Chủ đề “Toàn cầu hoá” được BKG chọn làm đề thi vòng một. Trong 180 phút, 66 thí sinh ở hai miền đã có cuộc “đấu trí”... viết luận.
Ngoài những khái niệm về toàn cầu hoá, những cơ hội và thách thức của Việt Nam na ná giống như tài liệu tham khảo... thì đa số các bài luận lọt vào vòng trong đều có một cách nhìn khá mới mẻ về những cơ hội FPT, thách thức và giải pháp chiến lược FPT trong cuộc chơi có cái tên "toàn cầu hóa" này.
Cơ hội nào cho FPT?
Thí sinh Huỳnh Ngọc Hải (FPT Tel) đã mở đầu bài luận của mình bằng một câu... khiến bất cứ ai đọc cũng phải giật mình: “FPT sẽ biến mất sau 5 năm???”. Hải đã lý giải câu hỏi đó bằng cách nêu rõ hiện trạng của FPT và đưa ra nhận định: “Các hướng kinh doanh của FPT đều hướng vào mục đích khai thác và giành giật thị trường sẵn có. Với phương pháp “cổ điển” là tạo nên sự khác biệt ở các sản phẩm, dịch vụ giữa FPT và các đối thủ khác... Tuy nhiên, với mảng thị trưòng ngày càng bị xâu xé thì việc định hướng này hoàn toàn không thể là chiến lược phát triển tốt trong tương lai...”.
Đa số các thí sinh đều khẳng định có rất nhiều cơ hội cho Việt Nam nói chung và FPT nói riêng trong cuộc chơi toàn cầu hoá (TCH) như : mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực tài chính, tiếp cận công nghệ mới và tri thức quản lý tiên tiến, cơ hội phát triển nguồn nhân lực, cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động và cơ hội tiếp cận, nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trên trường quốc tế…
Thí sinh Phạm Minh Tân đã đưa ra dẫn chứng để chứng minh việc thu hút nguồn lực tài chính tác động lớn đến sự phát triển của ngành mũi nhọn CNTT. “Các ông lớn như Microsoft, Intel cũng đã rót tiền không ít vào các dự án CNTT ở VN… Riêng tập đoàn FPT, sự kiện Intel Capital sang thăm và trao đổi xin mua 10% giá trị CP công ty đã chứng minh được lợi thế của TCH. Điều đó đã thể hiện sự phát triển không ngừng, ổn định của FPT”.
Thí sinh Vi Thị Hồng Hải (FSS) đã cho rằng có một cơ hội khá thú vị cho FPT: “Văn hóa là một khái niệm quá trừu tượng và tại sao khi TCH thì văn hoá lại là một cơ hội? Văn hoá tạo ra sự khác biệt, văn hoá tạo sự hệ thống, văn hoá tạo sự bền vững, văn hoá tạo giá trị chân thiện mỹ… Tất cả tạo nên một guồng máy lành mạnh và phát triển - một điều tối cần thiết trong TCH. Xuất phát từ triết lý của công ty, văn hoá sẽ là kim chỉ nam làm cho FPT hoà nhập mà không hoà tan trong xu hướng toàn cầu. Mặt khác nó là tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của FPT trong con mắt các đối tác nước ngoài”.
Vô vàn thách thức!
Hầu hết các bài luận lọt vào vòng 2 đều nhấn mạnh tới những thách thức mà FPT phải đối mặt trong TCH: Cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn lớn trên thế giới, chảy máu chất xám, những thách thức về luật chơi do những nước phát triển áp đặt, công tác đào tạo đội ngũ kế cận…
Chảy máu chất xám là một trong những thách thức mà các thí sinh rất quan tâm. Nguyễn Sơn Linh (FSS) đưa ra vấn đề: “Một cán bộ trẻ vào FPT, sau một thời gian cống hiến, lương tăng đều theo bậc hiện tại nhưng lại có mức lương thấp hơn nhiều so với những cán bộ mới vào theo dạng cầu hiền. Đây là một vấn đề khó giải quyết và có thể là một nguyên nhân để người này rời khỏi FPT…Việc đào tạo, tuyển dụng nhân sự đã khó, giữ người đó làm lâu dài còn khó hơn. Đây là thách thức lớn trong tình hình hiện nay khi VN sắp gia nhập WTO và FPT đang tăng trưởng nóng.”
Cũng là vấn đề này, Vi Thị Hồng Hải đặt câu hỏi: “Mới có Intel vào Việt Nam thôi mà FIS đã mất không ít nhân sự. Vậy trong thời gian tới, FIS mất bao nhiêu? FSoft mất bao nhiêu? FSS mất bao nhiêu? Đây quả là bài toán khó”.
Phan Quế Hương (FCC) lại đề cập đến góc độ thiếu chuẩn bị của FPT trong việc thu hút đầu tư. Theo quan điểm của Hương thì đây chính là những hiểm họa, thách thức không nhỏ của FPT. Hương đưa ra vấn đề về thương hiệu, cơ cấu truyền tải thông tin nội bộ… “18 năm thành lập nhưng đến năm thứ 16, việc xây dựng thương hiệu một tập đoàn mới được ban TGĐ quan tâm và xây dựng một cách rời rạc”; “ Khi ban TGĐ có chủ trương gì trước TCH thì “toàn dân” cũng không ai biết, hỏi người ngoài làm sao nắm được. Cộng đồng 6000 người FPT vẫn chưa “thấm nhuần” được bước đi của tập đoàn. FPT đã không sử dụng được kênh truyền thông là chính nhân viên FPT để xây dựng hình ảnh cho chính mình”.
Với nhận định riêng, thí sinh Vũ Minh Quang (FES) cho rằng: “FPT còn rụt rè với việc vươn ra thị trường CNTT quốc tế. So với các công ty VN khác thì chúng ta tham gia khá tích cực vào TCH nhưng vẫn chưa xứng đáng với vị thế là công ty tin học lớn nhất Đông Nam Á… Trong số các lĩnh vực chiến lược khác ngoài phần mềm của FPT, thực sự chưa thấy một ứng cử viên sáng giá nào cho vai trò là “quả đấm thép thứ hai”. Định hướng của FPT và Vinasa nói đến phần mềm và thiết bị nhúng... FPT mới sử dụng TCH làm đòn bẩy để chiếm lĩnh thị trường trong nước, chứ chưa thực sự hưóng tới mục tiêu “tập đoàn toàn cầu” như chúng ta vẫn tâm niệm”.
Trong bài luận của mình, thí sinh Phan Phú Khương (FPT Tel) đã đề cập đến nguy cơ rất đáng quan tâm, nguy cơ “phân rã” của FPT trong TCH: “Khi những lợi ích liên kết với đối tác mới có thể làm lung lay chiến lược của các thành viên trong tập đoàn. Vì vậy, chiến lược củng cố, ràng buộc và gắn kết trong cộng đồng FPT cũng nên được coi là ưu tiên trong giai đoạn hội nhập”.
Nhà chiến lược tương lai nghĩ gì?
Một trong những yêu cầu của đề thi là các thí sinh, trong vai trò một nhà hoạch định chiến lược, đưa ra các giải pháp phù hợp đối với FPT trong bối cảnh hiện nay. Các “Trạng” trong một thời gian ngắn đã đề cập khá nhiều giải pháp.
Nhìn chung, những giải pháp chính mà các nhà "hoạch định chiến lược" đưa ra bao gồm: Cần phát triển mạnh công nghiệp phần mềm; Nâng cao năng lực cạnh tranh; Xây dựng lực lượng lao động trong ngành CNTT, giải quyết bài toán nhân sự, cơ cấu lại chế độ lương thưởng và cơ chế giữ người hiền tài; Tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng; Xây dựng phòng nghiên cứu và phát triển chung cho FPT với mục đích nghiên cứu và tìm kiếm các công nghệ mới, thị trường mới, đối tác mới…
Nguyễn Đình Nam (FTD) đưa ra một cái nhìn mới: “ Tôi muốn tách các tập đoàn toàn cầu làm hai loại phát triển theo ngành dọc và loại cái gì cũng muốn dính vào. Đại diện loại thứ nhất là Intel, Microsoft. Đại diện loại thứ hai là Samsung và FPT. Cả hai kiểu tập đoàn đều đang phát triển. Ta cần đặt câu hỏi: “Tại sao ở các nước phát triển, đa số các tập đoàn kinh doanh hiệu quả lại chỉ kinh doanh trong một số ít ngành?..”. Khi một tập đoàn phát triển theo hướng quá rộng, khi gặp nhiều đối thủ ngành hẹp, đẩy mạnh cạnh tranh ở nhiều chiến trường cùng một lúc, họ sẽ không đủ năng lực tài chính để cạnh tranh và buộc phải bỏ cuộc ở một số ngành nào đó… Trước thềm WTO và TCH, FPT cần phải đặt chiến lược mới, hạn chế mở thêm ngành nghề kinh doanh, tập trung nguồn lực tiến lên đứng đầu một vài ngành nào đó trên bình diện thế giới”.
Ngô Quốc Bảo (FDC) nhấn mạnh đến giải pháp cần có một công cụ truyền thông mạnh và thống nhất trong toàn tập đoàn: “FPT là tập đoàn lớn nhưng mỗi bộ phận xuất hiện ra công chúng lại mỗi kiểu, mỗi công ty có một bộ phận marketing với những chiến lược chẳng ăn nhập gì với nhau. Truyền thông thiếu định hướng và không biết khuyếch trương những sự kiện quan trọng… Cả FPT Media và FCC chưa thể hiện mình là một bộ phận phát ngôn của công ty, mang hình ảnh công ty ra công chúng”.
Thí sinh Phan Phú Khương đã có cách lý giải thú vị về 5 chữ : “Sâu-sáng-tuyệt-thông-phong” trong bối cảnh TCH. Theo Khương thì: Bước vào quá trình TCH, FPT phải cắm sâu vị thế của mình ở những thị phần hiện có; Phải đánh bóng thương hiệu cho thật sáng để thu hút thêm nhiều đối tác ở nước ngoài; Phải tuyệt đối không được chủ quan coi mình là gã khổng lồ mà cần để mắt đến các đối thủ nhỏ; Phải đảm bảo sự gắn bó liên thông để duy trì sự đoàn kết của các thành viên đại gia đình FPT; Khám phá và giành thế thuợng phong trong những ngành kinh doanh mới hé mở, dù đó không liên quan đến công nghệ”.
180 phút không phải là khoảng thời gian đủ để các “nhà hoạch định chiến lược” có thể giãi bày hết những ý tưởng. Nhưng đó cũng là một phần những quan điểm của đại diện một thế hệ trẻ FPT suy nghĩ về những vận hội, thách thức của tập đoàn trên con đường hội nhập TCH.
Giới trẻ không bàng quan về những gì đã, đang và diễn ra trong một thế giới hội nhập.
Nguồn: Bảo tàng FPT (2006)