“Ai chẳng có lúc bị căng thẳng (stress), ai chẳng có lúc phiền muộn (bad karma), ai chẳng có lúc cần tập trung và đặt biệt cần có ý tưởng mới. Tôi muốn người FPT có chiêu thức thiền này để xử lý tình huống trên. Và hơn cả, tôi muốn người FPT thêm hạnh phúc”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ về lý do muốn đưa thiền đến với người họ F.
- Ba ngày thiền tại An Lạc Trang, huyện Củ Chi TP HCM cho anh trải nghiệm gì?
- Thật ngạc nhiên là tôi có thể thản nhiên nộp điện thoại, iPad và tuyệt đối cắt đứt liên lạc với bên ngoài cù lao An Lạc Trang trong 3 ngày qua để đến với Thiền. Thiền có thể kéo bạn ra khỏi dòng công việc, bon chen với đời thường, an trú trong hơi thở. Thiền có thể giải thoát bạn khỏi căng thẳng, thậm chí cả đau khổ để sống an bình trong yêu thương.
Trải nghiệm khác là khả năng chịu nóng. Học ở Nga nhiều năm thời trẻ nên tôi chịu rét tốt nhưng lại rất sợ nóng. Thiền thế nào mà mấy ngày ở đó trời nóng điên, tôi và anh Tiến (phu quân chị Trương Thanh Thanh - PV) to béo như nhau cùng nằm trên một chiếc đệm bé tí, chưa kể trong phòng cò 6 đồng đội nữa, mà vẫn ngủ ngon.
Một trải nghiệm nữa là đi chậm, gọi là thiền hành. Ai chả đi được. Ai chả đi chậm được. Vấn đề là bạn có đi rất, rất chậm và vững vàng, đẹp đẽ. Quả thật rất hay để chỉ mất vài phút bạn ngộ ra sự khác biệt giữa làm gì đó không tập trung và rất tập trung.
- Nhiều người nói: Thiền dẫn đến hạnh phúc đích thực. Từ trải nghiệm của mình, anh thấy sao?
- Hạnh phúc là điều khó nhất mà mọi người đi tìm. Thiền nói bỏ đi khát vọng để hạnh phúc cũng chẳng sai. Bởi, thiền là cách làm con người thấy được yêu thương, từ bi, rũ bỏ hận thù, căm ghét, ghen tị… Ở một khía cạnh khác được sống với đam mê của mình cũng là hạnh phúc.
Đến Rome có thể đi nhiều con đường. Hạnh phúc cũng như vậy.
- Có điều gì anh muốn thay đổi trong công việc và cuộc sống sau khóa thiền này?
- Đầu tiên là tôi đi kiểm tra cột sống, vì thấy đau lưng khi ngồi thiền. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục ngồi thiền vào mỗi sáng hằng ngày, chơi lại golf và ăn ít như xưa.
- Tại sao anh muốn đưa thiền vào FPT?
- Ai chẳng có lúc bị căng thẳng (stress), ai chẳng có lúc phiền muộn (bad karma), ai chẳng có lúc cần tập trung và đặt biệt cần có ý tưởng mới. Tôi muốn người FPT có chiêu thức thiền này để xử lý tình huống trên. Và hơn cả, tôi muốn người FPT thêm hạnh phúc.
- Vậy anh sẽ làm gì giúp người FPT tiếp cận và thực tập thiền để đến được cái đích cuối cùng là hạnh phúc?
- Chắc sau đây, anh Lê Trường Tùng (Chủ tịch ĐH FPT), Nguyễn Khắc Thành (PTGĐ FPT) sẽ nghiên cứu tiếp cách thức phù hợp để đưa vào FCU. Tôi nghĩ nên theo cơ chế lan tỏa, phi hành chính. Ai tin, ai muốn sống khỏe hơn thì tham gia. Ai chưa tin thì tham gia sau cùng.
Tham gia khóa thiền trong 4 ngày (từ 16 đến 19/6), 32 người FPT, gồm các lãnh đạo tập đoàn, công ty thành viên đều không sử dụng điện thoại di động, không Internet, không đọc sách, và duy trì tuyệt đối trạng thái Noble Silence (yên lặng hùng tráng), tập thiền tọa (ngồi thiền), thiền hành (thiền đi), thiền trà, học qua nghe pháp thoại và tập Yoga buổi sáng... Nơi thiền tập là một hòn đảo nhỏ nằm trên một nhánh sông Sài Gòn, cách khoảng 40 km, hoàn toàn tách biệt với cuộc sống đô thị. Thiền sư Thích Minh Niệm - sáng lập dòng “Thiền Hiểu Biết” - là người chỉ đường cho người FPT đến với thiền định. Thiền sư cũng chia sẻ với mọi người về cách sống để mỗi ngày của cuộc đời ngắn ngủi trôi qua trong sự an định của tâm hồn. Thiền Hiểu Biết là phương pháp thiền kết hợp giữa dòng thiền Nguyên Thuỷ - Vipassana và tư tưởng Phật giáo Đại thừa - Mahayana Buddhism. Phương pháp này giúp người thực tập có khả năng an trú ở hiện tại và xây dựng khả năng tỉnh thức. Từ đó, họ có thể thường trực quan sát và nhận biết được sự vận hành của tâm thức chính mình để chuyển hoá những cố tật chưa tốt, khơi dậy những hạt giống tốt đẹp và làm chủ bản thân. Người thực tập chuyên sâu còn phát triển được trí tuệ, có khả năng cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc và được trực giác dẫn đường cho hành động của mình. Thiền Hiểu Biết có sự phối hợp giữa thực hành Tĩnh và Động, từ đó không chỉ giúp người thực tập có được sự tĩnh lặng cần thiết để nhìn sâu vào chính mình (quay vào bên trong), mà còn giúp họ có thể áp dụng thiền vào đời sống, thực hành thiền trong những tình huống Động như làm việc, lái xe, giao tiếp, ăn uống… |