếp nối. Người lính Trương Quý Hải sống và viết những ca khúc trong phần đời các đồng đội đã dành tặng cho. Người con Hoàng Nam Tiến tiếp tục sự nghiệp trong hòa bình mà suốt 40 năm thân phụ anh dùng máu để đổi lấy. Người em Nguyễn Văn Khoa tiếp nối xây dựng FPT, cơ nghiệp mà những người sáng lập nhà F mất 30 năm mới gầy dựng được. Là sự nhiệt huyết, lòng yêu nước luôn chảy trong huyết quản của Nguyễn Văn Xuyên, Lê Cao Anh và hàng trăm người trẻ FPT khác.

Và chị tin “những điều chúng ta làm không phải là sáo rỗng”.

Nguồn: Chungta (3/2019)

full-width

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn