Trong số báo trước, chúng ta đã làm quen với khái niệm Thành phố điện tử thông qua “ma trận những ước mơ” của người FPT, nói cách khác là trên quan điểm văn học.
Trong số báo này, chúng tôi muốn giới thiệu với độc giả một cách nhìn nghiêm túc hơn về Thành phố điện tử dưới góc độ kỹ thuật – xã hội. Bài viết dưới đây được trích dịch từ phần mở đầu của bài báo “Activities and Technologies in Digital City Kyoto” của tác giả Toru Ishida, người đã tham gia vào dự án Thành phố điện tử Kyoto, dự án được các nhà nghiên cứu ở NTT và Đại học Kyoto thực hiện trong những năm 1998-2001.
Tại sao Thành phố điện tử?
Nhiều vấn đề đã phát sinh ở thế kỷ 20 như bùng nổ dân số, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng lương thực và năng lượng sẽ phải giải quyết trong thế kỷ 21. Các giải pháp hiệu quả đòi hỏi một cơ chế phối hợp đồng bộ mang tính toàn cầu dựa vào internet. Ngoài việc đàm phán ở cấp quốc gia, sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia và các cộng đồng giữ vai trò thiết yếu trong cơ chế đồng bộ này. Những tương tác giữa các nền văn hóa trong cuộc sống thường nhật cũng có tầm quan trọng ngang với những cuộc đàm phán trịnh trọng giữa các chính phủ.
Khái niệm thành phố điện tử có thể được định nghĩa như sau: “Các thành phố điện tử sẽ tập trung và tổ chức thông tin số hóa của chính mình rồi cung cấp rộng rãi cho những cư dân của mình cũng như những ai ghé thăm để tương tác với nhau”.
Các thành phố điện tử kiểu này đã được phát triển trên toàn thế giới và có thể được kết nối với nhau qua Internet, giống như các thành phố “vật lý” kết nối với nhau bởi các hệ thống giao thông.
Internet nuôi dưỡng những hoạt động kinh doanh, nhưng đồng thời cũng tạo ra những mảng thông tin phong phú cho cuộc sống thường nhật. Trong khi Internet “toàn cầu hóa” các hoạt động kinh doanh thì cuộc sống vốn dĩ lại mang đậm chất địa phương. Kinh doanh đòi hỏi những môi trường đồng nhất để cạnh tranh toàn cầu nhưng cuộc sống lại cần duy trì việc phản ánh đa chiều những nền tảng văn hóa khác nhau. Kinh doanh làm nảy sinh những khác biệt và phải có những giao thức chuẩn để san lấp chúng, nhưng chúng ta không cần một thứ chuẩn nào cho giao tiếp xã hội.
Từ toàn cầu đến địa phương
Với sự phát triển của internet, các nền kinh tế ở mọi cấp độ đã thực hiện các hoạt động kinh doanh ra toàn cầu nhiều hơn. Ngay cả những công ty nhỏ cũng tham gia vào mạng lưới kinh doanh toàn cầu vì internet giảm bớt một cách đáng kể chi phí tìm kiếm đối tác, thị trường và chi phí thương lượng. Internet làm cho các thương vụ trở nên dễ dàng hơn. Mặc khác, toàn cầu hóa không diễn ra quá thường xuyên trong đời sống thường nhật. Dù internet làm gia tăng các kênh thông tin nhưng, về vật lý, nó không làm xê dịch con người. Người ta vẫn chi tiêu thu nhập của họ vào nhà cửa, mua sắm, ăn tối … tại nơi họ sống. Cuộc sống thường nhật chủ yếu vẫn mang tính địa phương.
Một khu phố mua sắm ở Kyoto có 3.000 cửa hiệu. Họ cùng xây dựng một cho khách hàng thanh toán điện tử bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Những yêu cầu mua hàng từ trong hay ngoài khu này được xử lý qua mạng và hàng hóa được các công ty chuyển phát giao tận nơi cho khách. Kết quả là hiện nay, nhiều khu phố mua sắm ở Kyoto đã có mặt trên internet. Hàng ngàn cửa hiệu đang cung cấp các dịch vụ dựa trên mạng lưới này. Thoạt nhìn, nó có vẻ như là một dạng khác của “chợ ảo toàn cầu” như Yahoo. Thế nhưng kiểu kinh doanh của nó lại hoàn toàn khác.
Chợ ảo toàn cầu thường được gọi là kiểu kinh doanh “nền”. Các nhà cung cấp “nền” đưa ra các địa điểm tin cậy, uy tín rồi mời các nhà cung cấp sản phẩm và khác hàng đến bất chấp những nhà cũng cấp sản phẩm này có tồn tại trong thế giới thực hay không. Liên minh cửa hiệu Kyoto, ngược lại, hiện diện trong thế giới thực. Lịch sử lâu đời của Kyoto thực đã tạo dựng nên uy tín của nó. Vấn đề là khu chợ nhỏ địa phương không thể cạnh tranh với những khu chợ ảo toàn cầu. Internet, một cách tự nhiên, có lợi cho những nền kinh tế lớn và có vẻ như các khu chợ nhỏ khó mà đạt được thành công vì chúng có ít dịch vụ hơn. Có vẻ như rằng các khu chợ nhỏ, vốn đã khó tăng qui mô, không thể cạnh tranh nổi với những khu chợ toàn cầu. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả nếu những người tiêu dùng vẫn quan tâm đến tất cả mọi thứ của thành phố chứ không chỉ có việc mua sắm hàng hóa. Trong trường hợp này, một thành phố điện tử, cho phép tạo ra một thành phố trọn vẹn trên Internet, có thể hỗ trợ tốt cho các khu kinh doanh địa phương.
Từ Thị trường đến Cộng đồng
Theo tự điển Webster, từ cộng đồng được định nghĩa là một nhóm người được tổ chức thành một đơn vị thường có chung một số đặc điểm. Đặc biệt hơn, báo cáo của Hillery chỉ ra ít nhất 94 định nghĩa cho từ này xuất hiện từ đầu những năm 1950. Bản tổng kết các yếu tố cộng đồng của ông cho thấy chúng bao gồm cả từ vùng, tương tác xã hội và liên kết chung. Mac Iver cũng chỉ ra rằng khái niệm cộng đồng dựa trên vị trí con người sinh sống và trái nghĩa với khái niệm hiệp hội, là nơi mà người ta chỉ có chia xẻ một mục tiêu chung.
Với sự phát triển của Internet, việc thảo luận giữa các cộng đồng ảo đã trở nên tích cực hơn. Từ cộng đồng đang được sử dụng như là một thuật ngữ chỉ giai đoạn tiếp theo của những công nghệ máy tính, gồm cả phương pháp luận, cơ chế và công cụ để tạo ra, duy trì và tham gia vào sự tương tác trong xã hội loài người. Chúng tôi tin rằng sẽ có một sự biến chuyển to lớn trong các thuật ngữ máy tính: từ đội nhóm và thị trường chuyển thành cộng đồng.
Đã có những công nghệ biến groupware (sự phối hợp trong nhóm) thành communityware (sự hỗ trợ mang tính cộng đồng). Từ cộng đồng đã trở nên quan trọng nhờ vào sự phát triển của những mạng máy tính như Internet và mạng di động. Mục tiêu của communityware là hỗ trợ tiến trình tổ chức những con người mong muốn chia xẻ kiến thức và kinh nghiệm với nhau. Hay nói cách khác, so với nghiên cứu về groupware, communityware tập trung vào giai đoạn trước của sự kết hợp: thành lập nhóm từ rất nhiều con người khác nhau.
Mỗi cộng đồng đều có các nguyên tắc được thể hiện một cách hợp lý. Những công nghệ groupware có thể cung cấp công cụ hỗ trợ thực hiện những nguyên tắc này. Tuy nhiên, ở trường hợp của communityware, sự hỗ trợ như vậy là chưa đủ. Đối với các cộng đồng, việc chia sẻ các cảm giác là thiết yếu. Cảm giác cộng đồng này được hình thành và duy trì trong một không gian ảo giống như các thành phố điện tử. Thách thức chính là việc làm phong phú cộng đồng người đang sống tại những thành phố thực nhờ vào việc sử dụng các thành phố điện tử. Vì thế, communityware nên trở thành một công nghệ lõi cho các thành phố điện tử.
Từ đồng nhất đến không đồng nhất
Tìm kiếm từ “Digital cities” ở Mỹ, chúng ta tìm thấy nhiều thành phố được xây dựng bởi America Online (AOL). AOL cung cấp các dịch vụ mạng cho hàng trăm thành phố. Với mỗi thành phố, AOL tập hợp những thông tin quan trọng của thành phố đó và cung cấp các cơ hội quảng cáo cho địa phương. Thành phố điện tử AOL tạo thành dịch vụ thông tin địa phương lớn nhất và nổi tiếng nhất tại Mỹ. Người ta cần đến những dịch vụ thông tin vùng miền cho cuộc sống thường nhật của họ.
Điểm nổi bật của các thành phố điện tử AOL là hiệu quả của việc hướng đến kinh doanh. Kết quả là hàng trăm thành phố điện tử AOL đều như có chung một khuôn mặt. Cho dù nguồn thông tin là khác nhau, các công cụ mà chúng sử dụng và phương thức tổ chức thông tin đều đồng nhất.
Các thành phố điện tử ở châu Âu lại có cách tiếp cận từ dưới lên. Tổ chức có tên là TeleCities đẩy mạnh việc trao đổi thông tin và công nghệ ở châu Âu. Mỗi một thành phố phát triển lõi điện tử theo cách riêng của mình. Và vì vậy, các thành phố điện tử ở châu Âu có những gương mặt khác nhau.
Bảo tàng FPT (2007)