Họ ghét FPT

FPT đang bị đem ra "mổ xẻ" ở nhiều diễn đàn với cái nhìn tiêu cực. Chỉ trong vòng 24 giờ, cụm từ “ghét FPT” đã liên tục tăng lên trong bảng tìm kiếm của Google.


Từ 0 giờ ngày 14 đến 0 giờ ngày 15 tháng 5, kết quả tìm kiếm trên Google đã tăng lên từ từ 159 đến 165 và đang tạm kết thúc ở 178. Tuy nhiên con số này, vẫn chưa phản ánh hết kết quả thực sự số người quan tâm, do trên các diễn đàn rất nhiều người tiếp tục trả lời vào các topic có cụm từ trên. Số lượng topic nói xấu FPT cứ tăng vù vù, còn các trang trong topic thì cũng không ít lượt vào thăm và lưu lại vài lời reply.


Trên các diễn đàn hiện nhan nhản những lời nói xấu hay những ý kiến không vừa ý với FPT. Đảo quanh các diễn đàn như ttvnol, sanotc, diendanthanhnienxame, ddth và nhiều diễn đàn khác, chúng ta dễ dàng gặp cái nhìn không mấy thiện cảm.


Họ ghét người FPT thật!


Hài hước một chút. Đem gom góp những lời nhận xét này và vẽ lên hình ảnh người FPT, có lẽ chúng ta không khỏi bất ngờ. Đó là một người có cái đầu hói, do suy nghĩ nhiều quá để cái gì mình cũng nhất, cũng chiếm thế thượng phong. Tay dài ngoằng do vươn đến khắp nơi, chen vào quá nhiều lĩnh vực. Môi mỏng vì cái thói huênh hoang và dáng đi khệnh khạng vì quen nếp phô trương. Còn con mắt ti hí đảo liên tục cũng bởi nhiều trò gian lận. Và kết thúc bức tranh ấy là một người FPT đang ngồi trên con bò đi dạo phố, học đúng cách chơi ngông của cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa.


Đọc đến đây, một số có thể bất bình; một số có thể bật cười. Nhưng đây chính là một phần hình ảnh của FPT trong mắt một số công chúng. Thậm chí bạn Nanotech trong diễn đàn của trường Đại học Ngoại thương còn phải in đậm một cảnh báo bằng chữ đỏ với người FPT: “Đừng biến thành quỷ dữ!”.


Có nhiều bài phân tích dài dòng; cũng có những lời nhận xét ngắn ngủi đầy cảm tính. Những thành viên tích cực của các diễn đàn với cái tiêu cực của FPT đã lôi đủ mọi chuyện của FPT ra bàn tán. Thậm chí, họ còn dựa vào bộ phim “10 điều mà tôi ghét bạn” để viết “5 điều mà tôi ghét FPT”.


Tập hợp tất cả những ý kiến đó, những lời chê chủ yếu tập trung đến chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của FPT. Những lời bình luận chua cay nhất, những ý kiến tiêu cực nhất được tìm thấy trong thời kỳ thị trường “down” và giá cổ phần FPT rơi xuống “đáy” 413.000 VNĐ/cổ phần. Số khác phản ứng với văn hoá FPT khi mạnh miệng định nghĩa: “Văn hoá FPT là văn hoá hạng hai, là văn hoá bóc lột, nặng về hình thức, nông cạn trong công việc”. Một số “dịu dàng” hơn khi băn khoăn cho con đường phát triển của FPT. Một thành viên có username là Thumbaos trong ttvnol nhận xét: “Cái gì cũng làm nhưng chẳng có cái gì làm ra hồn” hay “FPT chưa có cái gì đặc sắc, chưa có phần mềm made-in-FPT”.


Thậm chí con người FPT cũng được đưa ra như minh chứng cho sự biến chất của môi trường làm việc. “Họ tự tin, cao ngạo, tinh tướng quá!”, một thành viên Diễn đàn tin học đánh giá. Cũng thành viên này nhận xét thêm: “Thằng bạn hiền lành trước giờ trở nên không chơi được, nó nghênh ngang đến mức khó chịu kể từ sau khi vào làm việc ở FPT”.


Nếu vào diễn đàn, nhiều người FPT hẳn sẽ không vừa lòng khi bắt gặp những sự “sáng tạo” đến “quá quắt” của thành viên các diễn đàn. Họ đọc chữ FPT thành Fải Phanh Thây hay Fe Phẩy Thôi.



FPT đang bị ghét. Số lượng người “ghét” đang tăng lên tới mức có thành viên của diễn đàn ttvnol phải thốt lên trong “reply” của mình: “Chưa chán với việc nói xấu FPT hay sao?”.


“Nhân vô thập toàn”. FPT và cả người FPT không hoàn hảo. Cũng như bất kỳ công ty, hay những nhóm nguời khác, việc chúng ta được yêu, bị ghét cũng không hẳn là điều mới hay lạ. Nhưng việc ngày càng có nhiều người ghét chúng ta đặt ra câu hỏi về nguyên nhân họ ghét chúng ta, cách hành xử cũng như việc cần bảo vệ thương hiệu mà chúng ta đã đổ nhiều công sức, tiền bạc ra xây dựng.


Nếu nhìn nhận như một thành viên trên diễn đàn ttvnol là “không khí trên toà nhà FPT có giá 26,000 tỷ” hay đơn giản hơn, như cách nói của một số người FPT, là loại bỏ những cái “nhìn thấy được, sờ thấy được” thì giá trị thương hiệu của FPT quả thật rất lớn. Giá trị đó đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu và hành động.


Họ ghét vì đâu?


Tựu chung, người ta ghét FPT theo ba kiểu, có thể tạm nhóm lại thành (i) kiểu cảm tính, (ii) kiểu phong trào và (iii) kiểu kinh nghiệm.


Những người ghét FPT theo kiểu cảm tính có hàng đống lý do như: cái gì cũng thấy FPT có mặt, cũng tham gia, cũng thành công. Đấy là cái kiểu ghét mà một thành viên ddth định nghĩa: “Ghét FPT vì nó giàu quá, như thế giới ghét Bill Gates vậy”.


Họ ghét “FPT chơi ngông, FPT tinh tướng và bốc phét” dù chẳng có lý do nào cụ thể. Lối ghét cảm tính nhiều khi xuất phát từ việc nhìn những nhân viên FPT, “thấy họ sao giàu lên nhanh thế, đi xe đẹp, và nắm giữ trong tay một đống cổ phiếu giá cao thì ghét”. Người khác không chịu nổi cái kiểu tự tin của người FPT khi “FPT tự nhận mình là dân IT và người ở FPT thì ai cũng thông minh”.


Họ ghét FPT khi giá cổ phiếu lên cao một cách không ngờ, tạo hàng đống tỷ phú tiền đồng và trong danh sách 100 giàu nhất Việt Nam, người FPT chiếm số đông trong Top 10, dù tính chính xác của thông tin này còn nhiều cái để bàn.


Có lẽ, kiểu ghét này thường xuất phát từ lòng đố kỵ và nó thay đổi tùy theo việc nó đem lợi gì đến cho người ghét. Páo, một thành viên trong Bach Khoa forum đã không ngần ngại thừa nhận: “Bàn yêu ghét về FPT làm gì, nếu có lợi thì mình kiếm lợi, cũng chẳng cần yêu. Nó có hại thì ghét, rất đơn giản”.


Lượn một vòng các diễn đàn, số lượng “reply” khá “khủng”. Hoảng hốt có, ngậm ngùi thừa nhận có, và bất bình về FPT cũng có. Đó là cảm xúc của những người khi lang thang trong diễn đàn nghe chuyện nói xấu FPT thì “sáng mắt, sáng lòng và cũng ghét theo”. Đây chính là kiểu ghét phong trào, ghét do ảnh hưởng nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ cho FPT.


Nhiều người không trực tiếp tiếp xúc với FPT nhưng qua những lời kể trên diễn đàn, qua truyền miệng thì cũng đâm ra ghét FPT, rồi đặt lên một cái topic đầy lưỡng lự: “Có nên tin vào FPT?”. Người ta nói tiếng dữ đồn xa, nhưng ngày nay với công cụ internet tốc độ đồn xa của tiếng dữ nhanh đến không tưởng.


Kiểu “ghét kinh nghiệm” lại thường có nguyên nhân từ một vụ việc cụ thể nào đó. Họ có thể là người sử dụng dịch vụ hay sản phẩm của FPT. Những người này phàn nàn trên diễn đàn hay sẵn sàng chia sẻ với bất cứ ai những cái đáng ghét của FPT để người khác rút kinh nghiệm.


Trên các diễn đàn, chất lượng dịch vụ của FPT nhận được khá nhiều lời ta thán. Một thành viên trên ttvnol bức xúc kể: “Mạng nhà tôi có vấn đề, gọi đến sửa mới lần thứ 2 thì đã bị cáu gắt sao gọi lắm thế?”. Bạn Tạ Thu Hương ở Tây Hồ, Hà Nội, bức xúc kể: “Tôi đoán hình như FPT luôn để kênh máy để tránh điện thoại của khách hàng”.


Kiểu ghét kinh nghiệm này còn “thu nạp” thêm các thành viên chơi cổ phiếu FPT. Trên các diễn đàn như sanotc hay diễn đàn chứng khoán của ttvnol, “cái sự” ghét FPT có biểu đồ nhất định: Nó trồi sụt theo giá lên, xuống của cổ phiếu FPT.


Chẳng phải ngẫu nhiên mà trên ttvnol, topic nói xấu FPT trong “box” chứng khoán lại đông khách đến thế; họ “kể tội cả tuần mà chưa hết”. Nhưng kiểu ghét này thì cũng dễ thay đổi, bằng chứng là một câu phát biểu của flinix trên ttvnol: “Em cũng ghét FPT, nhưng giá của nó mà xuống đến 1xx thì em sẽ yêu nó hết mình, yêu nhiệt tình luôn”.


Cũng trong kiểu ghét này, một số người khi tiếp xúc với một phần hay một nét văn hoá của FPT, thấy không vừa ý và đâm ra ghét cả FPT. Một thành viên ttvnol kể rằng “chương trình XY của FPT chuối không chịu được” rồi tự tiện rút ra kết luận: “Văn hoá FPT là văn hoá bắt chước”.


Đôi khi đó chỉ là hành vi ứng xử gây khó chịu của một số người FPT. Một nhà báo yêu cầu giấu tên kể: “Một nhóm bạn gái làm FPT vào quán cơm bụi ở đường Nguyễn Văn Huyên. Cả quán phải quay lại nhìn vì cuộc trò chuyện ầm ĩ của họ, xen lẫn những tiếng cười hô hố vô văn hoá. Họ còn cãi ngang khi được nhắc nhở. Nói thực, tôi ghét FPT từ đó và khó lòng khách quan trong những bài viết của mình về FPT”.


Bạn Glass rose trong BK forum giải thích: “Tại sao có tâm lý ghét FPT, vì 10 người được hỏi thì có đến 7 người chỉ biết tới khái niệm FPT chung chung. Họ không biết ADSL chỉ là hoạt động của FPT Tel, hay di động chỉ là của FDC, và cuối cùng là đổ đầu vơ đũa cả nắm”.


Những thành viên cuối cùng của kiểu ghét này cũng là những thành viên “nguy hiểm” nhất. Họ là những người đã từng có thời gian làm việc tại FPT nhưng phải ra đi vì nhiều lý do khác nhau. Họ mang cả nỗi hận đó lên diễn đàn và với kiến thức nhất định về tập đoàn, về tính cách và đời tư của của các sếp trong tập đoàn, những bài viết của họ nghe khá hợp lý và được nhiều người tin theo.


Cũng không loại trừ trường hợp một số người “làm giá” chứng khoán qua việc nói xấu công ty hòng mua được cổ phần giá rẻ. Nhưng dù nói xấu cách nào, ghét cách nào thì những bài viết của họ chắc chắn có ảnh hưởng tới thương hiệu FPT.


Đến giờ hành động


Nhìn cả hai mặt của vấn đề, có thể thấy việc FPT bị ghét có mặt tích cực và tiêu cực. Cái lợi khi được công chúng chê bai “sôi nổi” là tên FPT được nhắc đến nhiều hơn, “độ phủ sóng” của thương hiệu FPT rộng hơn. Một thành viên trong ttvnol từng băn khoăn: “Liệu có phải chúng ta đang PR không công cho FPT?”.


Lợi có thể có, nhưng hại có lẽ sẽ nhiều hơn. Chắc chắn một quyết định mua bán và sử dụng dịch vụ chịu ảnh hưởng rất nhiều của yếu tố tình cảm. Việc có nhiều lời phàn nàn về FPT có thể làm cho người chưa sử dụng dịch vụ FPT băn khoăn và họ sẵn sàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của một công ty khác.


Những tuyên truyền về “văn hoá bóc lột FPT” hoàn toàn có thể là rào cản cho những người muốn đầu quân vào FPT nhưng chưa biết nhiều về công ty. Những rêu rao về con người FPT tinh tướng, ngạo mạn đã chụp mũ và đem đến cái nhìn không thiện cảm về con người FPT. Trong ảnh hưởng này, nhân viên FPT là những người đang chịu thiệt.



Trước khi thực hiện bài viết này, một cuộc khảo sát phạm vi hẹp đã được tiến hành với khoảng 87 người trong độ tuổi từ 15 – 30 ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về thái độ với FPT. Kết quả thu được lại hơi khác so với dự đoán ban đầu khi số người thờ ơ, hay không có tình cảm nhất định với FPT lại chiếm đến 82%. Một FPT chung chung không dấu ấn cảm xúc trong đa số người được hỏi còn là điều đáng sợ hơn. Số người này chắc chắn sẽ dễ bị tác động bởi những bài ghét FPT hơn những bài “ngợi ca”. Một nhóm nhỏ người ghét FPT, với sự trợ giúp của mạng Internet, đã tạo nên một phong trào ghét “Công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam”.


Trao đổi với trưởng phòng thương hiệu FPT, anh QuânNA3, về sự vô cảm của công chúng với thương hiệu FPT. Anh thừa nhận điều này còn nguy hiểm hơn cả tình cảm tiêu cực về FPT. Hiện nay, giải pháp của phòng thương hiệu vẫn mới là cố gắng hoạch định kế hoạch để tiếp tục duy trì hình ảnh FPT như một “Công ty công nghệ hàng đầu” tạo sự tin tưởng và tình cảm của công chúng.


Thực tế, nhiều người có thể chỉ biết một dịch vụ, một cách hành xử của vài người cụ thể nhưng lại quy kết để ghét toàn FPT. Hãng Ford gần đây có yêu cầu nhân viên của mình nói về công ty cho càng nhiều càng tốt trong một nỗ lực ngăn chặn tình trạng kinh doanh đi xuống của mình. FPT có lẽ chẳng yêu cầu như vậy nhưng cũng có lẽ đã đến lúc mỗi người FPT cần ý thức rằng họ là một người bảo vệ thương hiệu của tập đoàn và lưu ý đến những hành động, cách sống của mình.


Bảo tàng FPT (tháng 7/2007)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn