"Đoàn viên" là vở diễn của FOX (tên gọi trước đây của FPT Telecom), trích "Đoạn trường tân thanh", được diễn trong Hội diễn FPT 13/9 năm 2002.
Tổng đạo diễn: Nguyễn Công Toản
Màn 1 (đèn tắt, nhạc du dương, giọng dẫn truyện trầm, trịnh trọng theo kiểu kể chuyện Tam Quốc Chí): Phàm thế cuộc trong thiên hạ, chia rồi lại hợp, hợp rồi lại chia. Tỷ như nhà Châu mất vận, bảy nước phân tranh, sau đó nhà Tần lại gom thâu về một mối. Rồi khi nhà Tần bị diệt vong, để cho Hán, Sở tranh hùng, và cuối cùng Hán đã diệt Sở để thu về một mối.
Ngẫm những chuyện to tát trong thiên hạ còn như vậy. Huống chi chuyện nàng Kiều ly tán gia đình rồi lại đến hồi đoàn viên cũng là lẽ thường tình.
Nguyễn Du ngày xưa viết lại Truyện Kiều. Người đời nay mãi mãi vẫn cứ đọc Truyện Kiều. Nhưng có mấy ai biết nàng Kiều cách đây mấy trăm năm thực sự đã đoàn tụ với gia đình như thế nào không?
Vào giờ phút này, khi đêm đã về khuya, gà không còn gáy mà chó cũng chẳng buồn sủa, trong cái tiết trời của một tối mùa thu không có lá vàng rơi, chúng tôi xin đọc hầu quý vị câu chuyện cuối cùng trước khi mãn cuộc với nhan đề “Hồn Kiều về trả oán”.
(Nhạc nổi, đèn sáng dần, Kiều mặc bộ quần áo trắng có đính các dải trắng nằm giữa sân khấu, hai người cầm một dải lụa xanh vắt chéo phía trước sân khấu làm sông)
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Mười lăm năm, kiếp long đong
Thúy Kiều phẫn uất trẫm mình dưới sông
Thảnh thơi dưới đáy Thủy Cung
Hồn siêu phách tán, Kiều vùng đứng lên.
(Kiều múa theo tiết tấu nhạc, thể hiện sự thoát xác của Kiều, 4 nam đóng vai ma đứng ở bốn góc tượng trưng cho thế lực của cõi âm, Kiều vùng vẫy cố gắng thoát khỏi vòng tay của 4 ma nhưng cuối cùng bất lực và 4 ma đưa Kiều về âm phủ, nhạc nhỏ dần, đèn tắt, chuyển sang cảnh 2)
Màn 2: Kim Trọng giết Thúy Vân
(Nhạc cổ, có tiết tấu rộn ràng mô tả đôi uyên ương Thuý Vân, Kim Trọng quấn quít nhau, cả hai tỏ ra hết sức hạnh phúc. Giọng đọc trầm đều, Thuý Vân ra trước, Kim Trọng ra sau, cả hai đều phải thể hiện những động tác yêu đương thật mùi mẫn)
Chuyện nàng Kiều chết đuối dưới dòng sông Tiền Đường hóa thành ma ra sao, thời đó không thấy mấy ai nhắc đến. Nhưng bỗng một hôm, trên bến sông Tiền Đường, có hai cố nhân của nàng Kiều bất thình lình xuất hiện. Đó là Thúy Vân và Kim Trọng.
Chỉ có điều là khác với Truyện Kiều của Nguyễn Du, Kim Trọng và Thúy Vân trên thực tế chẳng ai đoái thương đến người quá cố.
Thúy Vân thực ra là một ả lẳng lơ. Còn Kim Trọng cũng là phường háo sắc. Sau khi Thúy Kiều phải vào lầu xanh, Kim Trọng luôn tự cho mình là người may mắn vì cô chị đi làm “gái” thì y lại vớ được cô em, kể như là được đền bù thỏa đáng.
Hôm nay, giữa chốn thanh thiên bạch nhật, những trò dâm đãng ở chốn buồng the lại được tái hiện trước vong hồn nàng Kiều. Và thế là một tấn thảm kịch tang thương đã diễn ra khi hồn Kiều bất ngờ nhập xác Kim Trọng.
(Nhạc nhỏ dần rồi bỗng có tiếng động thật to, bất ngờ. Kiều chạy ngang qua sân khấu. Kim Trọng rùng mình diễn tả hồn Kiều vừa nhập xác, sau đó rút gươm ra đâm Thúy Vân. Hai người giằng co nhau, cuối cùng Kim Trọng đâm chết Thuý Vân. Nhạc nổi lên oán thán, có tiếng Thúy Kiều cười văng vẳng. Sau khi Thuý Vân chết, Kim Trọng bàng hoàng đau xót, bỏ chạy, nhạc nhỏ dần, đèn tắt chuyển sang màn 3).
Màn 3: Vương Quan chết đuối
(Lúc này trên sân khấu chỉ có xác Thúy Vân nằm bên bờ sông Tiền Đường, nhạc vui vẻ vang lên, giọng đọc tiếp tục nhịp điệu như trước)
Sau khi Thúy Vân chết, Kim Trọng hoảng loạn bỏ đi. Bờ sông Tiền Đường chỉ còn thấp thoáng bóng những oan hồn đùa rỡn với dòng nước bắt đầu ngầu lên sắc đỏ. Đúng vào lúc đó, một bóng phong lưu lại xuất hiện.
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia
Ngày xưa, Nguyễn Du có lẽ là bà con xa với nhà họ Vương nên khi viết Truyện Kiều, đã không thành thật lắm khi mô tả Vương Quan. Y thực ra còn là kẻ tồi tệ hơn Kim Trọng. Có thơ làm chứng rằng:
Chàng Vương quen thói trăng hoa
Thanh lâu, kỹ viện toàn là người thân
Nàng Kiều thời còn ở chốn lầu xanh đã không ít lần trông thấy ông em quý hóa đùa rỡn với các đồng nghiệp của mình. Nàng lấy làm oán lắm. Thân nàng phải bán mình chuộc cha. Vậy mà Vương Quan không chú tâm học hành để hưng chấn dòng họ, lại chỉ chuyên những trò trêu hoa, ghẹo nguyệt.
Nay bỗng dưng Vương Quan xuất hiện ở bến sông Tiền Đường. Tật xấu khó chừa. Thế là nàng Kiều lại phải gạt lệ mà dạy em.
(4 ma nữ ăn mặc hở hang từ từ đi ra sân khấu, Vương Quan chạy theo sau, giở thói trăng hoa trêu chọc các ma nữ. Các ma nữ sử dụng sắc đẹp và yêu thuật dụ Vương Quan xuống sông tắm rồi dìm chết, âm thanh có tiếng nước chảy, tiếng người bị chết đuối, sau khi dìm chết Vương Quan thì bốn ma nữ biến mất, xác Vương Quan ở lại)
Màn 4: Vương Ông, Vương Bà bị chết
(Trên sân khấu có xác của Vương Quan và Thuý Vân trông rất thương tâm, giọng đọc trầm trầm lại cất lên)
Hai vợ chồng Vương Ông, Vương Bà sau đại nạn hồi cách đây mười lăm năm, lại tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn. Con gái Thúy Vân và con rể Kim Trọng chẳng đoái hoài đến việc báo hiếu. Cậu quý tử Vương Quan thì suốt ngày chơi bời lêu lổng. Hai ông bà buồn lắm, chỉ muốn chết quách cho rảnh. Lang thang tìm các con, hai ông bà lạc lối đến dòng sông Tiền Đường...
(Vương Ông và Vương Bà chống gậy ra sân khấu, cả hai đều tỏ ra mệt mỏi, cất tiếng gọi các con, có tiếng trả lời: “Mẹ ơi, con chết rồi còn đâu!”, ngay sau đó cả hai tìm thấy xác Vương Quan và Thúy Vân, Vương Bà tỏ ra choáng váng và lăn ra chết, Vương Ông đau khổ cũng thắt cổ chết theo)
Nhìn các con chết nằm ngổn ngang, Vương Bà bất chợt lên đột quỵ mà lăn ra chết. Còn lại Vương Ông quẫn chí quá cũng theo Vương Bà về chầu trời nốt. Về sau, có thơ rằng:
Vương ông đến tuổi về già
Bèn liền rủ vợ tìm nhà Diêm Vương
Cả hai chết thật thảm thương
Chỉ vì một nỗi lầm đường dạy con.
(Nhạc có tiết tấu theo nhịp của câu chuyện, tạo ra cảm giác xót xa, thương tiếc, sau khi cả hai cùng chết, đèn tắt chuyển sang màn 5)
Màn 5: Thúy Kiều giết Kim Trọng
(Giọng đọc vang lên, trên sân khấu lúc này có tới 4 xác chết của: Thuý Vân, Vương Quan, Vương Ông, Vương Bà)
Lại nói chuyện Kim Trọng. Sau khi giết Thúy Vân, y hoảng loạn trốn chạy. Nhưng phần vì không hiểu tại sao bản thân mình lại ra tay giết vợ, phần vì sợ quan binh triều đình tróc nã tội sát nhân, khi màn đêm buông xuống, chẳng biết ma xui, quỷ khiến thế nào, y lại lò dò trở lại bến sông.
Kim Trọng đâu có biết, bóng ma tình nhân của y thuở nào đã đợi y sẵn. Bóng ma ấy thực ra còn hận đến xương tủy việc Kim Trọng mười lăm năm trước đã ky bo không chịu bỏ tiền giúp nàng chuộc thân.
Lúc này, khi Kim Trọng trở lại, sắc máu đã ngầu đục cả khúc sông Tiền Đường.
(Nhạc nhanh và to đột ngột, Thuý Kiều xuất hiện, động tác dứt khoát và uất hận túm cổ Kim Trọng để giết, Kim Trọng chuẩn bị một cánh tay giả lồng vào trong tay áo, Kiều rút cánh tay giả huơ huơ lên gặm rồi ném về phía khán giả. Kim Trọng hết sức đau đớn bỏ chạy nhưng không được, Kiều cắn cổ hút máu, Kim Trọng chết trong đau đớn. Kiều sau khi giết được Kim Trọng thì đứng dậy nói: “Thế là cả nhà chúng ta đã đoàn viên dưới âm phủ. Có tiếng kẹt cửa, từ hai phía sân khấu có các ma từ từ đi ra, các xác chết trên sân khấu bỗng nhỏm dậy lùi về phía sau. Nhạc có tiết tấu nhanh, vui vẻ vang lên, các ma nhảy múa nhộn nhịp trên sân khấu, các ma phía sau cùng thể hiện trạng thái vui vẻ, đoàn viên theo kiểu động tác của ma. Sau khi nhạc chấm dứt thì giọng đọc sẽ vang lên lời chào từ biệt)
Lời chào từ biệt
Quý vị và các bạn vừa lắng nghe chúng tôi đọc chuyện “Hồn Kiều về trả oán”, một tác phẩm văn học cổ điển của FPT. Chương trình “Chuyện phiếm trước giờ lên giường” của chúng tôi hôm nay đến đây đã mãn. Xin thân ái chào quý vị và chúc quý vị ngon giấc.
Nguồn: Bảo tàng FPT