Làm bạn cùng sếp - nghe hơi vô lý nhưng nếu thực hiện được sẽ giúp chúng ta có thêm một "người bạn" thật thú vị.
Trước giờ chúng ta ít nhiều luôn có những khoảng cách nhất định với chính người sếp của mình. Trong mắt của nhiều người, hình ảnh sếp luôn là những "ông kẹ" khó tính, thường hay cau mày lại mỗi khi bạn làm sai việc. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, người này chuyền tai người kia.... văn hóa "sợ sếp" dần hình thành từ đó.
1. Thật ra sếp của bạn cũng giống bao người bình thường mà thôi.
Hiện nay, sếp là từ thông dụng để gọi tên người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, tổ chức với sự thân mật, tôn trọng. Xét cho cùng, sếp của bạn cũng là một người bình thường như chúng ta, cũng có chung một quỹ thời gian trong ngày, cũng có những suy nghĩ cảm xúc.... Vậy nên, thay vì suy nghĩ theo hướng tiêu cực rằng sếp bạn là "ông chủ", còn bạn là "người làm thuê", hãy xem sếp mình là một người bạn đi trước, có nhiều kinh nghiệm và có thể chia sẻ cho bạn nhiều điều trong công việc cũng như cuộc sống.
Đặt mình vào vị trí sếp để hiểu nhau nhiều hơn
Thay đổi lối suy nghĩ cũ sẽ giúp bạn tiến một bước lớn trên con đường trở thành bạn của sếp mình. Người ta có thể bảo nhau những câu chuyện "đáng sợ" về sếp, tuy nhiên không ai bảo cho chúng ta cách làm bạn với sếp như thế nào.
2. Chia sẻ với sếp nhiều hơn
Sếp trực tiếp của tôi là một người trẻ, chúng tôi cách nhau 6 tuổi nên những quan điểm sống, quan điểm công việc của những người trẻ với nhau không quá khác biệt. Tuy nhiên, để xây dựng được "tình bạn" này, giữa chúng tôi có chung một số quan điểm: Rõ ràng - Tôn trọng - Hết mình.
Chúng tôi phân định rõ ràng trong công việc và cuộc sống. Khi làm việc, chúng tôi là những người đồng nghiệp với nhau, cùng hướng đến mục tiêu chung để công việc đạt kết quả tốt nhất.
Trong công việc là đồng đội, ngoài công việc là anh em
Bên ngoài cuộc sống, chúng tôi là những người anh em có cùng những sở thích, chia sẻ và hay giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Bởi sự công tư phân minh, cho nên sẽ không vì lý do chúng tôi chơi cùng nhau mà sếp sẽ ưu ái tôi hay tôi phải xu nịnh sếp trong công việc cả.
Nếu sếp của bạn không phải là người trẻ thì sao? Hãy quay lại vế 1, luôn nhớ sếp của bạn cũng giống bao người bình thường mà thôi.
Có một tựa sách mà tôi rất thích mang tên "khéo ăn khéo nói có được thiên hạ", tuy nhiên đọc sách rồi thì bạn mới biết "khéo ăn nói" không phải "xu nịnh". Hãy chọn một cách giao tiếp phù hợp, chân thành, rõ ràng và nói cho sếp hiểu những mong muốn của bạn. Tôi tin rằng không vị sếp nào không mong muốn trở thành bạn với nhân viên mình đâu!
Trở thành bạn bè thật sự rất khó, trở thành bạn với sếp còn khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên nếu làm được điều ấy, tôi tin chắc bạn sẽ tìm được một người bạn tuyệt vời đấy!
Đèn Biển