Ai có trách nhiệm giữ gìn truyền thống?

Người Nhật luôn học được những thứ hay ho nhất của thế giới. Thời cổ đại, họ học từ Trung Hoa. Thời cận đại, họ học từ phương Tây.


Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là, dù học từ bên ngoài nhiều như vậy, nhưng lúc nào họ cũng giữ được nguyên vẹn cá tính Nhật Bản. Ngày nay, rất ít dân tộc trên thế giới giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của mình, trước sự tàn phá của quá trình toàn cầu hóa và internet, như người Nhật. 


Tôi hỏi một bác người Nhật, cũng đã lớn tuổi.

- Thanh niên Nhật có thích xem kịch Nô không?

- Không - Bác ấy trả lời.

- Họ có thích mặc kimono không?

- Không.

- Họ có thích thưởng thức geisha không?

- Không.

- Thế họ có thích thưởng thức trà đạo, hương đạo... không?

- Không. Họ là Tuổi trẻ và Tuổi trẻ bao giờ cũng chỉ thích cái mới - Bác người Nhật khảng định.

- Vậy nước Nhật làm sao bảo tồn được văn hóa truyền thống, nếu Tuổi trẻ, là tương lai của nước Nhật, không thích văn hoá truyền thống?

- Đơn giản thôi, khi về già họ sẽ thích. Nhiệm vụ giữ gìn văn hoá bây giờ là của chúng tôi, những người lớn tuổi.



Hóa ra là thế!


Ở Việt Nam, chúng ta cứ lo lắng, tuổi trẻ bây giờ không thích chèo, không thích cải lương, không thích ca trù, không thích mặc áo tứ thân hay áo dài khăn đống... Tuổi trẻ ở đâu cũng thế. Tuổi trẻ dĩ nhiên, chỉ thích cái mới.


Cái đáng lo, không phải là Tuổi trẻ quay lưng với truyền thống, mà là những người già cũng không còn muốn giữ truyền thống.


Giữ gìn truyền thống là trách nhiệm của những người lớn tuổi. Thế hệ phải chứng kiến những truyền thống của tổ tiên lần lượt biến mất không có lỗi. Lỗi thuộc về thế hệ trước đó.


Thế hệ trước phải có trách nhiệm gìn giữ nề nếp tổ tiên cho đến khi thế hệ sau đủ chín, để có thể hiểu được giá trị của truyền thống; khi đó họ mới đi theo truyền thống và tiếp tục gìn giữ nó cho các thế hệ sau.


Hoàng Minh Châu

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn