Đến dự Đại hội ngoài các hảo thủ của FPT như Trương Gia Bình, Lê Quang Tiến, Bùi Quang Ngọc, Đỗ Cao Bảo… cón có sự gặp mặt của nhiều khách mời nổi tiếng trên giang hồ như Việt tròn, Nghĩa đen, Hải béo, Dương Minh Đức, Bùi Ý Dân, Trần Việt Trung…
Quân YKU, không hổ danh là Cái bang, ở đâu có rượu thịt là tìm tới rất nhanh. Vào 5h30, khoảng 40 bang chúng, trong đó có gần 20 sinh viên Aptech đã có mặt tại bến đò đưa người phó hội. Tất cả vô cùng thích thú khi được ngự trên xuồng cao tốc để ra đảo, nhất là khi mấy tay lái xuồng thể hiện lượn lách, đánh võng. Trên đảo đã có Phương phi đại hòa thượng Tiến béo chực sẵn bên vò rượu nếp cẩm có đổ thêm 3 chai Lúa mới. Mỗi người muốn lên đảo phải uống một bát rượu, nếu không sẽ bị đạp xuống hồ. Lên tới đảo, Cái bang chiếm luôn 4 chiếu, quẳng cả cờ hiệu của phái Tây độc đi. Cả bọn xông vào ăn uống, chỉ một lúc là sạch nhẵn cả bánh bao, dưa chuột lẫn nem chua, nạc rang. Chúng lại còn bê cả rượu cần xếp ở chiếu bên cạnh về chỗ mình để uống, không ai ngăn cản nổi. Bang chủ Khắc Thành bị bọn để tử chuốc liền tù tì mấy chục chén, đầu óc quay cuồng. Lúc đó các bang phái mới lục tục kéo đến, người trước người sau rất không quy củ. Ban đầu là Thiếu lâm, rồi đến Võ đan. Sau tiếp tới Tây độc, Bạch Liên giáo. Nga Mi phái dẫn quân đến sau cùng. Chưởng môn các phái có lẽ nể sợ bang chủ Cái bang nên mãi không chịu xuất đầu lộ diện, sau Sát tinh cao lão Thành Nam phải dùng Truyền âm nhập mật (điện thoại di động) gọi mãi mới tới.
Khi mọi người đã gần đông đủ, phái Thiếu lâm liền ra hiệu cho đảo chủ bê ra một bon bê và hai con lợn quay. Với phương trâm tự phục vụ, các phái liền cử người ra nhận phần rượt thịt mang về chiếu của mình. Đệ tử Cái bang nhanh chân nhất, vác được nguyên một đùi bê và hai thủ lợn mang về chuyển cho tất cả bang chúng cùng gặm. Màn ăn uống rất náo nhiệt, mọi người đều đói nên ăn rất nhanh. Sau đó đên màn đấu “võ mồm” để giành quyền làm minh chủ.
Phái Thiếu lâm với cương vị chủ nhà ra đấu trước. Phương phi đại hòa thượng Tiến béo đọc bài ca ngợi phái mình và chửi các phái khác. Anh hùng hào kiệt rộ lên phải đối ầm ĩ, tuy có công phu Sư tử hống (micro) cũng không át nổi. Tình trạng này sau đó còn diễn ra với tất cả các phái khác khi ra thi đấu. Trưởng môn phái Thiếu lâm Trương phương trượng Gia Bình lúc đó đã có mặt liền tiến lên võ đài (sân khấu) thể hiện công phu bằng bài hát tủ “huyền thoại rượu”.
Tiếp theo, Cái bang xông lên cướp võ đài. Phì bút công Thanh Bình hô một tiếng, bang chúng Cái bang nhao nhao đứng dậy cùng hát bài “Đời ăn xin”. Một số bang chúng ngửa nón đi xung quanh xin tiền, cũng kiếm được một mớ. Khi Cái bang thi đấu, rất nhiều tiếng hò hét vang lên làm bài “Cái bang luận” gián đoạn liên tục. Hán tử Văn Lộc của Bạch Liên giáo còn định cướp micro, bang chúng cái bang phải dọa vứt xuống hồ mới thôi. Quần hùng lớn tiếng kêu gọi bang chủ Khắc Thành thi triển Nhiếp hồn đại pháp Disco Mẹ Suốt nhưng khi bang chủ được bang chúng khiêng lên võ đài thì lão lại cùng bọn đệ tử hát một bài về sinh viên.
Phái Tây độc là phái thứ ba trổ tài. Hai cao nhân đệ tử của Tây độc Âu dương Cao Bảo là Dũng gầy và Quốc béo không them nói gì hết mà hát luôn một bài phỏng vấn theo nhạc bài “cây đàn sinh viên” mà Mỹ Tâm hay hát. Quần hào vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt khi nghe xong bài hát này.
Tiếp đến là Võ đang. Phái này vốn là danh môn chính phải nhưng lại biểu diễn một màn võ công rất tà ma ngoại đạo. Đào cốc lục tiên (ban nhạc “sáu con chó con”) mang rất nhiều khí giới lên đảo (gồm trống và ghi ta điện). Lục quái hát liền hai bài nhạc rock bị quần hùng chê bai rầm rầm. Những võ công tà phái cũng có chỗ độc đáo, khiến cho Tuấn Việt hòa thượng của Thiếu lâm phải động lòng trần. Ban đầu, y chỉ dám mon men ở xa vì sợ ghép tội phản phái nhưng sau không cưỡng được đã nhảy vào nhập bọn. Thiếu lâm có bọn phản đồ Tuấn Việt hòa thượng và Xà khẩu Sơn Ti Ti thì khó mà làm minh bạch được.
Sau đó, Bạch Liên giáo do Bạch diện thư sinh Điệp Tùng làm giáo chủ cử hán tử Văn Lộc ra tranh tài. Giáo phái này chẳng thèm ca ngợi ai hết, chửi tuốt tuồn tuột tất cả những người cầm đầu triều đại Sờ ti cô.
Phái Nga mi sau rất nhiều giờ chuẩn bị mới có thể đăng đàn. Ma nữ Linh Giang thay mặt cho Diệt Tuyệt sư thái Thanh Hà ra mặt công kích các phái khác. Nào là Âu dương Cao Bảo, nào là Hùng râu chân nhân của Võ đang oai danh là thế mà phải chịu nép một bề dưới trướng của phái này. Nga mi kết thúc bài thi đấu của mình bằng một bài hát do quái nhân Việt tròn truyền bá và thi triển trận pháp nắm tay nhau chạy vòng xung quanh quần hùng như trận pháp của họn Hồng hài nhi (trẻ con đang học mẫu giáo).
Xen giữa các trận thi đấu là các pha biểu diễn của các cao nhân tiền bối. Quái khách Việt tròn hô hào quần hùng “Dzo dzo dzo dzo”. Bang chủ Cái bang khi đó hơi rượu bốc lên, liền trổ cả nhiếp hồn đại pháp Disco Mẹ Suốt lẫn Nhiếp hồn tiểu pháp Chèo”.
Đến lúc này thì các quái nhân dị khách không thể chịu được nữa, tất cả cùng xông lên sân khấu tranh cipws nhau micro để thể hiện. Việt tròn lão quái chửi luôn một bài có vần điệu. Nghĩa đen lão quái thì thể hiện công phu “Ai đi hò lờ”. “Thơ mà không có vần ồn, giống như phụ nữ không tay ai yêu”. Sát tinh Cao lão Thành Lam thì phổ biến một pho quyền phổ thất truyền đã lâu là bài hát “Tắm sông Trường Giang” do Thổ Phồn Cưu Ma Châu khai quật. Các bài hát về các bậc tiền bối như “Gia Bình đánh Tây”, “Mơ thời trai tơ”… được lôi ra biểu diễn hết.
Sau đó thì không còn ai có thể điều khiển được nữa, tất cả các lộ công phu quyền cước của võ lâm Trung nguyên (tức là Sờ ti cô) lẫn của tà phái (các bài nhạc đỏ) được quần hùng biểu diễn rất say sưa. Đại loạn xảy ra, tất cả cùng tranh cướp micro, ngươi hát bài này là ta hát bài khác, ầm ầm như thác lũ. Đào cốc lục quái lại dùng khí giới đánh loạn cả lên. Đại lực thần ma Đinh Tuân thèm hát đến phát cuồng nhưng mỗi khi vớ được micro, hắng giọng chuẩn bị thì bọn khác lại gào lên át hết tiếng. Phương phi đại hòa thượng Tiến béo phải gào thét khản cổ mới dần ổn định trật tự. Tự nhiên, quần hùng chia làm hai phe, một bên do Sát tinh cao lão Thành Nam cầm đầu, một bên do Trương phương trượng Gia Bình chủ trì. Mỗi phe hát một bài để đọ tài cao thấp. Nhưng rồi cũng chẳng thi thố được gì nhiều vì phe này hát một bài thì phe kia tức khắc hát theo. Tất cả các bài hát STCo được quần chúng hát hết thì lại hát sang nhạc thiếu nhi, nhạc đỏ và những bài Sờ ti cô chưa có trong sách đỏ. Đến cuối lại còn hát cả nhạc Nga La Tư. Tổng cộng lại có lẽ phải đến hơn trăm bài.
Nguồn: Bảo tàng FPT (2002)