Những ước mơ tưởng chừng là giản dị của một số CBNV FTEL lại trở nên vô cùng xa xỉ ở thời điểm hiện tại, cho chúng ta càng thêm trân quý những giây phút được ở bên cạnh bạn bè, người thân và gia đình.
Khi bài viết này được chắp bút thì cũng là lúc Sài Gòn buồn nhất đối với những người từng sinh sống ở mảnh đất này.
19.405 ca nhiễm covid-19, những bệnh viện quá tải, những con người thất nghiệp, những dòng người nối nhau để mua thức ăn.... Dù vẫn có đâu đấy những màu sắc tích cực, nhưng chung quy lại vẫn là một màu buồn khó tả.
Và bên ngoài kia nữa, tại những địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, họ thèm và quý lắm cảm giác "Đoàn viên" khi "cách ly" là hai từ đi đâu cũng nghe thấy.
Nếu được hỏi "Mong ước lớn nhất hiện tại của bạn là gì?", tin chắc rằng hàng triệu người ngoài kia sẽ có cùng câu trả lời: "Chờ ngày hết dịch"
"Chờ ngày hết dịch con sẽ về", "chờ ngày hết dịch anh sẽ cưới em", "chờ ngày hết dịch mình sẽ lại gặp bạn"....Biết bao dự định, biết bao nỗi niềm đã thu xếp xong, chỉ còn chờ ngày hết dịch.
Tại FPT Telecom, dịch bệnh cũng khiến cho những con người nơi đây rơi vào tình cảnh tương tự. Để rồi khi có cơ hội bọc bạch, họ cũng chỉ có thể ngậm ngùi viết lên những dòng chia sẻ để nhẹ lòng hơn, để cùng mong sau dịch bệnh sẽ qua đi nhanh chóng.
Anh Trần Tấn Mỹ - Trưởng phòng giao dịch Kiên Lương - FPT Telecom Kiên Giang tâm sự: Anh có gia đình và con trai nhỏ vừa tròn 2 tuổi. Trước đây dù đi làm xa, nhưng anh vẫn đều đặn cuối tuần về thăm vợ con. Bây giờ tình hình phức tạp, tỉnh Kiên Giang áp dụng chỉ thị 15 của chính phủ, anh không thể về được nữa, một phần để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, một phần để phục vụ cho công việc. Anh xa gia đình đến nay cũng đã gần 1 tháng.
"Nhiều lúc nhớ vợ, nhớ con thì cũng chỉ có thể gọi về hỏi thăm thôi em ạ, con trai anh cứ bập bẹ tiếng gọi đầu lòng Ba, ba... Nhìn nó là em cười xĩu luôn. Anh muốn nhắn nhủ với con trai rằng: Hết dịch ba về sớm thôi!"
Hay một câu chuyện khác của chị Vũ Thị Lụa - IBB tại văn phòng giao dịch Tân Thành, chi nhánh Vũng Tàu. Quê chị Lụa ngoài Bắc, chị lấy chồng trong Nam đến nay đã 6 năm nhưng chỉ mới về thăm nhà được 2 lần.
"Tháng 9 này là giỗ của mẹ mình, cứ mong tới thời điểm đó để được về thăm gia đình và người thân thôi. Mà dịch thế này chắc không kịp về rồi, tết phải ở bên nhà chồng, có được về đâu..."
Trong gia đình có 4 anh chị em, chị người duy nhất xa nhà. Trong ký ức của chị, bố là người thương con cháu, mắt kém không thấy rõ nên chẳng đi đâu xa được bao giờ. Nhiều lần chị ngỏ lời mời bố vào chơi nhưng vì mắt bố kém nên cũng chẳng thể đi được. Đến bây giờ bố chị vẫn chưa biết nhà chị trong này như thế nào cả. Mong ước lớn nhất của chị là bố và gia đình luôn mạnh khỏe, hết dịch nhất định chị sẽ về.
Một câu chuyện khác cũng của một người con ở Sài Gòn, ba mẹ ở Long An, không xa về địa lý nhưng cũng không thể về. Đó là trường hợp của chị Lê Thị Lệ Thanh - Trung tâm chăm sóc khách hàng miền Nam.
Chị Thanh chia sẻ, thường thì trung bình tuần nào chị cũng về, lâu nhất là 3 tuần thôi. Nhưng đợt này một tháng rưỡi rồi chị chưa thể về. Đối với những người thường xuyên về thăm gia đình như chị, cảm giác một tháng rưỡi hiện tại dài như một năm rưỡi vậy. Với chị bây giờ, ngày về còn xa xôi lắm vì cả Sài Gòn và Long An đều đang có dịch nặng.
Chị Thanh mong ước dịch bệnh chóng qua đi để được về nhà mua thêm chai dầu gió cho ba mẹ vì ba mẹ cũng lớn tuổi, hay bị đau lưng. Chị sẽ mua bánh kẹo, đồ chơi cho em gái và mua bánh cho ông bà Ngoại. Chị nhớ cái gian bếp ấm áp ở nhà, nhớ mấy em mèo ở quê.....
Dù đang sinh sống tại tâm dịch Sài Gòn, nhưng tinh thần lạc quan là điều chị luôn hướng đến ở thời điểm hiện tại, chị muốn nhắn nhủ với gia đình rằng: Tụi con vẫn ổn, nếu chúng ta đồng lòng sẽ nhanh hết dịch thôi. Mong cả nhà luôn khoẻ!
Hay câu chuyện về niềm mong ước hết dịch để được gặp đồng đội "tám" cho nó "đã" của chị Võ Thị Lê - trung tâm kinh doanh SG5.
Với một người làm lâu năm tại FPT Telecom như chị Lê, đồng nghiệp chính là một trong những lý do giúp chị gắn bó đến thời điểm hiện tại. Và cũng vì làm lâu năm nên bạn bè đồng nghiệp ai cũng quý mến chị cả. Hàng ngày được lên văn phòng được làm việc, được "tám" với các đồng đội là niềm vui và động lực của chị. Chị nhớ bé thư ký Chu Thị Lệ Thu và anh em SEO, chị nhớ những buổi cơm trưa cùng nhau. Không biết từ bao giờ chị đã xem đây như một gia đình thứ 2 của chị.
"Dù thành phố Hồ Chí Minh đang trong chỉ thị 16 của chính phủ, dù chúng ta không còn gặp nhau như trước nữa, nhưng ngày nào chị cũng mơ về thời điểm anh chị em FPT Telecom ta được ngồi chung một cơ sở để chia sẻ những khó khăn và giúp đỡ nhau trong công việc. Dịch bệnh khó khăn nhưng tinh thần chiến đầu của chị em mình vẫn vững." - chị Lê chia sẻ.
Trên đây chỉ là vài trong số nhiều câu chuyện được tâm sự của người nhà Cáo trong group Phong trào FTEL. Có thể hoàn cảnh câu chuyện mỗi người sẽ khác nhau, nhưng họ đều có chung một niềm mong ước về ngày gặp lại.
Hiện tại câu hỏi "Người bạn muốn gặp đầu tiên khi hết dịch, Việt Nam bình yên trở lại?" vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm là lời chia sẻ từ các thành viên nhà Cáo.
Sớm thôi, cái "ngày hết dịch" kia rồi sẽ đến, chúng ta rồi sẽ gặp lại nhau với những nỗi niềm mà chúng ta cất giấu. Đâu đó ngoài kia, âm thanh từ chiếc loa phường vang lên những câu hát của cố nhạc sĩ Trần Lập "Ngày đó ngày đó sẽ không xa, và chúng ta là người chiến thắng..."
Đèn Biển