Năng suất lao động

Năng suất lao động là vấn đề rất quan trọng, nhưng ở Việt Nam, nó lại là thứ ít được quan tâm nhất.


Nếu như đội tuyển bóng đá Việt Nam thua Singapore 0:3, thì chúng ta sẽ cảm thấy lòng tự hào dân tộc bị tổn thương. Nhưng khi năng suất lao động của Singapore gấp 30 lần Việt Nam, thì chẳng có ai thấy bị mất mặt. Năng suất thì có gì quan trọng!


Người dân không quan tâm, còn các doanh nghiệp thì sao?


Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam cũng chẳng để ý tới năng suất lao động, dù đây là biện pháp hữu hiệu nhất, giúp họ giảm giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.


Công ty nào cũng có kế hoạch tiếp thị, kế hoạch mua hàng, kế hoạch bán hàng, kế hoạch đầu tư trang thiết bị, kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất,… Nhưng tôi chưa thấy công ty nào, ở Việt Nam, có kế hoạch nâng cao năng suất lao động!


Còn nhà nước thì sao? 


Chắc hẳn, nhà nước cũng biết rất rõ, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức rất thấp, nhưng không cho đó là vấn đề cấp bách. Vì thế, mặc dù, định kỳ Tổng cục thống kê đều đưa ra một báo cáo về năng suất lao động của Việt Nam trong tương quan với khu vực và thế giới, nhưng nhà nước hầu như không có hành động gì sau những báo cáo đó.


Thực ra, năng suất lao động là vấn đề mà mỗi quốc gia phải đặc biệt quan tâm. Nó chính là yếu tố then chốt nhất, trong bộ tiêu chí đánh giá, năng lực cạnh tranh quốc gia.


Năng suất là nhân tố quyết định mức sống trong dài hạn của quốc gia, là yếu tố quyết định mức thu nhập bình quân đầu người của mỗi nước.


Năng suất của nguồn nhân lực, quyết định hiệu quả lao động, phản ánh qua tiền lương; còn năng suất sử dụng vốn, quyết định lợi tức mà mỗi đồng vốn có thể mang lại cho người đầu tư.


Tình trạng hiện nay rất không khả quan…


“Năng suất lao động của Việt Nam đang tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia và 10 năm so với Thái Lan”.


Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo đánh giá thường niên nền kinh tế Việt Nam, ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19, hướng tới phục hồi và phát triển do Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng 31.3, tại Hà Nội.


Có thời, Việt Nam chúng ta luôn nhấn mạnh đến lợi thế giá nhân công rẻ. Đây là một sự ngộ nhận. Việc xem xét giá nhân công chỉ có ý nghĩa, nếu đặt nó trong mối tương quan với năng suất lao động. Nếu một kỹ sư Ấn Độ lương cao gấp rưỡi kỹ sư Việt Nam, nhưng năng suất lao động cao gấp đôi, thì thực chất giá nhân công của Ấn Độ rẻ hơn.


Theo nguồn PeterDrucker, “Năng suất cao đã làm cho giá thành một đơn vị sản phẩm sản xuất tại Hoa Kỳ thấp hơn cả Malaisia hay Philippin, cho dù giá nhân công ở Mỹ rất cao.


Anh Hoàng Minh Châu - Cố vấn Cấp cao tập đoàn FPT. Ảnh: tư liệu từ FiL - FUN is Life


Năng suất lao động ảnh hưởng trực tiếp đến mọi cá nhân, tổ chức. Một cá nhân có năng suất lao động thấp, thì lương sẽ thấp. Một công ty có năng suất lao động thấp, thì giá thành sản phẩm sẽ cao, không có khả năng cạnh tranh.


Cần làm gì để nâng cao năng suất cá nhân?


Cần làm gì để nâng cao năng suất của một tổ chức?


Cần làm gì để nâng cao năng suất của một quốc gia? 


Đó là những câu hỏi quan trọng mà chúng ta phải nghiêm túc tìm câu trả lời. Tôi xin quay lại những câu hỏi này trong những bài viết khác.


Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin liệt kê nhanh những việc, mà một doanh nghiệp có thể bắt đầu như sau:


- Thành lập phòng Năng suất Lao động, giao cho nó quản lý mọi việc liên quan đến năng suất sau này.


- Đưa chỉ tiêu nâng cao năng suất lao động vào kế hoạch hàng năm, có kiểm tra và đánh giá nghiêm túc như các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận.


- Thực hiện lương khoán với những công việc có thể định lượng.


- Đơn giản quy trình, cắt bỏ quy trình thừa, gây lãng phí thời gian.


- Thay thế công nghệ lạc hậu lỗi thời bằng công nghệ tiên tiến hơn.


- Xây dựng tác phong chuyên nghiệp trong công việc.


- Thiết lập sự đồng bộ trong hoạt động doanh nghiệp.


- Tổ chức thi tay nghề.


- Lập Quỹ thưởng về Năng suất, hàng năm trao giải thưởng cho những sáng kiến nâng cao năng suất và những cá nhân, tập thể có năng suất cao.


- Nâng cao năng suất của lãnh đạo. Cần chú ý, năng suất của lãnh đạo ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất của tổ chức. Những kiến nghị chậm xem xét, những quyết định ban hành không kịp thời… có thể gây ra nhiều hệ lụy to lớn.


Năng suất lao động quyết định sức mạnh của mọi tổ chức, mọi thể chế.


Ngày xưa, Lê Nin đã từng nói, tính ưu việt của Chủ nghĩa Xã hội phải thể hiện ở năng suất lao động. Trong thời gian dài, chúng ta đã quá nhấn mạnh tính ưu việt của hệ thống chính trị, mà quên mất phải nâng cao năng suất lao động.


Việt Nam đang đi sau nhiều nước phát triển. Muốn một ngày nào đó đuổi kịp họ, thì không chỉ có hô hào là được, mà điều kiện tối thiểu phải là, năng suất lao động không được thua kém họ. Nếu năng suất kém hơn, khoảng cách tụt hậu sẽ ngày càng lớn hơn.


Theo suy nghĩ nông cạn của tôi, nâng cao năng suất lao động là cách tốt nhất để nâng cao uy tín của hệ thống chính trị.


Hoàng Minh Châu

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn