Ngày 3/12, nhân ngày quốc tế người khuyết tật, 50 tác phẩm hội họa của trẻ em yếu thế đã được trưng bày trong triển lãm có tên "Biết ơn" tại Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
“Biết ơn” là hoạt động tiếp nối cuộc thi vẽ tranh "Vì Một Việt Nam Tất Thắng", do chương trình Ông Mặt trời, quỹ Hy vọng và UNICEF tại Việt Nam đồng tổ chức. Từ 8h - 17h30 ngày 3/12, triển lãm trưng bày 50 bức tranh được các bệnh nhi ung thư, trẻ em khuyết tật và trẻ em yếu thế được sáng tác trong những ngày giãn cách xã hội. Các tác phẩm phản ánh góc nhìn trong sáng, chân thực về cuộc sống xung quanh, đồng thời thể hiện mong muốn, hy vọng về một tương lai tươi sáng, chiến thắng dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang (giữa), bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam (áo xanh), bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam, thành viên Ban cố vấn của Quỹ Hy vọng (áo đỏ) cùng trao đổi về những bức tranh mà các em đã vẽ.
Đến tham quan triển lãm có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam, thành viên Ban cố vấn của Quỹ Hy vọng và bà Deborah Paul - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam, bà Ritu Tariyal - đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Đức, Italy, Australia…
Đại diện Ban cố vấn chương trình “Vì một Việt Nam tất thắng”, bà Thảo Griffiths chia sẻ về chủ đề của triển lãm: “Sự kiện không chỉ là lời biết ơn của các em với lực lượng tuyến đầu chống dịch, mà chúng ta cũng biết ơn các em. Dù còn vất vả khó khăn nhưng các em đã lan tỏa được tinh thần lạc quan và niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Trước đó, tại Gala trao giải “Vì một Việt Nam tất thắng”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu: “Các em giúp người khác thể hiện được tinh thần và phẩm chất vốn có; các em đang giúp cho đời chứ không phải đời đang giúp các em”.
Đồng tổ chức triển lãm “Biết ơn”, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho biết rất tâm đắc với ý tưởng của chương trình khi tôn vinh vai trò quan trọng của trẻ em, đặc biệt là trẻ em yếu thế, cũng như chia sẻ và giúp các em được bày tỏ những câu chuyện và cảm xúc của mình.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang ấn tượng với tinh thần lạc quan mà các em gửi gắm trong từng bức tranh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết rất ấn tượng với tinh thần lạc quan của các em gửi gắm trong triển lãm. “Điều đó thôi thúc chúng tôi, những người đại diện chính phủ, cơ quan nhà nước, làm nhiều hơn nữa cho các em vượt qua đại dịch. Qua tinh thần lạc quan này tôi thấy khát vọng vươn lên, thể hiện tinh thần chung của Việt Nam”.
Em Lê Thị Hồng Ngọc (10 tuổi, ở làng trẻ em SOS Hà Nội) chia sẻ về bức tranh của mình mang tên “Good Night" gợi cảm giác yên bình. "Bé gái trong bức tranh là hình ảnh người con đợi ba mẹ cùng về ăn cơm khi hết dịch, cũng có thể là hình ảnh cô bé cầu nguyện cho những người đã mất vì nhiễm bệnh".
Em Lê Thị Hồng Ngọc (10 tuổi, ở làng trẻ em SOS Hà Nội) chia sẻ về bức tranh của mình mang tên “Good Night".
Đồng hành cùng Lee Nguyễn Sae Hae, 10 tuổi, tại sự kiện, mẹ em, chị Nguyễn Thị Anh Vân cho biết Sae Hae được phát hiện mắc tự kỷ lúc 20 tháng tuổi. Năm em 4 tuổi, chị Vân Anh nhận thấy phát các hình vẽ của Sae Hae sinh động hơn hẳn hai anh chị của mình. Sau 6 năm, hội họa trở thành một phương thức giao tiếp của Sae Hae với thế giới. Tranh của em hiện được in trên các sản phẩm khăn, váy, sổ, túi... Sae Hae cũng giành được giải nhất vẽ tranh ở trường mới đây, giải ba của quận và một số giải trong các cuộc thi dành cho trẻ tự kỷ.
Với Chu Ánh Tuyết, 15 tuổi, Hưng Yên, em mang đến bức tranh “Bàn tay diệu kỳ" thể hiện sự đoàn kết của toàn dân tộc trong cuộc chiến chống Covid. Em là cô bé nghị lực, dù mắc U Lympho nhưng luôn giữ sự lạc quan và tìm thấy niềm vui trong hội hoạ trong những ngày mắc kẹt ở Hà Nội vì giãn cách.
Triển lãm tại Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Việt Nam là một trong những điểm dừng chân của hành trình truyền cảm hứng của những tác phẩm và những câu chuyện của trẻ em. Các tác phẩm sẽ tiếp tục sứ mệnh lan tỏa cảm hứng và tinh thần lạc quan của các em nhỏ nghị lực đến cộng đồng quốc tế thông qua chuỗi triển lãm, dự kiến tổ chức tại Mỹ, Đức... Đây là dịp đưa tiếng nói của các em tới cộng đồng sâu sắc hơn, nhắc nhở xã hội không nên bỏ quên tài năng, mơ ước và khao khát sống mãnh liệt của các em.
Triển lãm kể câu chuyện và dòng tâm sự ẩn sâu trong suy nghĩ của các em qua từng tác phẩm mà trẻ thể hiện.
Tại triển lãm, khách tham quan đã hiểu thêm câu chuyện hay tâm sự ẩn sâu trong từng tác phẩm khi tham gia vào một hành trình đầy cảm xúc tái hiện những ngày giãn cách xã hội qua mắt nhìn của trẻ em.
Trước đó, các tác phẩm này đã được triển lãm tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 18 - 22/11, thu hút hơn 1.000 lượt khách tham quan, trong đó có hai vị khách đặc biệt là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân Trần Nguyệt Thu.
"Vì một Việt Nam tất thắng" là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học diễn ra từ ngày 8/8, dành cho các em từng mắc hoặc đang điều trị ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, khuyết tật, tự kỷ, trẻ mồ côi. Cuộc thi do chương trình Mặt trời Hy Vọng (tiền thân là Ông Mặt Trời do ông Minh Nhân sáng lập), Quỹ Hy vọng (do FPT và báo VnExpress vận hành), trường Đại học Ngoại thương đồng tổ chức. Cuộc thi đã thu hút 2.300 bài dự thi ở cả hai nội dung hội họa và văn học. Có hơn 1.000 thí sinh từ 45 tỉnh, thành trong cả nước; trong đó, có nhiều em là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh, thành xa xôi như Điện Biên, Lai Châu, Gia Lai…
Nguồn: Quỹ Hy Vọng