Nắng cao nguyên gắt như đổ lửa. Gió hắt nóng vào người. Và bụi cuốn mờ không gian. Những cánh rừng trập trùng. Ai cũng cố căng mắt lên tìm kiếm một bóng cây. Không phải một bóng cây để hóng mát giữa trưa cao nguyên. Không phải một bóng cây để mang lại giá trị bạc tỷ.
Gã nhân viên khách sạn chỉ cho cả đoàn thứ cây đó. Mọi việc có vẻ như xuôi chèo, mát mái. Hóa ra không phải. Cái cây gã chỉ đích thị là cây hoa sữa ngoài Bắc. Hành trình kiếm tìm chưa thể kết thúc.
Gần đến Buôn Ma Thuột, lại thấy một cây cao hoành tráng. Có vẻ đúng là thứ cây đang kiếm tìm. Nhưng dáng vẻ thon thả của nó lại khiến người ta nghi ngờ. Hóa ra là cây bông gòn mà ngoài Bắc vẫn gọi là cây gạo. Cuộc tìm kiếm ngỡ trở nên vô vọng. Chẳng ai mất công, mất buổi đi tìm kiếm một cái cây như thế, lại không phải thứ trầm hương hay trò chỉ đắt tiền. Mệt mỏi! Nhưng cả đoàn lại quyết tâm.
Hỏi, rồi lại đi, cuộc hành trình ngỡ tưởng khó có điểm kết thúc. Đúng lúc đó, cái cây hiện ra như một phép lạ, như một dòng suối mát khi người ta đang đi giữa sa mạc. Cái cây đứng đơn độc, trong một nghĩa địa bị bỏ hoang ở cuối đường Phan Bội Châu của thành phố Buôn Mê Thuột. Một thân cây vạm vỡ, bóng cây hoành tráng, rễ lồi sang một bên với những quả xanh như quả táo. Cả Buôn Mê Thuột chỉ còn đúng ba cây. Nhưng một cây đã bị sét đánh chết, một cây còn nhỏ. Công sức ngóng tìm, cất công, mất buổi đã được đền đáp.
Lời bàn:
Những người xung quanh không hiểu đoàn người đang lặng lẽ chụp ảnh cái cây cô độc trong góc nghĩa trang. Càng không biết rằng mấy người đó đã từ miền Bắc cất công vào tận đây để tìm được cái cây, chụp ảnh rồi đi. Cái cây đó chính là cây Kơnia trong bài hát “Bóng cây Kơnia”, thơ Ngọc Anh, nhạc Huỳnh Phúc Điểu. Có người sẽ phì cười và cho là dở hơi khi nghe chuyện, cũng đoàn người đó cất công vào tận Côn Đảo để tìm ra nguồn gốc của câu hát: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Nhưng với họ, đằng sau nó là cả một lịch sử, một giá trị truyền thống. Một cây Kơnia đã đi vào truyền thuyết của vùng đất anh hùng Tây Nguyên. Một câu chuyện cảm động về Bà phi Lê Thị Răm đã bất chấp cả sinh mệnh để can ngăn vua Gia Long không phạm phải sai lầm. Chỉ bởi lẽ họ có một mong muốn có thể biết được đâu là giá trị đích thực, có thể hiểu rõ, hiểu sâu dù chỉ là một câu hát. Đây có lẽ cũng là một cách riêng trong việc giáo dục giá trị truyền thống, một cách “về nguồn” riêng có ở FPT. Và hơn thế, đó là một cách, một tư duy luận sâu, kỹ, tìm tận gốc các vấn đề của người FPT.
Sách Đồng đội FPT