Chiến sĩ vận chuyển nhà F 'nối nhịp' những chuyến hàng trong đêm

Một ngày mệt nhoài như bao ngày vừa kết thúc, anh Phạm Hoàng An - cán bộ kho tổng của FPT Telecom tại TP HCM nhẹ đặt người lên chiếc ghế nghỉ trong kho hàng và mở điện thoại để kiểm tra thông tin. Bất chợt anh lặng người trước một thông báo của myFPT, bức thư biểu dương các “Chiến sĩ áo cam nhà F”.

“Cảm ơn các Chiến sĩ áo cam đã vượt lên đại dịch, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu. Giữ vững tinh thần đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo, FPT sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn!”, Tổng Giám đốc FPT - Nguyễn Văn Khoa viết. Chỉ đôi dòng vậy thôi, nhưng mấy anh em đang trực mừng rỡ mà nhìn nhau không nói nên lời.


“Trước giờ anh em nhận được lời biểu dương từ các anh, chị quản lý của đơn vị thôi là đã cảm thấy vui mừng rồi. Nên khi nhận được dòng thư biểu dương của CEO FPT thì mọi người bất ngờ và xúc động lắm. Đó thật sự là động lực rất lớn để anh em tiếp tục hoàn thành tốt công việc của mình” - anh Phạm Hoàng An tâm sự.


Bức thư biểu dương của Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa


"Người vận chuyển" nhà F 


Là tập thể cán bộ phụ trách kho tổng của nhà Viễn thông tại TP HCM, anh An cùng các anh em trong đội chịu trách nhiệm quản lý hàng từ lúc nhập hàng vào đến khi xuất hàng khỏi kho. Chính họ là đầu mối điều phối hàng đến các chi nhánh, kho Phương Nam của cả vùng 4, 5, 6 và 7 (từ Quảng Bình đến Cà Mau).


Trách nhiệm quanh năm nặng nề, làm hết giờ hành chính như những ngày bình thường cũng khiến cho cả đội mệt lả. Ấy vậy mà khi dịch Covid-19 ập đến, anh em lại thay phiên nhau trực tại kho 24/24. Chưa kể những hôm xuất - nhập hàng liên tục trong 24h (từ sáng hôm nay đến sáng hôm sau) để đảm bảo vận chuyển kịp về các tỉnh trước những quy định giãn cách gấp rút mùa dịch. 


Chung đội nhưng công việc chia ra: anh Nguyễn Quang Tuyển phụ trách kho cáp, anh Trần Sáng Thế, Lê Viết Vũ và anh Phạm Hoàng An đảm nhiệm kho hàng hóa, nguyên vật liệu (hạ tầng). Cứ như vậy, 4 chàng trai làm việc bất kể đêm ngày và những giọt mồ hôi thầm lặng…


Đặc thù công việc của những cán bộ thủ kho là phải có mặt và làm việc trực tiếp tại kho hàng, coi đó như “căn cứ sống còn” của cả một bộ máy. Vì điều đó, ngay từ khi TP HCM có chỉ thị giãn cách đầu tiên, cả 4 chiến sĩ áo cam đã ngay lập tức thực thi chính sách “3 tại chỗ” để trực chiến 24/24 tại kho tổng. 


“Anh em phải tiếp xúc với nhiều đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, thường xuyên nhận các thông tin mình là F1 của các F0 từ đơn vị vận chuyển như tài xế, bốc vác. Đôi lúc hoang mang, lo lắng, nhưng việc cần làm thì vẫn phải làm”, cán bộ nhà Viễn thông tâm sự.


Nhớ những ngày thần tốc trong 2 ngày xuất hàng đi hơn 30 chi nhánh tỉnh cho kịp tiến độ, ai cũng lắc đầu. Tuy luôn tự nhắc nhau là giữ gìn sức khỏe, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng, nhưng cả 4 anh em đều thú nhận: “Quả thật với cường độ làm việc cao, điều kiện sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo và giờ giấc không ổn định cũng ảnh hưởng sức khoẻ”.


4 "Chiến sĩ áo cam" tại kho tổng tại TP HCM của nhà Viễn thông. Từ trái qua phải: anh An, anh Tuyển, anh Vũ và anh Thế. 


Với tinh thần “kho hàng luôn phải hoạt động bằng mọi cách để đảm bảo vật tư triển khai và bảo trì cho hệ thống và khách hàng”, kho tổng tại TP HCM đã cùng lúc áp dụng một loạt biện pháp như: cắt giảm 50% nhân sự làm việc tại nhà, thực hiện 3 tại chỗ, đảm bảo nghiêm túc yêu cầu 5K và bổ sung thường xuyên thực phẩm chức năng, tăng cường sức đề kháng.


“Trong bối cảnh dịch bệnh leo thang nhanh chóng thế này, nhiều công ty, xí nghiệp hay những người thân quen đều rơi vào cảnh thất nghiệp. Được đi làm và có thu nhập ổn định đã là may mắn. Vì vậy, cả 4 anh em luôn bảo nhau nỗ lực vì công việc, đảm bảo hàng hóa công ty được lưu thông, công ty có hoạt động thì mới có công việc, có thu nhập cho mỗi nhân viên” - anh An trải lòng.


Thế nhưng, không chỉ có 4 anh em kho tổng cùng nhau trải qua những ngày gian nan ấy, mà trên mọi bước chân nỗ lực của các cán bộ kho tổng TP HCM luôn có sự đồng hành của các cấp trên trực tiếp như: anh Nguyễn Thái Hiệp - Phó ban Kế toán, chị Phạm Thị Vân - Kế toán trưởng phòng Chính sách thuế hay chị Đỗ Thị Hương - Giám đốc Tài chính FPT Telecom.


Chị Vân chia sẻ, toàn bộ cán bộ của kho tổng đã rất cố gắng để hoàn thành công việc hàng ngày, thức đêm để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. “Thực lòng, cảm ơn gia đình các bạn đã thông cảm và luôn là hậu phương vững chắc để 4 anh em yên tâm dốc sức. Các cán bộ cũng đã không ngại khó khắn, xa gia đình để một lòng hoàn thành xuất sắc công việc được giao” - Kế toán trưởng phòng Chính sách thuế tâm sự.


Những chuyến hàng trong đêm


Dù vững tâm thế, nhưng chẳng chiến sĩ nào tránh được đôi phút mỏi mệt, yếu lòng. Trong suốt thời gian qua, có những câu chuyện trong đêm, những nỗi khó nhọc chỉ 4 anh em mới thấu hiểu và san sẻ với nhau. “Mỗi lần cơ quan chức năng phong toả một khu vực lớn, chúng tôi chỉ được biết trước 2, 3 ngày. Anh em như trút hết sức, tận lực mà thực hiện, chỉ mong sao có được thêm thời gian”. 


Anh An nhớ lại đợt cuối tháng 5, khi FPT Telecom quyết định lập kho dự phòng tại Khu chế xuất Tân Thuận. Chỉ trong hơn một ngày, anh em phải vận chuyển hàng hoá lên hơn 20 chuyến xe, đảm bảo tiến độ thành lập kho dự phòng mới. 


“Ấy vậy mà chẳng kịp ráo mồ hôi thì đầu tháng 7 lại có thông tin chính thức phong tỏa khu chế xuất Tân Thuận. Mình lặng người nhìn anh em tiếp tục trắng đêm chuyển hàng. Xe cẩu, xe hàng nối đuôi nhau, vận chuyển thiết bị ra khỏi kho mới chỉ trong vòng đúng 24h” - chị Vân như nghẹn lại.


Hôm ấy, anh em làm 23 tiếng liên tục, từ đêm hôm trước đến tận 23h đêm hôm sau. Chuyến xe cuối cùng rời đi đúng 1 tiếng trước khi cổng khu chế xuất đóng lại. Đến ngày 21/8, nhận tin chỉ 2 ngày nữa là toàn bộ TP HCM “ai ở đâu ở yên đó”, 4 chàng trai lại lao vào dốc sức xuất chuyển hàng. “Cứ từ 8h sáng đến 12h đêm mới được nghỉ ngơi vài tiếng. Sáng hôm sau lại tiếp tục xuất hàng tới tận 22h. 4 anh em đều rã người nhưng cũng mừng là hàng đã kịp chuyển ra khỏi thành phố trước 0h để kịp đáp ứng cho các chi nhánh từ Quảng Bình đến Cà Mau” - anh An hồi tưởng.


Những đêm đó, không chỉ anh em làm trực tiếp mà chị Vân, anh Hiệp hay ban lãnh đạo đều như “ngồi trên đống lửa, muốn hỗ trực cũng không thể làm gì khác”. Do vậy, ngoài những chính sách cố định dành cho các nhân sự trực 24/24 trong mùa dịch, sếp Ban Tài chính cũng luôn động viên tinh thần anh em thủ kho bằng các hình thức khác nhau như: tặng Gold biểu dương, đánh giá KPI, hay chuẩn bị cho anh em bữa ăn khuya sau những giờ mệt nhọc.


Các cán bộ kho tổng của Ban Kế toán FAF - FPT Telecom trong đêm mùa dịch.


Gần hai tháng trời không về thăm gia đình, liên tục nhận tin mình trở thành F1, hay những đêm thức trắng, áo đẫm mồ hôi và cả những nỗi nhớ người thân chẳng thể nói nên lời… Tất cả khó khăn ấy là những gì các cán bộ ở kho tổng của FPT Telecom TP HCM đã và đang trải qua. 


Nếu không phải là gạt đi cái tôi nhỏ bé, hướng đến cái chung của cả tập thể, nếu không có tinh thần quyết tâm, vì trách nhiệm mà dốc sức tận hiến, thì thật khó để có những người “Chiến sĩ áo cam” tuyến đầu mạnh mẽ hôm nay.


Anh An, anh Tuyển, anh Thế, anh Vũ hay như bao chiến sĩ khác của nhà F vẫn đang vững tâm, vững lòng, nỗ lực làm tốt công việc của mình, chỉ với một tâm niệm duy nhất “FPT quyết tâm chiến thắng đại dịch”.


Nguồn: Chungta

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn