“Thay vì mải mê tìm kiếm hạnh phúc, hãy sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại” là lời khuyên của thầy Minh Niệm dành cho người F phía Nam trong buổi chia sẻ về “Nghệ thuật sống hạnh phúc” tại FPT Tân Thuận chiều 9/10.
Ai cũng muốn được hạnh phúc, nhưng chúng ta chưa hiểu rõ về khái niệm đó. Con người ta đang theo đuổi thay vì nắm bắt cảm giác này. Mua được chiếc xe, lên được vị trí công việc mong muốn, thậm chí là cưới được người thương…, tất cả những điều đó chỉ mang lại cảm giác hạnh phúc nhất thời trong giây phút, tháng năm nào đó. Đây chính là bi kịch của thời đại.
Sư Minh Niệm khẳng định: “Hạnh phúc đích thực phải đến từ chính bản thân mình. Chúng ta mải miết tìm kiếm điều kiện hạnh phúc mà quên mất rằng sẽ chẳng thể có được điều đó khi tâm còn chưa an”. Điều kiện bên ngoài cũng quan trọng, nhưng chỉ là yếu tố phụ. Tâm còn xao động, ắt sẽ không có hạnh phúc.
Từng tiếp xúc với nhiều doanh nhân trong và ngoài nước, thầy Minh Niệm cho hay, trầm cảm hay rối loạn lo âu là căn bệnh tâm lý nghiêm trọng. Nhưng chứng bệnh lớn nhất trong thế giới hiện đại chính là bản thân con người không cho phép mình được hạnh phúc. Giữa vòng xoáy cơm áo gạo tiền, con người ta liên tục tìm kiếm cảm giác trọn vẹn này trong tương lai mà bỏ quên những hạnh phúc ở hiện tại. Đó là lí do mà chúng ta có quá nhiều hạnh phúc nhưng không biết cách tận hưởng nó.
Năm năm trước, người ta còn đang xúng xính trong quần áo vải vóc đúng xu hướng. Năm năm sau đã không còn nhớ niềm vui mặc chúng như thế nào. Mười năm trước chúng ta còn trân quý bữa ăn cùng gia đình. Nay ta chỉ thấy nó phiền chán, tốn thời gian. Thực ra những điều đó đều mang lại hạnh phúc. Nhưng trời ban con người tính mau quên, nên dù đã trải qua nhiều trạng thái hạnh phúc, chúng ta không biết làm mới những niềm vui của mình.
“Con người hay mơ về những thứ xa xôi, mớ về thứ mà chúng ta không có, nhưng hạnh phúc là sự lựa chọn của mỗi người. Có rất nhiều người sống trong hiện tại nhưng tâm tưởng lại ở quá khứ hay ngao du trong tương lai. Chúng ta cần hoàn toàn tận hưởng giây phút mình đang sống”, sư thầy chia sẻ.
Đức Phật từng nói: “Có những người sống cả đời này vẫn không biết hạnh phúc là gì, bởi họ mải mê theo đuổi những gì họ không có, sống những nhịp sống hối hả và bận rộn, để rồi khi trở về già, ở độ tuổi an dưỡng, họ lại không còn thời gian để hưởng thụ hạnh phúc”. Bởi vậy, muốn hạnh phúc, trước nhất con người ta phải nhớ những gì mình đang có. Ghi nhớ, nhưng cũng phải là ghi nhớ những điều vui vẻ. Một tâm hồn tổn thương, một trí nhớ đầy đau khổ sẽ là trở ngại lớn để chúng ta đến được với hạnh phúc.
Điều này cũng giống với câu chuyện về cụ bà Rapbia thuộc dòng Phật giáo xứ Ba Tư mải miết tìm cây kim đánh rơi trong lều. Rõ ràng biết kim ở đâu, nhưng cụ bà lại tìm kiếm ở tận đường lớn, khi trời đương chạng vạng. Bình an rớt ở đâu mà con người cứ mải miết tìm hoài? Ai làm cho mình không bình an, chỉ có mình đem lại bình an cho mình mà thôi.
Để có được cái tâm an lành, thứ chúng ta cần nhất chính là sống trọn vẹn, sống hết mình cho giây phút hiện tại. Khi tìm hiểu, so sánh giữa doanh nhân lớn nơi phố thị và những người dân vùng miền quê thôn dã ở nước Mỹ hùng cường, sư Minh Niệm nhận ra dù có khối tài sản lớn, nhiều doanh nhân vẫn hướng về thôn quê. Bởi ở những nơi đó không có áp lực công việc, những cuộc điện thoại hay những tập tài liệu với những con số khủng khiếp. Nhưng không phải ai trên đời này cũng sẽ về quê để chạy trốn những áp lực, thay đổi môi trường chỉ là giải pháp tạm thời. Chính vì thế chúng ta cần sống ở những giây phút hiện tại nhiều hơn là quá khứ và tương lai.
“Một phút tách mình khỏi công việc, không chỉ để hưởng thụ bản thân, mà còn là yêu thương, nuôi dưỡng quan hệ với gia đình, người thương”, thầy trải lòng. Chững lại một chút để nhìn lại đằng sau, có thể vì áp lực công việc chúng ta đã hời hợt với bạn bè, hoặc biết đâu người thương đang tuyệt vọng trong mối quan hệ với chúng ta. Nhìn lại tất cả những gì chúng ta đang có và tưới tẩm những cây hạnh phúc đang dần khô héo ở trong lòng mỗi người. “Những giá trị vật chất chúng ta có thể tạo ra hàng ngày, nhưng hạnh phúc do gia đình, bạn bè, người thương mang lại một khi đã mất đi rồi chúng ta sẽ mãi mãi không tìm lại được nữa”.
Theo thầy Minh Niệm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ rằng mình hay dành một khoảng thời gian trong ngày để ngồi yên cảm nhận nắng mặt trời, lắng nghe tiếng gió, tiếng chim hót trong vườn, đó là những thanh âm của hạnh phúc hiện hữu quanh chúng ta mỗi ngày. Ông cho rằng điều kiện để làm nên hạnh phúc là cho bản thân mình một khoảng lặng ở trong ngày, và ông tìm hạnh phúc từ thiên nhiên, bạn bè, từ công việc, từ sự cống hiến không ngừng nghỉ để tạo ra những giá trị cho xã hội để chúng ta biết rằng hạnh phúc là những điều có thật, ở bên trong chúng ta chỉ cần chúng ta biết cách trân trọng những gì chúng ta đang có.
Hạnh phúc là một quá trình luyện tập lâu dài, chúng ta cần luyện tập cách sống chậm lại, luyện cho tâm mỗi người học được các thụ hưởng hạnh phúc, bởi mọi tạp niệm của con người đều do cái tâm tham sân si gây ra. Gạt bỏ những lo lắng, muộn phiền không cần thiết, con người ta mới làm chủ được cái tâm trong trẻo, an lành. Chỉ khi đó, hạnh phúc mới thực sự đến với chúng ta.
Ai cũng có nhu cầu hạnh phúc, và ai cũng có tư cách được hạnh phúc. Đức Phật từng dạy rằng: Con người ta có rất nhiều đường để đến với hạnh phúc, và mỗi người bất kể giàu nghèo, không phân biệt tuổi tác, địa vị hay tầng lớp, chúng ta có đủ tư cách và điều kiện để nhận được hạnh phúc. Quan trọng là, bạn chọn hạnh phúc như thế nào.
Sau phần chia sẻ trong khoảng 1 giờ, thiền sư dành hơn 30 phút để người tham dự trải lòng về những khó khăn hay câu chuyện của bản thân. Với mỗi câu hỏi, thầy đều tận tình phân tích và chỉ ra đường sáng để người nhà F có thể tham khảo và thực hiện.
Nguồn: Chungta (10/2019)