Là địa phương bùng dịch sau, nhưng Bắc Giang lại là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Tính đến ngày 05/06/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 ổ dịch lớn chủ yếu ở các cụm khu công nghiệp với 2929 trường hợp dương tính. Bắc Giang giãn cách xã hội toàn tỉnh theo chỉ thị 15 của chính phủ. Với CBNV FPT Telecom Bắc Giang, đây thật sự là một cú shock lớn và khó khăn khi phải đảm bảo tình hình hoạt động trong thời điểm mà “cách ly” là hai từ đi đâu cũng nghe thấy.
Chi nhánh Bắc Giang hiện có 180 nhân sự đang làm việc tại 6 văn phòng giao dịch (VPGD): VPGD thành phố Bắc Giang (trụ sở chính), các VPGD Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Lục Nam và Lục Ngạn. Từ khi bùng dịch, chi nhánh đã thực hiện phân tách nhân sự giữa các VPGD, WFH tối thiểu 50% đối với BO. Các bộ phận Kinh doanh, Kỹ thuật và Thu ngân kích hoạt chế độ check-in hiện trường, hạn chế đến chi nhánh để giảm thiểu rủi ro.
Anh Nguyễn Văn Cường – kỹ thuật viên điều hành (TIN) tại BGG cho biết, hiện tại đội kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và hỗ trợ khách hàng khi nhiều khu vực đã bị phong tỏa, cách ly: “Bây giờ anh em đi đâu cũng phải cần giấy phép của chính quyền. Ở các khu tâm dịch như Việt Yên nơi có cụm công nghiệp bùng dịch thì còn khó khăn hơn, hầu như nơi nào cũng ngăn cấm”.
Cách đó không xa, ở chi nhánh Bắc Ninh, tình hình cũng không khả quan hơn là mấy. Khi liên hệ để phỏng vấn bài viết này, chúng tôi liên tục nhận được những lời nhắn “Mình đang bận trong nhà khách hàng rồi, lát mình nhắn nhé”, “Em cứ nhắn, anh đang họp online”… Những con người nơi đây cũng đang oằn mình gánh chịu những lần “dội bom” của Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Ninh ghi nhận 1025 ca nhiễm, đứng thứ hai về số lượng ca nhiễm Covid-19 trên cả nước. Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc chi nhánh Bắc Ninh – anh Phan Đình Cường cho biết: “Thật sự phải nói, anh em rất hoang mang, bàn tán ra vào, tâm lý có chút bất ổn vì lần đầu tiên dịch bùng phát mạnh ở mảnh đất vùng quê Kinh Bắc. Gia đình lo lắng sợ những người con của mình đi làm tiếp xúc trực tiếp nguy cơ lây nhiễm dịch nên ít nhiều tác động đến anh em".
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – hai cơ quan đầu não của FPT Telecom sau chuỗi ngày bình yên cũng đã ghi nhận thêm các ca nhiễm Covid-19. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụm dịch Hội Truyền giáo Phục Hưng, quận Gò Vấp đã bùng phát vào tối 26/5/2021. Đây được đánh giá là cụm dịch phức tạp và có nguy cơ lây nhiễm cao với biến chủng virus mới từ Ấn Độ. Khi có thông tin quận Gò Vấp bị cách ly, Ban lãnh đạo trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 13 đã liên tục có những cuộc họp để triển khai, phân bổ lực lượng anh em để đảm bảo các hoạt động kinh doanh, chăm sóc khách hàng không bị gián đoạn. Khi cách ly, khách hàng càng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của mình.
Tại chi nhánh Đà Nẵng, từ khi có dịch, đơn vị đã tuân thủ các chỉ thị của Công ty: thực hiện giãn cách tại văn phòng làm việc, CBNV làm việc tại văn phòng ra vào đều thực hiện khử khuẩn và đo nhiệt độ, đeo khẩu trang trong khi làm việc. Với đội ngũ kinh doanh tại Đà Nẵng, các anh em luôn chủ động bảo vệ bản thân khi ra ngoài bởi trong mùa dịch lượng khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng cao.
Ngay thời điểm này, những người FTEL trên cả nước ai cũng hiểu rằng tất cả đều đang trong tình cảnh khó khăn, và rất khó để đòi hỏi những thứ đủ đầy như nhịp sống thường nhật. Ai cũng cố gắng thích nghi với hoàn cảnh và điều kiện hiện có, tất cả đều vì cuộc chiến chống dịch cam go.
Với đợt dịch này, tại FPT Telecom chứng kiến nhiều câu chuyện của anh em chống dịch. Những câu chuyện ấy xuất phát từ nhiều đơn vị khác nhau nhưng có chung một đặc điểm, đó là người trong cuộc chọn cách đương đầu thay vì bỏ chạy.
Đó là câu chuyện anh em kỹ thuật lần đầu tiếp xúc với bộ đồ bảo hộ PPE để đủ “tiêu chuẩn” triển khai bảo trì cho các vùng cách ly. Với những ai chưa biết, để mặc một bộ đồ bảo hộ PPE phải mất ít nhất 10 - 15 phút. Bộ đồ gồm đôi bốt nhựa, khẩu trang, kính chắn, mũ bảo hộ, quần áo, rồi găng tay, rồi lại thêm một lớp bao ngoài nữa… Tất cả tạo thành một "cái vỏ" kiên cố, bao kín người mặc, bảo vệ khỏi sự xâm nhập của virus. Nhiều lớp lang với chất liệu chống nước, thế nên bộ đồ này có nhược điểm lớn nhất là… nóng và bí: "Giữa cái thời tiết nắng nóng như hiện tại, mặc những bộ đồ bảo hộ này đi làm, cảm giác ấy khó tả lắm!". Thế nhưng những "chiến binh" của chúng ta không xem đó là vấn đề trở ngại.
Anh Nguyễn Văn Minh – Trưởng VPGD Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: là trưởng VPGD trong thời điểm vừa qua, đây thật sự là thách thức và cũng là trải nghiệm không bao giờ quên của anh. Minh vẫn thường xuyên túc trực một mình tại văn phòng, hỗ trợ anh em khi có khách hàng đăng ký lắp mạng, gọi điện nhắn tin thường xuyên cho những đồng đội bị cách ly để động viên tinh thần, lên những kịch bản bán hàng online khi anh em khi không thể gặp trực tiếp được khách hàng. Những lúc rảnh, anh vẫn thường xuyên onsite hỗ trợ thêm những ca triển khai, thu cước khách hàng cùng anh em TIN, thu ngân.
Một số trường hợp anh em chi nhánh lựa chọn việc ở lại công ty và không về nhà để phục vụ khách hàng nhanh chóng và hạn chế tối đa việc lây lan cho gia đình.
Anh Đào Thanh Sang – một nhân sự trẻ thuộc đội triển khai bảo trì TIN Bắc Giang công tác tại FTEL đến nay mới vỏn vẹn được 4 tháng. Là tân binh nhưng tinh thần và trách nhiệm của Sang đã được thể hiện rõ nét, được cán bộ quản lý và anh em đơn vị đánh giá rất cao.
Nhà Sang ở huyện kế bên, nhưng đi làm tại huyện Việt Yên – nơi tâm dịch đang hoành hành. Nhận thấy tình hình dịch phức tạp, Sang chủ động đề xuất với BGĐ để ở lại luôn văn phòng làm việc và không về nhà.
“Hôm mình đi thì cũng chỉ nghĩ là cách ly toàn huyện nên chỉ mang đúng 2 bộ quần áo. Đang đi thì có lệnh cách ly, thế là mình ở lại luôn, đến nay đã được 14 ngày. Mình không về vì một phần sợ lây cho gia đình, con nhỏ, một phần vì muốn nhanh chóng hỗ trợ anh em trong tình cảnh chi nhánh đang thiếu người. Bây giờ nhớ vợ con lắm, đêm nào gia đình cũng gọi điện động viên, chỉ mong nhanh hết dịch để được về với gia đình” – Sang xúc động chia sẻ.
Cách đó khoảng 1000 km, mảnh đất Cambodia có hàng trăm nhân sự FPT Telecom (OPEN NET) đang túc trực cũng nổi lên câu chuyện của những anh em chọn việc “sống chung với dịch” để giải quyết sự cố nhanh chóng nhất.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Ngân - Giám đốc Trung tâm Triển khai Bảo trì Thuê bao FCAM cho biết: "Hiện tại thì Phnompenh đang là khu vực ảnh hưởng nặng nhất, bị giới nghiêm, phong tỏa nhiều nơi, đi lại rất khó khăn. Bộ phận ra ngoài nhiều nhất là đội thi công và bảo trì khách hàng.
Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, anh em kiêm thêm việc thu tiền của Salesman ký hợp đồng, hợp đồng của khách hàng upgrade, của khách hàng đăng ký chuyển địa chỉ hay khôi phục dịch vụ. Thay vì sale chạy đi thu tiền sau khi ký hợp đồng online thì anh em sẽ thu luôn trước khi triển khai.
Trong dịch bùng như vậy mà chi nhánh còn giảm người ấy chứ, có nhân viên nghỉ việc vì Covid-19 hay vì an toàn, có người thì nghỉ vì lý do cá nhân nhưng chi nhánh vẫn không tuyển thay thế. Thay vào đó, anh em sắp xếp công việc và động viên nhau. Các việc kiêm thêm cũng làm tăng thêm thu nhập nên mọi người đều happy."
Thời điểm những ngày từ 15/05 đến 16/05/2021 tại Cambodia đang là tâm dịch. Mỗi ngày tăng tới 500 - 1000 ca, nhà nước đã tiến hành cách ly toàn thủ đô Phnom Penh. Trong giai đoạn này, team INF FCAM dưới sự chỉ đạo của anh Trần Đức Tiến - Giám đốc trung tâm bảo trì hạ tầng đã phân vào các khu để nằm vùng và ứng cứu. Điển hình nhất là khi sự cố tại nhà trạm và tuyến trục tại một khu vực đang có dịch bệnh căng thẳng.
Được sự chỉ đạo của cấp trên, nhất quyết phải giữ được tuyến để không ảnh hưởng dịch vụ khách hàng, anh Lê Thanh Tuấn - cán bộ kỹ thuật hạ tầng cùng đồng đội đã đi vào khu đang cách ly và ở tại đây đến tận 14 ngày để xử lý sự cố. "14 ngày trong khu cách ly, không có cơm ăn, sống nhờ những thùng mì gói được anh em tiếp tế chuyển vào, nhiều khi muốn ăn một cái gì đó cho ngon nhưng chỉ là niềm mong ước".
Để những chiến binh FTEL có thể vững tâm chiến đấu với dịch bệnh ngoài kia, để họ luôn cảm thấy an tâm và an toàn thì công sức đóng góp của tổ hậu cần là không hề nhỏ. Tổ hậu cần tại các đơn vị là những người chưa từng có kinh nghiệm trong việc chống dịch, nay phải nhanh chóng "học" và tiếp cận những việc chưa từng làm trong thời gian gấp rút để anh em đơn vị mình sớm được phổ cập và đảm bảo an toàn.
Tại một số chi nhánh vừa mới xuất hiện các ca dịch như: Long An, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, ĐắkLắk, Hải Dương..., đội hậu cần vẫn chuẩn bị rất chu đáo các vật phẩm phòng dịch cho anh em, đồng thời liên tục nhận chỉ thị từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch FPT Telecom để có những ứng biến kịp thời với tình hình địa phương.
Đối với các chi nhánh ở vùng tâm dịch, công tác hậu cần được đẩy mạnh ưu tiên hàng đầu với hàng loạt các biện pháp như: tuyên truyền, vận động CBNV tuân thủ nguyên tắc 5K, cung ứng đầy đủ vật phẩm chống dịch thiết yếu: khẩu trang y tế, găng tay y tế, đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, nước rửa tay khô, thực hiện WFH từ 50% - 100% theo tình hình diễn biến dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo năng suất lao động, xin cấp phép của Sở Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố cho CBNV ra, vào khu cách ly để làm nhiệm vụ viễn thông, tổ chức test nhanh Covid-19 cho CBNV đi làm nhiệm vụ an toàn, hỗ trợ động viên những cán bộ tuyến đầu gặp khó khăn trong thời kỳ Covid-19 hoành hành,... Bên cạnh đó tổ hậu cần còn tiến hành ủng hộ nước uống, khẩu trang y tế cho các chốt kiểm dịch.
Tại một số địa phương tâm dịch, giám đốc chi nhánh trực tiếp chăm lo cho nhân viên, xuống bếp chuẩn bị những bữa cơm cho anh em ở lại không về được. Bữa cơm của những con người chung cảnh ngộ tự chăm sóc cho nhau tuy đạm bạc nhưng chan chứa tình đồng đội: “Bọn anh chia nhau ra, hôm nào ai về sớm thì người đó sẽ lo cơm nước cho anh em còn lại, còn thức ăn thì anh em đi đến đâu có bán cái gì thì mua về, mỗi người một ít, vậy là thành bữa ăn”.
Ngoài cơ sở vật chất, yếu tố tinh thần cũng là điều mà anh em cần được động viên ngay lúc này. Ban Điều hành FPT Telecom vẫn thường xuyên chỉ đạo, quan tâm sát sao tình hình dịch bệnh đến từng chi nhánh vùng dịch để kịp thời nắm bắt thông tin và động viên, hỗ trợ kịp thời.
Hàng loạt các cuộc thi, phong trào cổ vũ tinh thần anh em chống dịch, phát triển kinh doanh đã được phòng Văn hóa & Đoàn thể, Khối Dịch vụ khách hàng tổ chức như: "Khoảnh khắc vượt dịch", "Dịch vụ STCo",....
Với từng ấy những gánh nặng trên vai, cơn đại dịch dường như tôi luyện cho những đóa xương rồng FTEL thêm phần gai góc, mạnh mẽ và kiên cường. Để trong cái khó, chúng ta tìm ra những con đường mới, cách làm mới và mang về những tín hiệu đáng mừng. Tin tốt từ các vùng dịch liên tiếp bay về.
Tại Bắc Giang, các anh em kỹ thuật vào vùng cách ly hỗ trợ khách hàng, bán được hợp đồng phát triển mới trong tâm dịch, ký được một lúc 4 hợp đồng internet.
Tại Bắc Ninh, các chỉ số kinh doanh không có dấu hiệu chững lại vì dịch bệnh, các case sự cố khách hàng được giải quyết nhanh chóng.
Tại Hà Nội 7, Mặc dù thiếu hụt nhân sự nhưng với tinh thần mỗi người làm việc bằng 2, các kế hoạch kinh doanh hay công nợ luôn được đảm bảo.
Tại Hà Nội 10, tình hình kinh doanh vượt số PTTB so với cùng kỳ tháng 4/2021. Nhờ các tài nguyên VPN, công cụ làm việc được cấp, các trường hợp F2, F3 của phòng DVKH làm việc tại nhà vẫn luôn đảm bảo công việc được giao.
Tại Vĩnh Phúc, anh em không chỉ giữ vững tinh thần kinh doanh mà còn kết hợp tặng thêm các nhu yếu phẩm cho địa phương chống dịch.
Và còn nhiều, nhiều nơi như vậy nữa, những đóa Xương rồng FTEL vẫn cứ ngày đêm tăng trưởng và thích nghi.
Và cũng đừng quên những đóng góp của những đồng đội FTEL từ khắp mọi miền tổ quốc đang không đứng ngoài cuộc chiến cam go này.
Đó là những cô gái admin, hành chính nhân sự tại các chi nhánh dưới cái nắng gay gắt 40 độ vẫn vượt dịch, vượt nắng mang đến cho anh em đơn vị mình những chai nước mát lạnh, sảng khoái. Với họ, đây là cách để góp một phần vào công sức và tinh thần chung của đơn vị.
Đó là 3 bạn salesman nhóm “Tam hổ” Bắc Giang đi thị trường lúc 4 giờ sáng và dũng cảm bắt được tên cướp xe SH giao cho công an.
Đó là chị Phạm Thị Lương Ngọc, một cán bộ văn thư, gắn bó với FTEL “hơn hai thập kỷ”, người “không thể WFH” bởi những con dấu, giấy tờ mà khắp mọi nơi trên cả nước chờ chị đóng dấu. Những ngày mọi người làm ở nhà, một mình chị lên văn phòng, chỉ có chị và những con dấu.
Đó là "những giấc ngủ không tròn" của đội INF Hải Dương khi gặp sự cố cháy cột điện POP30 Cầu Ướp lạnh vào lúc 1h00 đêm ngày 02/06/2021 - nơi có hơn 500 khách hàng sử dụng dịch vụ FPT. Không nề hà, anh em INF nhanh chóng nhận thông tin và mang hành lý “ngành” lập tức lên đường xử lý sự cố ngay trong đêm. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả team hạ tầng, đến 07h30 sáng 02/06, toàn bộ khách hàng thuộc khu vực này đã có tín hiệu mạng để sử dụng. Trắng đêm để xử lý xong sự cố cũng là lúc bắt đầu một ngày mới.
Đó là anh TrungPT của chi nhánh Cà Mau, tuy bán hàng vất vả nhưng vẫn không quên ủng hộ và giúp đỡ những người khó khăn bằng sự tử tế, bởi anh quan niệm: “Chúng ta còn đi làm được là quý rồi".
Là câu chuyện của chàng kỹ thuật của TIN HN7 - chàng trai đạt giải "Cá nhân xuất sắc khối thuê bao tháng 05/2021 của HN7" - Vũ Văn Quang. Hàng ngày Quang vẫn hăng say lao động, chăm chỉ kéo cáp, bảo trì, điểm năng suất lao động luôn thuộc top TIN7.
Nụ cười của những cô gái, chàng trai FPT Telecom đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi, xoá tan cái nóng 40 - 43 độ ngoài đường, xoá tan cả những khó khăn trong thời điểm dịch bệnh. Đó là nụ cười của lòng yêu nghề, yêu công việc. 
Đó chỉ là vài trong số nhiều những con người như vậy. Đó là FTEL!
Dù đang làm việc ở vị trí nào hay bất kỳ nơi đâu, hãy nhớ rằng chúng ta còn những người đồng đội đang oằn mình trước những thử thách của "giặc dịch". Hãy cùng lạc quan và chung tay để bước qua giai đoạn cam go này. Hãy cùng hướng về các vùng dịch bởi đó là điều ý nghĩa nhất để chúng ta có thể tiếp sức họ ngay lúc này. Thêm sức mạnh để bớt âu lo, thêm lạc quan sẽ thêm phần ý nghĩa. Những đóa xương rồng FTEL rồi sẽ vững chãi, gai góc và nở hoa dù có đi qua sa mạc khô cằn hay ngày giông bão.
full-width