365 ngày, 37 tỉnh thành, 28 đài trạm và hành trình kết nối hơn 16.000 nhân sự… Đó là những con số nổi bật trong một năm gắn bó với nhà Viễn thông của Chủ tịch Hoàng Nam Tiến nhưng tinh thần Kết nối mà anh mang lại cho tập thể này chắc chắn không chỉ thể hiện ở những con số.
Dấu mốc đầu tháng 3 năm 2020 đã trở thành một bước chuyển mình đáng nhớ với anh Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom. Trên cương vị đầy thử thách này, anh Nam Tiến cũng có những tâm tư, những trải nghiệm và cả những tự hào. Cùng Báo Chúng ta nhìn lại 365 ngày đặc biệt từ chính những chia sẻ của anh Hoàng Nam Tiến trên con đường thực hiện sứ mệnh “Kết nối con người, kết nối yêu thương” cùng FPT Telecom.
- Đã tròn một năm kể từ thời điểm anh và chị Hà chính thức “đổi vai” Chủ tịch ở FPT Software và FPT Telecom. Giờ đây nhìn lại, anh nhận thấy làm Chủ tịch ở FPT Telecom có những điểm gì khác biệt so với ở FPT Software?
- Một năm qua trên cương vị mới của mình, tôi học được rất nhiều ở FPT Telecom. Vì khi tiếp quản, FPT Telecom là một đơn vị đang làm rất tốt với tốc độ phát triển mỗi năm ổn định và sự gắn kết tập thể rất vững mạnh. Khi ở một tập thể tốt như vậy, thì việc phải làm tập thể ấy tốt hơn là một nhiệm vụ khó khăn. Còn nếu muốn làm điều gì đó khác biệt thì lại là một thử thách cực kỳ gian nan.
Trong suốt hơn 24 năm phát triển của FPT Telecom thì ít có năm nào vất vả như 2020. Đầu năm, Covid-19 xuất hiện, làm thay đổi tất cả quỹ đạo sống và làm việc không chỉ riêng Việt Nam mà toàn thế giới. Tiếp ngay đó là sự cố đứt nghiêm trọng 2 tuyến cáp AAG và APG - sự cố mà sau 7 năm mới lại xảy ra. “Khủng hoảng kép” vừa qua thì lại liên tiếp những trận bão lũ lịch sử đổ bộ. Từ cơn bão số 5 đến cơn bão số 13 ồ ạt đổ về miền Trung. Toàn bộ hạ tầng, mạng lưới của FPT Telecom tại miền Trung đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Với chừng ấy thách thức, người nhà Viễn thông không còn thời gian để hoảng sợ, để lo lắng mà chỉ biết làm việc bằng hai bằng ba, nỗ lực không ngừng nghỉ để chinh phục khó khăn, đảm bảo hoạt động và duy trì kết nối.
Trải qua một năm đầy biến động nhưng nhà Cáo đã “biến nguy thành cơ”, tận dụng mọi khả năng để bứt phá và kết đẹp năm 2020 với những chỉ số tài về doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động đều rất khả quan.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại rằng có nhiều kế hoạch đã chưa thể thực hiện được. Đặc biệt là trong việc phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ mới.
- Vậy trong suốt một năm 2020 đầy biến động ấy, anh đã “hoà nhập” để không “hoà tan” ở FPT Telecom như thế nào?
- Bác Hồ có một câu nói mà tôi luôn ghi nhớ rằng: “Thực hành sinh ra hiểu biết - Hiểu biết tiến lên lý luận - Lý luận lãnh đạo thực hành” (1951)”. Tôi luôn cố gắng hiểu sâu, hiểu kỹ những vấn đề thực tế trước khi đưa ra quyết định.
Bản thân tôi đã học được rất nhiều từ những kỹ thuật viên, những nhân viên bán hàng, những người thu ngân hay nhiều vị trí khác khi đi cùng các bạn xuống dưới từng địa bàn tỉnh huyện, đi theo tuyến trục dọc biên giới…
Từ những quan sát, những điều học được đó, tôi mới có được sự kết nối và tự tin để đưa ra các quyết định quan trọng cho nhân viên, cho khách hàng và cho FPT Telecom.
- Trước đây khi ở FPT Software, anh vi vu khắp thế giới, từ Mỹ tới châu Âu, châu Á. Nhưng khi về FPT Telecom, thế giới của anh dường như thu nhỏ hơn và tập trung chủ yếu trên dải đất hình chữ S. Sự thay đổi này đã mang lại cho anh những trải nghiệm và giá trị gì khác biệt?
- Tôi đã làm ở FPT đến nay là 28 năm và được trải qua rất nhiều vị trí, công việc khác nhau. Với FPT Telecom, tôi thấy phù hợp với bản thân mình khi có thể đi nhiều nơi trên dải đất chữ S của đất nước mình. Chỉ trong 1 năm về nhà "Cáo", tôi đã đặt dấu chân của mình đến 37 tỉnh thành, 28 đài trạm, với hàng chục chuyến bay cùng đồng đội.
Được đi là một giá trị trải nghiệm quý báu bởi “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và những trải nghiệm ấy sẽ giúp tôi có một tầm nhìn tốt hơn.
- Anh từng nói: “Sứ mệnh của FPT Telecom là kết nối con người, kết nối yêu thương”. Vậy một năm qua, anh đã cùng với FPT Telecom kết nối như thế nào?
- Người FPT Telecom có những phẩm chất rất đặc biệt: sự máu lửa trong con người, tính kỷ luật được tôi luyện và một tinh thần chăm chỉ. Tôi cũng nhận thấy rằng ở FPT Telecom có ít sự phản biện, khác hẳn với FPT Software.
Trước đây khi ở nhà Phần mềm, mọi quyết định của tôi đều nhận được ý kiến phản hồi, phản biện rất nhanh từ tất cả các cấp, do vậy, rất nhanh chóng để điều chỉnh, sửa đổi. Khác với sự phản ứng tức thời ấy, các bạn FPT Telecom thường có thời gian suy ngẫm và phản biện lâu hơn, chỉ khi “nghĩ thật chín” thì các bạn mới phản biện.
Đó chỉ là một trong những khác biệt, do vậy, tôi luôn phải quan sát, trải nghiệm và thích nghi để thích ứng một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Chỉ có như vậy, tôi mới có thể kết nối với các bạn và cùng các bạn kết nối con người.
- Có thể nói luân chuyển đã trở thành văn hoá, đặc sản của nhà “Cáo”. Là người đã từng trải nghiệm luân chuyển và tham gia vào các quyết định luân chuyển, anh nhận thấy giá trị lớn nhất mà luân chuyển mang lại cho mỗi cá nhân nói riêng và FPT Telecom nói chung là gì?
Luân chuyển là sự “thử thách chính bản thân mình”. Việc đặt cho mình những nhiệm vụ mới, mục tiêu mới là một thử thách khó nhưng luôn cần thiết để phát triển bản thân.
Với đặc thù là một đơn vị phát triển trên cả nước với 59 tỉnh thành, công tác luân chuyển đã trở thành một yếu tố sống còn với FPT Telecom. Để phát triển bền vững, một tập thể cần đảm bảo mỗi cá nhân trong đó luôn luôn phát triển, không bị già cỗi, không bị cứng nhắc.
- Sau những luân chuyển “sống còn” như anh nói, anh có những dự định gì cho FPT Telecom trong thời gian tới?
- Trong ngành viễn thông đến giai đoạn hiện tại, ta luôn nhận thấy rằng các dịch vụ gọi điện, nhắn tin gần như đã không còn mang lại lợi nhuận. Trong lĩnh vực internet, việc kéo mạng lưới đến với khách hàng cũng sẽ dần dần bão hòa trong tương lai ngắn.
Chúng ta thực sự cần đổi mới. Các dịch vụ, sản phẩm mới liên quan đến nội dung chính là con đường mang lại giá trị mới.
Nguồn: Chungta