Cám ơn Cuba!

Tôi viết bài này, nhân đọc tin tức Cuba giúp Việt Nam sản xuất vaccine.


Thế hệ chúng tôi, những người đã trải qua chiến tranh, đều dành cho đất nước Cuba và Chủ tịch Phiden Castro một tình cảm đặc biệt. Còn nhớ, trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973, Chủ tịch Fidel đã quyết định viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam xây dựng 5 công trình kinh tế - xã hội gồm: Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, khách sạn Thắng Lợi, Quốc lộ 21, Trại bò Mộc Châu và Trại gà Lương Mỹ; phần lớn các công trình đó cho đến nay vẫn còn phát huy giá trị. Và không ai có thể quên, lời phát biểu chí tình của Ông vào năm 1966 tại Diễn đàn của Phong Trào không liên kết “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng máu của mình”.


Nhưng đã từ lâu, ở Việt Nam, người ta ít nhắc đến Cuba – đất nước có một thời được Hồ Chủ Tịch ví như người anh em sinh đôi với Việt Nam. Thời buổi khó khăn, kiếm được miếng ăn đã quá vất vả, không ai còn tâm trí nhớ đến số phận của người anh em sinh đôi bên kia bán cầu.


Thủ đô La Habana Cuba - ảnh: Internet

Sau khi Liên xô và Đông Âu sụp đổ năm 1990, Cuba bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử nước cộng hòa. Toàn bộ các nhà máy trong liên minh kinh tế với khối Sép đã phải đóng cửa do thiếu đầu ra. Đồng Pê-sô mất giá nghiêm trọng. Trong bối cảnh các nước như Trung Quốc, Việt Nam đổi mới sang cơ chế kinh tế thị trường, Cuba vẫn kiên trì đường lối XHCN. Mặc dù bị Mỹ bao vây kinh tế và mất đi toàn bộ quan hệ kinh tế với phe XHCN, Cuba đã tự mình đứng dậy với sự kiên cường đáng khâm phục.


Năm 2004 tôi có dịp sang thăm Cuba trong hai tuần. Lúc đó, người Cuba nói rằng, giai đoạn khó khăn nhất đã ở phía sau. Cuộc sống của nhân dân Cuba đã được cải thiện đáng kể. Mặc dù Cuba không có người giầu (do nhà nước hạn chế kinh tế tư nhân), nhưng Cuba không có người nghèo. Chế độ tem phiếu vẫn áp dụng, nên những người không có tham vọng làm giầu sẽ tìm thấy Cuba là một xã hội khá ổn định: ai cũng có việc làm, ai cũng có nhà ở, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành và chữa bệnh miễn phí.


Cuba tuy vẫn là nước nghèo nhưng không hề lạc hậu, đặc biệt về KHKT. Ở Cuba, bộ Khoa học Công nghệ là Bộ quan trọng bậc nhất.


Họ có rất nhiều thành tựu tầm cỡ thế giới trong nhiều lĩnh vực.


Cuba là nước có trình độ công nghệ sinh học hàng đầu thế giới. Họ bán công nghệ nuôi trồng thủy sản cho các nước Mỹ La tin và châu Phi. Về Y tế, Cuba cũng có trình độ rất cao, là một trong những quốc gia nổi tiếng về sản xuất vắc-xin. Về giáo dục, Cuba cũng nằm trong những quốc gia có nền giáo dục ưu việt nhất. Về kiến trúc, Cuba cũng ở đẳng cấp cao nhất thế giới. Về thể thao, hiếm có một quốc gia nào chỉ với 10 triệu dân mà luôn nằm trong danh sách 10 cường quốc thể thao Olympic. Hạ tầng giao thông của Cuba không thua kém gì các nước phát triển nhất. Hạ tầng xã hội cũng rất cao, tương tự như ở châu Âu. Hiếm có một thủ đô nào, cũ kỹ mà sạch đẹp như La Habana… Thật đáng ngạc nhiên là một nước XHCN nhỏ bé, bị bao vây bốn bề, lại đạt được tất cả những thành tựu này. Có lẽ, trước khi xây dựng XHCN, Cuba đã trải qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa. Mark đã đưa ra luận điểm này như điều kiện cần để đảm bảo thành công cho CNXH, nhưng sau thời Lenin, người ta lại tin vào luận điểm thiếu khoa học khác là có thể tiến lên CNXH mà không cần kinh qua giai đoạn TBCN.


Cuba - Việt Nam luôn là mối quan hệ anh em thấm thiết - ảnh: Internet


Cuba là một vùng đất trù phú được thiên nhiên ưu đãi. Với diện tích bằng 1/3 Việt Nam, nhưng chủ yếu là đồng bằng, nên diện tích canh tác trên đầu người của Cuba rất cao: một nông dân trung bình được canh tác trên 30ha. Bãi biển Varadero của Cuba được coi là bãi biển đẹp nhất thế giới. Mặc dù cấm vận, nhưng bãi biển này hàng năm vẫn mang lại cho Cuba hàng tỷ USD từ khách du lịch khắp năm châu. Cuba còn có ciega, rượu rum ngon nhất thế giới. Cuba xuất khẩu rất nhiều tôm hùm và tôm của họ cũng nổi tiếng là ngon…


Trái với suy nghĩ của nhiều người, ở Cuba không có sùng bái cá nhân, mặc dù Chủ tịch Phiden nắm giữ tất cả những chức vụ quan trọng nhất của nhà nước Cuba trong rất nhiều năm. Tôi không cảm nhận thấy sự sùng bái cá nhân Phiden trong dân chúng như chuyện thường xảy ra trong hoàn cảnh tương tự (Bắc Triều Tiên, Irac…). Không thấy tượng Phiden ngoài đường phố. Ảnh Phiden cũng rất ít, chủ yếu trong các công sở và thường treo chung với các vị lãnh đạo khác. Người duy nhất mà nhân dân Cuba tôn sùng như một vị thánh là một anh hùng – chiến sĩ cộng sản quốc tế Che Guevara. Hose Marti cũng được ghi nhận là Lãnh tụ vĩ đại. Hình ảnh của Phiden trong dân chúng là một lãnh tụ giản dị, gần gũi và đáng kính.


Và điều đáng ngạc nhiên nhất là, chính phủ Cuba không tham nhũng. Có lẽ ưu điểm này đã khiến cho nhân dân Cuba tôn trọng các quan chức chính phủ của họ. Tham nhũng là quốc nạn của nhiều nước, đặc biệt là khu vực châu Mỹ la tinh. Nếu như sự tham nhũng ở các nước tư bản đã nguy hiểm, thì sự tham nhũng tại các nước XHCN, nơi của cải xã hội do nhà nước nắm quyền phân phối, càng nguy hiểm hơn. Trong lịch sử Cuba XHCN, chưa có một quan chức nào từ cấp vụ phó trở lên có hành vi tham nhũng. Lĩnh vực duy nhất có tham nhũng là trong ngành du lịch, nơi khách boa tiền mặt cho nhân viên dịch vụ.


Và một đất nước nhỏ bé, trải qua hơn nửa thế kỷ cấm vận của Mỹ, vẫn kiên cường tồn tại và phát triển. Họ thực sự phát triển, bất chấp các phê phán về mô hình kinh tế kế hoạch hoá. Nhiều người không chịu nhìn nhận sự thật này, nhưng nếu so với các nước Mỹ Latin, Cuba là một trong những nước phát triển nhất.


Tôi đã từng nghĩ, nếu CNXH ở Liên xô cũng do những con người tuyệt vời như ở Cuba lãnh đạo, có lẽ nó không dễ dàng sụp đổ như thế. Rõ ràng, một mô hình, dù có tốt đến đâu, vẫn cần có con người phù hợp, mới có thể thúc đấy xã hội phát triển.


Tôi không có ý ca ngợi mô hình của Cuba, nhưng đó là lựa chọn của họ. Nghe nói gần đây, họ cũng đang điều chỉnh sang mô hình kinh tế thị trường.


Ấn tượng lớn nhất của tôi sau hai tuần thăm Cuba là: không nơi nào trên thế giới, Việt Nam được yêu mến như thế!


Cuba sẽ sản xuất Vacxin chống Covid cho Việt Nam - ảnh: Internet

Ở Cuba, nói đến Việt Nam, ai cũng biết. Người dân Cuba yêu quý Việt Nam như tổ quốc của mình. Có rất nhiều địa danh, công trình, tổ chức vẫn mang tên Việt Nam như Nguyễn Văn Trỗi, Đồng Khởi, Ấp Bắc, Bình Giã… Con gái Cuba rất thích con trai Việt Nam. Nghe mấy anh lưu học sinh Việt Nam kể lại, các cô gái Cuba thường tự hào khi có bạn trai là người Việt Nam. Không ở đâu người chúng ta được chào mừng như thế khi giới thiệu mình là người Việt Nam.


Từ trái tim, chúng tôi luôn mong Cuba, một đất nước kiên cường, sẽ có một tương lai tươi sáng. Dù các bạn đi theo mô hình nào, chúng ta vẫn là những người bạn chung thuỷ của nhau, không như ai đó, có chung với Việt Nam rất nhiều thứ, nhưng lại là sự lo lắng thường trực của chúng tôi.


Cám ơn vaccine Abdala!

Viva Cuba!


Nguồn: anh Hoàng Minh Châu

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn