Chiến sĩ áo cam FPT căng mình ‘cứu' cáp vượt sông

Dưới tấm vải phủ thêm tàu lá chuối che nắng, 12 chiến sĩ phòng Kỹ thuật – FPT Telecom An Giang lấm lem bùn đất, ròng rã 5 ngày liền, quyết tâm khôi phục tuyến cáp huyết mạch kết nối hàng nghìn khách hàng bên kia sông.

Bằng nỗ lực và tinh thần chiến đấu không ngừng ngay cả khi dịch bệnh, tập thể phòng Kỹ thuật - FPT Telecom An Giang vừa được Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ áo cam” - tôn vinh những đóng góp, cống hiến của tập thể đối với công ty trong suốt thời gian qua.

Khó chồng thêm khó

Vừa vui mừng vì thành tích vượt trội 6 tháng đầu năm, FPT Telecom An Giang lại khẩn trương dồn toàn lực ứng phó với cơn bão Covid. Những ngày đầu tháng 7, địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng nhanh, các chỉ thị giãn cách siết chặt khiến hoạt động kinh doanh, sản xuất ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đúng lúc này, hạ tầng cáp ngầm băng qua sông Hậu, thuộc địa phận thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, bất ngờ gặp sự cố. Đây là tuyến cáp huyết mạch, kết nối hàng nghìn khách hàng bên kia sông, cũng là đường trục tín hiệu đi các tỉnh lân cận.

Tập thể phòng Kỹ thuật - FPT Telecom An Giang vừa được trao tặng danh hiệu "Chiến sĩ áo cam" vì những đóng góp, cống hiến hết mình những ngày dịch bệnh.

Canh cánh vì Covid, nay lại thêm nỗi lo hạ tầng, anh Phạm Duy Khiêm, Giám đốc chi nhánh, mắt đăm chiêu nhìn vào màn hình giám sát, suy tính. Đứng bên cạnh, anh Võ Nguyên Vũ liên tục gọi điện thoại cho các đối tác. Đây là cáp ngầm chạy qua sông, cần có đơn vị chuyên dụng với đầy đủ trang bị mới có thể lặn xuống xử lí.

Vì tính chất công việc phức tạp cũng như khó khăn trong việc di chuyển, anh Vũ nhận định sẽ phải tốn khá nhiều thời gian mới có thể xử lí dứt điểm sự cố này.

Sau một hồi bàn bạc, để đảm bảo tín hiệu không bị đứt quãng, chi nhánh thống nhất triển khai 2 phương án cùng lúc. Một là liên hệ đối tác, xin cấp phép đi đường, thủ tục liên quan để đưa toàn đội vào An Giang. Song song đó, khẩn trương lắp đặt đường dây tạm thời, băng sông theo đường dây điện, ứng cứu sự cố trong khi chờ xử lí.

Bên cạnh đó, chi nhánh An Giang còn cắt cử một đội trực chiến ngay tại khu vực, do anh Vũ trực tiếp điều phối để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng. Chỉ cần khách hàng báo sự cố là lập tức có mặt. “Chúng tôi xác định đường dây tạm thời có thể sẽ gặp lỗi phát sinh nên đưa anh em về sẵn địa bàn, Tổng đài báo ca vụ là bật khoá xe đi ngay. Thậm chí có những ca chưa đầy 1 phút nhân viên đã có mặt, đến khách hàng cũng phải bất ngờ”, anh Vũ nói.

Ở phòng điều hành, không khí căng như dây đàn. Mọi ánh mắt đổ dồn lên màn hình, nơi hiển thị tình trạng kết nối của các thuê bao trong khu vực. Giám đốc chi nhánh Phạm Duy Khiêm cẩn thận yêu cầu kiểm tra từng khách hàng một. anh không quên nhắc đi nhắc lại mọi người theo dõi sát sao. “Kịch bản xấu nhất là mất tín hiệu cùng lúc thì hậu quả rất nặng nề. Do đó không ai dám lơ là, dù chỉ một chi tiết nhỏ”, anh quả quyết.

Lán trại dã chiến bên bờ sông

Suốt gần 1 tháng, toàn bộ nhân sự được yêu cầu luôn trong trạng thái sẵn sàng. 3 lần liên tiếp, đối tác buộc phải quay về vì không thể di chuyển qua các chốt kiểm soát dịch. Đến lần thứ 4, sau khi có quy định, hướng dẫn cụ thể từ chính quyền tỉnh, máy móc, thiết bị, nhân lực mới đến được vị trí xảy ra sự cố.

Ứng cứu hạ tầng đã lắm vất vả, con đường sửa cáp còn gian nan hơn. Tổng cộng 12 nhân sự được điều động trực tiếp tham gia. Chia thành 2 tổ, ở bên bờ sông và tổ trên thuyền để phối hợp xử lí sự cố.

Anh em kỹ thuật chi nhánh An Giang lắm lem trong bùn đất để khắc phục sự cố. Ảnh: ĐVCC

Chiếc thuyền chở cả đội ra giữa sông, mang theo nào dây cáp, máy kéo, thiết bị lặn… để phối hợp đối tác xử lí. Càng về trưa, nắng càng gắt. Mồ hôi đầm đìa ướt cả lưng áo, anh Lê Ngọc Sĩ, nhân viên Kỹ thuật, với tay lấy tấm vải che lên đầu, nhưng cái nóng vẫn rát cả da. Cứ thế, 2 chiếc thuyền ép sát vào nhau, lần mò từng đoạn cáp tận dưới đáy sông để “vá lỗi”.

Trên bờ, mấy anh em Kỹ thuật cũng bì bõm lội bùn, hàn nối từng đoạn cáp. Chiếc áo cam của anh Hàng Ngọc Nhân lúc sáng còn mới tinh, nay đã lấm lem bùn đất. Để tránh nắng, mọi người nghĩ ra cách dùng 4 cây cọc gỗ, buộc tấm áo mưa rồi phủ thêm lá chuối làm chỗ che chắn. Tiếng máy khoan, máy hàn vang lên xé tai. Cơm trưa cũng được vận chuyển ra giữa sông cho cả đội ăn ngay trên thuyền rồi bắt tay làm việc tiếp.

"Từng múi hàn, từng điểm nối đều được tính toán rất kỹ. Anh em cũng hiểu được tầm quan trọng của nhiệm vụ này nên không một ai lơ là, tỉ mỉ làm từng chút một", anh Nhân nói. 

Ròng rã suốt 5 ngày liền, 12 anh em chia nhau “kẻ thức, người ngủ”, người trên bờ, kẻ dưới sông, cứ như vậy làm việc không nghỉ. Ban đầu, dự kiến có thể mất tới 7 ngày cho chiến dịch. Nhưng đến buổi chiều ngày thứ 5, điểm nối cuối cùng của toàn bộ tuyến cáp ngầm đã được xử lí triệt để.

Trên bờ, Trưởng phòng Kỹ thuật Võ Nguyên Vũ mừng ra mặt, nói to để anh em cùng nghe: “Được rồi! Được rồi. Có tín hiệu rồi”. Phía sau, mấy anh em mặc kệ bộ dạng lấm lem mà ngồi bệt xuống đất, chia nhau chai nước uống ực. Vừa uống vừa cười, khuôn mặt ai cũng cháy đỏ lên vì nắng.

Để tìm phương án ứng phó với đại dịch, chi nhánh đã chuyển đổi mô hình sang hoạt động “thời chiến”. Giám đốc chi nhánh Phạm Duy Khiêm quán triệt, để đẩy mạnh bán hàng thì phải cần tinh thần đoàn kết của cả 3 khối: kinh doanh, kỹ thuật và dịch vụ khách hàng.

Trong thời điểm khối kinh doanh không thể ra đường vì quy định giãn cách, những nhân viên kỹ thuật ngoài nhiệm vụ đảm bảo đường truyền, vận hành, thi công lắp đặt... còn kiêm luôn tư vấn, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Vì vậy, rất nhiều hợp đồng trong mùa dịch được chính các nhân viên kỹ thuật kết nối. Doanh số bán hàng được cải thiện rõ rệt.

Nhờ việc cả công ty cùng làm và ban lãnh đạo theo sát, chi nhánh An Giang đã tạo sức bật ấn tượng. Thống kê kết quả 7 tháng đầu năm, chi nhánh đạt 11/11 chỉ tiêu, tất cả chỉ tiêu đều vượt kế hoạch, tăng 130% so với cùng kỳ. Trong đó các chỉ số quan trọng như phát triển thuê bao internet, truyền hình tăng mạnh. Tỷ lệ rời mạng giảm rõ rệt. Chi nhánh An Giang cũng dẫn đầu FPT Telecom Vùng 7 về đà tăng trưởng, là một trong những chi nhánh có tốc độ tăng trưởng nhanh trên toàn quốc.

Nguồn: Chungta


Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn