Trường Nội trú FPT: 'Bảo trợ yêu thương' 1.000 trẻ em mất cha, mẹ do Covid

Dự án xây Trường Nội trú FPT cho 1.000 trẻ em mất cha, mẹ do Covid đón nhận nhiều hình thức hỗ trợ từ tấm lòng người F.

Cuộc phỏng vấn với chị Trần Thị Thu Hà - chủ tịch công đoàn FPT về dự án "Trường nội trú FPT".

- Thưa chị, việc xây trường nội trú bảo trợ cho 1.000 trẻ em mất cha, mẹ do Covid là hành động đáng tự hào của người F. Mong chị chia sẻ cụ thể về mô hình của ngôi trường này?

- Chị Trần Thị Thu Hà: Trường Nội trú FPT ra đời từ ý tưởng của Chủ tịch Trương Gia Bình trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến nhiều em học sinh không may mất đi cha, mẹ. Với tôn chỉ giáo dục theo “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng”, Trường Nội trú FPT sẽ là nơi chăm sóc, yêu thương và hỗ trợ các em từng bước trưởng thành, nuôi dưỡng ước mơ, đam mê để trở thành những công dân có ích, đóng góp thiết thực cho đất nước, đảm bảo các em có cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần. Quỹ Hy vọng là đơn vị được uỷ thác triển khai chương trình, cam kết tài chính đến từ những người FPT.

Hiện tại, FPT chỉ có hình thức nội trú cho khối THPT và ĐH FPT. Do vậy, mô hình nội trú này sẽ khác và đặc biệt hơn. Chương trình đón nhận nội trú cho học sinh từ cấp 1 đến hết cấp 3, trước mắt đặt tại FPT City Đà Nẵng, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, sau này sẽ có các cơ sở ở những địa phương khác. Với đối tượng nhỏ như vậy nên chúng ta cần có bộ máy chăm sóc đảm bảo sức khoẻ, an toàn và sự phát triển đủ đầy, đúng lứa tuổi.

Ban tổ chức cũng đang tuyển đội ngũ bảo mẫu để đảm bảo công tác chăm sóc các em, thay cho ông/bà/bố/mẹ và gia đình, giúp các em nhanh chóng ổn định tâm lý, cuộc sống, đảm bảo sức khoẻ, an toàn và sự phát triển đủ đầy.

Phối cảnh một phân khu trong dự án Khu đô thị FPT Smart City (Đà Nẵng), nơi tập đoàn FPT dự kiến xây dựng trường nội trú cho các em nhỏ mất cha mẹ vì đại dịch Covid-19. Ảnh: FPT.

Đặc biệt, Trường Nội trú sẽ được xây dựng theo mô hình “Thiếu sinh quân”, được thể hiện trong các chương trình học tập, sinh hoạt, đào tạo huấn luyện. Bên cạnh các chương trình học chính khoá, các em sẽ tham gia chương trình ngoại khóa nâng cao STEAM (viết tắt của: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học), thuyết trình, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…); Dự các buổi nói chuyện với các học giả, chuyên gia nổi tiếng trong nước và thế giới trong nhiều lĩnh vực. Song song, các em được giáo dục để có trái tim nhân hậu, được tham gia các hoạt động thiện nguyện của FPT, Quỹ Hy vọng và các đơn vị thiện nguyện khác để cùng lan toả yêu thương.

Trường sẽ đào tạo và kèm cặp các em theo mô hình “Người bạn lớn”, được truyền cảm hứng và đào tạo, hướng dẫn trong môi trường cởi mở và tin cậy từ những người nhiều kinh nghiệm sống trong xã hội; Đồng thời các em được rèn luyện kỷ luật và kỹ năng sinh tồn cơ bản ngay khi vào trường.

Giúp các em hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa, tham gia nhiều khoá học/chương trình ý nghĩa… và cùng các em giữ mối liên hệ với gia đình, chúng tôi tin tưởng rằng, điều này sẽ góp phần xóa nhòa đi những tổn thương mất mát của các em.

- Với số lượng 1.000 em, Trường sẽ tiếp nhận những đối tượng (cụ thể như về độ tuổi, mức độ hoàn cảnh…) như thế nào thưa chị?

- Chị Trần Thị Thu Hà: Trường Nội trú sẽ đón nhận học sinh mất cha mẹ do Covid-19, từ 6 tuổi - 18 tuổi trên toàn quốc. Nhà trường không áp dụng yêu cầu về học lực để làm cơ sở tiếp nhận, thay vào đó là sẽ đón những em có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng tham gia chương trình. Sau 18 tuổi, nếu các em có nguyện vọng học đại học, thạc sỹ tại FPT sẽ được hỗ trợ học bổng. Trường hợp sau 18 tuổi có nhu cầu đi làm sẽ được tạo cơ hội việc làm trong nội bộ hoặc cả bên ngoài để các em biết cách nuôi sống bản thân mình và vươn lên.

Hiện tại chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị, đảm bảo đủ đầy nhất để sẵn sàng đón những học sinh đầu tiên.

- Công tác tìm hiểu các hoàn cảnh để bảo trợ diễn ra như thế nào và hiện đã thực hiện đến đâu thưa chị?

- Chị Trần Thị Thu Hà: May mắn Ban tổ chức đang nhận được sự đồng hành, trợ giúp của một số tổ chức đoàn thể trong việc tìm các em mất cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn và mong muốn được học tại Trường Nội trú FPT. Các đơn vị này sẽ tiếp tục đồng hành cùng trường trong việc chăm sóc, sinh hoạt ngoại khoá, giúp các em vượt qua nỗi đau mất mát, sống hoà đồng và vui vẻ.


Hiện trường đã sẵn sàng tiếp nhận và sắp xếp các em vào các khối lớp phù hợp; Ban triển khai đang nhanh chóng tuyển đội ngũ bảo mẫu; xây dựng khung chương trình ngoại khóa phù hợp…

Đây là dự án công tác xã hội lớn của người FPT, chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện bộ máy. Do vậy, Ban tổ chức cũng luôn chào đón CBNV nhà F cùng tham gia dự án này để lan tỏa yêu thương.

- Có nhiều ý kiến cho rằng trường nội trú không hẳn là giải pháp tốt nhất và đúng nhất cho trẻ bị tổn thương, chị nghĩ sao về điều này?

- Chị Trần Thị Thu Hà: Về mặt lý thuyết hẳn là sẽ có quan điểm như vậy nhưng trường FPT sẽ giải bài toán đó. Trường sẽ là nơi mang đến tình thương, sự đùm bọc, quan tâm như là nhà, như bố, mẹ, ông bà, người thân của các em. Đặc biệt, các em vẫn thường xuyên được liên hệ, gặp mặt người thân vào những dịp/lễ…

Sắp tới, FPT cũng triển khai nhiều chương trình gắn kết yêu thương giữa người F và các em. Qua những hoạt động này, chúng tôi tin tưởng sẽ mang đến tình cảm gia đình, góp phần chữa lành vết thương tâm lý ở các em.

- Sau lời kêu gọi của anh Bình, rất nhiều người FPT hưởng ứng bảo trợ yêu thương. Thưa chị, người F có thể có những hình thức nào để trao yêu thương cho các em nhỏ?

- Chị Trần Thị Thu Hà: Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, với hơn 40.000 nhân viên nhà F, sẽ có rất nhiều nghĩa cử đẹp gửi đến các em Trường Nội trú FPT. Vừa qua các Chủ tịch Công đoàn, Hiệp hội cha mẹ cùng thủ lĩnh phong trào FPT đã bàn thảo về các hình thức hỗ trợ. Trước mắt, rất nhiều hình thức bảo trợ từ bảo trợ toàn phần đến từng phần đã được đưa ra để người F có thể nhanh chóng trao yêu thương, như:

+ Nhận bảo trợ toàn phần cho 1 hoặc nhiều hơn 1 em với thời gian tối thiểu: 1 năm.

+ Nhận 1 hoặc nhiều hơn 1 em tham gia sinh hoạt cùng mình hoặc gia đình mình vào các dịp lễ Tết, cuối tuần, hoặc các dịp đặc biệt.

+ Nhận tổ chức các chương trình, các lớp học online/offline theo các lĩnh vực (lập lớp, giảng dạy).

+ Nhận tổ chức các event theo từng nhóm nhỏ (dã ngoại, thi, trò chơi, các hình thức sinh hoạt tập thể).

+ Thăm hỏi, tặng quà (hiện vật hoặc tiền để mua quà tặng) cho các em khi mới nhập trường và vào các dịp lễ Tết, các dịp đặc biệt theo chương trình của Hiệp hội Cha mẹ khởi xướng, hoặc khi cá nhân có điều kiện thích hợp.

Đối với CBNV ở xa hoặc không có điều kiện trực tiếp chăm sóc nhưng muốn hỗ trợ các em về tài chính, tôi cho rằng cũng có rất nhiều cách để hỗ trợ. Mọi người có thể hỗ trợ học bổng hoặc chi phí cho các em tham gia các khóa học bên ngoài theo năng khiếu và sở thích của các em, hoặc đóng góp tài chính cho các nhóm thiện nguyện nội bộ để biến thành những món quà vật chất (quần áo, sách vở…) hay tài trợ để tổ chức các chương trình ngoại khoá. Bên cạnh đó, nhân viên ở xa có thể kêu gọi nhóm bạn/nhóm nhân viên/tổ chức cùng tham gia…

Nguồn: Chungta
Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn