Bếp ăn 0 đồng - Sáng kiến sẻ chia yêu thương mùa dịch

Nhằm hỗ trợ đồng nghiệp trong vùng có hoàn cảnh khó khăn, sống xa quê, thuộc khu cách ly, phong tỏa có những bữa ăn đủ đầy, nhóm tác giả FPT Telecom Vùng 5 (khu vực Sài Gòn) đã đưa ra sáng kiến “Bếp yêu thương” nhận được đánh giá cao từ Ban giám khảo iKhiến số 7.


Bếp ăn "0 đồng"


Xuất phát từ thực tế hàng trăm CBNV FPT Telecom Vùng 5 gặp khó khăn trong đợt giãn cách kéo dài tại TP HCM, nhóm tác giả gồm: anh Lâm Khánh Phương - GĐ FPT Telecom Sài Gòn 4 cùng 2 nhân viên kinh doanh của đơn vị là chị Phạm Thùy Dương và chị Phan Thị Mỹ Chiền cùng lên ý tưởng thực hiện dự án “Bếp yêu thương”. Với mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau", chương trình hướng đến  CBNV thuê trọ, sống xa gia đình, là F0, F1 trong khu cách ly, phong tỏa với các phần ăn do chính tay các đồng nghiệp thực hiện.


Nhân viên Kỹ thuật Sài Gòn 4 nhận nấu 10 suất ăn gửi đến đồng nghiệp khó khăn do dịch. 


Thông qua hình thức họp bàn online, sau 3 ngày, cả đội bắt tay xây dựng kế hoạch cụ thể, biến ý tưởng thành hành động. Theo đó, quy mô hoạt động của dự án chủ yếu ở vùng kinh doanh 5 (các Trung tâm kinh doanh FPT Telecom tại TP HCM). Dự án gồm có 4 bên liên quan: Ban tổ chức - điều phối; Các chủ bếp - nấu nướng; Người vận chuyển - trách nhiệm như shipper; Người đăng ký nhận phần ăn - CBNV thuộc đối tượng hỗ trợ.


Bước đầu, BTC cho CBNV đăng ký làm chủ bếp và nhận khẩu phần ăn. Từ danh sách này, BTC điều phối số lượng suất ăn và người đứng bếp để các nhân viên khác đăng ký làm người vận chuyển. Do tình hình giãn cách phức tạp, phủ rộng, các chủ bếp và người vận chuyển đảm bảo yêu cầu không phải F1, F2, đã tiêm ngừa 1 hoặc 2 mũi vaccine. Bên cạnh đó, người chuyển đồ ăn không bị hạn chế di chuyển trong quận/huyện. Đại diện nhóm dự án, anh Lâm Khánh Phương - GĐ FPT Telecom Sài Gòn 4 - chia sẻ, may mắn cho đội là các nhân viên kinh doanh và nhân viên kỹ thuật trong vùng vẫn được cấp giấy di chuyển an toàn nên dễ dàng đưa đồ ăn tới các địa điểm đăng ký. Tuy nhiên cả chủ bếp, shipper và người nhận vẫn luôn đảm bảo thuộc cùng 1 quận/khu vực.


Nhân viên kỹ thuật tình nguyện vận chuyển đồ ăn tại quận 7, TP HCM.


Hoàn thành các bước đăng ký và điều phối suất ăn, các bếp ăn miễn phí chính thức nổi lửa vào sáng thứ 7. Đồ ăn được các đầu bếp không chuyên chủ động lên thực đơn, theo chủ trương “có gì ăn nấy nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, ấm bụng”, anh Phương nói.


Sau 3 lần tổ chức vào ngày 7, 14 và 21/8, chương trình thu hút 61 lượt đăng ký làm chủ bếp, 63 lượt đăng ký vận chuyển và 365 phần ăn đã được trao đi. "Bếp yêu thương" đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đợt giãn cách vì dịch kéo dài tại TP HCM.


Căn bếp lan tỏa yêu thương


Khi thành lập dự án, anh Phương cùng nhóm lo ngại, băn khoăn về vấn đề kinh phí cũng như di chuyển an toàn cho nhân viên. “Rất may mắn, chỉ với kinh phí 0 đồng, chương trình đã nhận được hơn 60 lượt đăng ký chủ bếp và 63 người làm shipper”. Các chủ bếp tham gia đều rất nhiệt tình làm nên những món ăn hấp dẫn gửi đến tay đồng nghiệp, mặc cho những khó khăn trong chuẩn bị nguyên liệu, do các cửa hàng, siêu thị tại thành phố luôn trong tình trạng quá tải, phải xếp hàng nhiều giờ.


Một bếp yêu thương chuẩn bị món ăn gửi đến đồng nghiệp.


“Ở trong tâm dịch nhưng tình người luôn bao la”, đó là tâm trạng của anh Tạ Tuấn Cường - nhân viên kỹ thuật chi nhánh Sài Gòn 14 sau khi nhận suất ăn yêu thương. Anh Cường là F0 điều trị tại nhà và còn chăm lo cho người mẹ bị tai biến. “Suất cơm miễn phí có đầy đủ thịt, trứng và rau”, anh xúc động cho hay. Bên cạnh những suất cơm từ Bếp yêu thương, Cường còn nhận được nhiều hỗ trợ khác từ công ty cho CBNV là F0. Có rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt mà Bếp yêu thương đã đồng hành, đa số đều là CBNV tự cách ly tại nhà, gặp nhiều khó khăn. 


Càng làm càng cảm nhận được tình người trong Covid, anh Phương nhớ lại, trong 1 lần đặt mua 100 hộp đựng cơm, người bán hàng khi được nghe nói về “Bếp yêu thương” đã không ngần ngại tặng luôn 100% hộp cho chương trình. Đó cũng là động lực khiến anh Phương cùng đội mong muốn tiếp tục mở rộng dự án. Ngay sau đó, một số chi nhánh trên địa bàn cũng xin học tập format tổ chức để cùng lan toả hơi ấm từ căn bếp trong đại dịch.


Tin nhắn từ CBNV nhận suất ăn yêu thương.


Thành công trong 3 lần tổ chức, dự án là chương trình thiện nguyện nấu ăn đầu tiên tại FPT Telecom nói riêng và FPT nói chung. Tham gia tranh tài iKhiến số 7, Hội đồng giám khảo đồng tình đây là ý tưởng rất thú vị, một chương trình xúc động trong bối cảnh dịch bệnh gây nhiều khó khăn. "Hay quá, ý nghĩa quá!", chị Nguyễn Thị Thanh Hương (GĐ Trung tâm Kinh doanh FPT Online) bày tỏ.


Anh Phan Trường Lâm, Trưởng ban Đào tạo Đại học FPT Hà Nội tâm sự cũng từng ở hoàn cảnh cách ly với nhiều vấn đề khó khăn trong chuyện ăn uống nhưng "không nghĩ ra được chương trình tương tự". Giám khảo Đào Duy Cường (GĐ Chuyển đổi số và Công nghệ FPT Software) cho rằng chương trình này hoàn toàn có thể được mở rộng thực hiện ở nhiều đơn vị khác.


Theo anh Lâm Khánh Phương, sắp tới chương trình sẽ hướng tới tính cá nhân và đặt ra độ thách thức cao hơn cho các "bếp" - nấu món ăn theo yêu cầu người nhận thay vì theo sở trường của người nấu. Dự kiến Bếp yêu thương số 4 sẽ diễn ra vào ngày 2/10, BTC dự định làm những món ăn "chuẩn cơm mẹ nấu", giúp các đồng nghiệp phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê.


Nguồn: Chungta

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn