Tại FPT, khi những người đồng đội không may qua đời, vẫn sẽ còn đó những người khác đồng hành, chăm lo cho gia đình của họ. Đó chính là chất kết dính mạnh mẽ tạo nên một tập thể FPT keo sơn bền chặt.
Hành trình trao gửi yêu thương của những người đồng đội trong hoạt động"Cùng bố mẹ bên con" của quỹ Trường Tồn.
Mỗi năm, vào dịp tháng 3 về cũng là lúc FPT Telecom tất bật nhiều hơn cho những hoạt động hướng về cộng đồng và cả những người đồng đội. "Cùng bố mẹ bên con" là một trong những chương trình như thế của quỹ Trường Tồn. Tại FPT Telecom, hai chữ Đồng Đội được xem là kim chỉ nam trong tôn chỉ cốt lõi của công ty. Những người đồng đội, dù một ngày làm việc tại FTEL - mãi mãi vẫn là người FTEL. Và khi họ mất đi, FTEL sẽ thay họ chăm lo cho gia đình còn lại.
Đến thăm gia đình bé Lê Hoàng Phúc, con anh Lê Văn Luân (FAF HCM), người đã mãi mãi ra đi sau vụ tai nạn giao thông vào 3 năm trước. Chị Hạnh - vợ anh Luân hiện đã có thể trở lại cuộc sống bình thường, đùm bọc lẫn nhau, nuôi dưỡng bé Phúc lớn khôn mà không có anh bên cạnh.
Đại diện công đoàn và những người đồng đội của anh Luân tại FPT Telecom đến thăm hỏi và gửi tặng số tiền trong quỹ Trường tồn cho bé Hoàng Phúc.
Từ ngày anh mất, hai mẹ con sống cùng với gia đình bên ngoại tại Tiền Giang. Chị tìm được một công việc online có thể làm tại nhà để tiện chăm sóc cho con trai. Nói về bé Lê Hoàng Phúc, cậu bé ngày nào chưa biết gì nay đã được 3,5 tuổi. Đã biết ngại và thích chia sẻ những câu chuyện của bản thân với mọi người. Trong ký ức của Phúc, cứ mỗi năm đều sẽ có những cô chú mặc áo cam - đồng đội của ba Luân đến chơi cùng mình, trao cho mình những món quà như những người thân thuộc trong gia đình vậy.
Đều đặn mỗi năm đều có những đồng đội thay nhau đến thắp cho anh Luân nén hương, trò chuyện động viên cùng gia đình.
Trường hợp của bé Nguyễn Trần Tuấn Kiệt, con trai của chị Trần Thị Xuân Lan - Trung tâm CSKH, người cũng đã mất sau một vụ tai nạn giao thông. Đã 7 năm kể từ ngày chị ra đi, những người đồng đội của chị mỗi năm vẫn đều đặn đến thăm hỏi và gửi tặng những món quà để động viên, hỗ trợ bé Tuấn Kiệt.
Hiện tại Tuấn Kiệt đang sống với ba và ông bà ngoại cũng hỗ trợ chăm sóc. Có lẽ xa mẹ từ khi còn bé, Tuấn Kiệt gặp chứng khó nói, gia đình phải tìm các trường để tập cho bé nói rõ. Năm nay khi các cô chú áo cam FPT quay lại, Tuấn Kiệt đã có thể tự tin và nói rõ hơn rất nhiều.
Năm thứ 2 đồng hành cùng hoạt động "Cùng bố mẹ bên con" của quỹ Trường tồn, chị Nguyễn Thị Dung Nghi - PGĐ Trung tâm CSKH cho biết:
"Cảm xúc thật khó diễn tả, phải nói là xúc động và cũng kèm theo niềm vui khi nhìn một đứa bé mất mẹ và lớn khôn khỏe mạnh bên ông bà ngoại. Bé nhớ cả các cô chú đã thường xuyên đến thăm bé. Sau một năm mà bé lớn hẳn ra, bé khoe con học lớp 3 và nặng 50kg rồi đó. Nhờ quỹ Trường tồn mà các cô chú có thể đến thăm con hàng năm, nhìn con lớn khôn và chia sẻ cảm nhận được cuộc sống của con. Mình cảm thấy tự hào và biết ơn khi tham gia cùng chương trình."
Chị Dung Nghi và chị Kim Thoa - Trung tâm CSKH đến thăm hỏi và trò chuyện cùng gia đình bé Tuấn Kiệt
Hay một trường hợp khác của bé Lê Gia Khang, con trai anh Lê Hoàng Trường Hạnh, CBNV INF MN không may qua đời. Trải qua nỗi đau mất ba từ năm 4 tuổi, Gia Khang sống cùng với mẹ và ông bà tại Đồng Nai. Từ lúc anh Hạnh mất đi sau cơn đột quỵ, 2 mẹ con Gia Khang đùm bọc lẫn nhau bằng việc bán tạp hóa trước cổng trường cấp 2. Năm nay khi những người đồng đội của anh Hạnh quay lại, Gia Khang bé bỏng ngày nào đã là cậu học sinh lớp 2 vô cùng ngoan ngoãn, tình cảm và yêu thương gia đình.
Đại diện trung tâm INF miền Nam đến thăm hỏi và gửi những phần quà đến bé Gia Khang
Và còn nhiều những hoàn cảnh như vậy, những người đồng đội của chúng ta không may mất đi, để lại những đứa con thơ cần sự thay thế để yêu thương, chăm sóc. Đó chính là giá trị to lớn của quỹ Trường Tồn với người FPT.
Là người đồng hành cùng quỹ Trường Tồn từ những năm 2013, anh Phan Phước Nhật - Phó chủ tịch Công đoàn FTEL - Trưởng phòng Văn hóa Đoàn thể FPT Telecom chia sẻ trong sự xúc động.
"Với mình, việc mỗi năm được đại diện công ty đến thăm hỏi gia đình đồng nghiệp không may qua đời, được trò chuyện và nhìn thấy sự lớn lên của con đồng đội ấy là một điều kỳ diệu, Bởi đó là lúc được ngồi kể lại, chia sẻ cho nhau những câu chuyện của đồng đội dù đã vĩnh viễn ra đi, nhưng những câu chuyện ấy vẫn còn kể mãi về những gì họ đã để lại trong lòng đồng đội, cho công ty, và người thân. Có những gia đình mình đã đến được 8 năm rồi, Và 8 năm nhìn thấy sự lớn lên của một đứa trẻ từ chưa biết gì, nay đã học lớp 3, đã biết viết bài tập làm văn "Cha em vừa làm cha vừa làm mẹ, vì Mẹ em đã mất" thật xúc động.
Anh Phan Phước Nhật đã đồng hành cùng hành trình trao quỹ Trường tồn được gần 10 năm nay
Với mình đó là những điều kì diệu của cảm xúc mà FPT cho mình tin tưởng vào sự tử tế của những đồng đội với nhau, kể cả lúc họ đã ra đi mãi mãi. Hôm qua trên đường về, mình đã có chút lo rằng liệu sau này FPT có còn giữ được Quỹ Trường Tồn, về hoạt động Cùng Bố Mẹ Bên Con này nữa hay không, Và mình không thể có câu trả lời, Nhưng mình mong các anh chị lãnh đạo dù sau này có về hưu, có thay đổi thế hệ, dù thay đổi nhiều chính sách công ty, nhưng vẫn sẽ vẫn giữ lại Quỹ Trường Tồn, giữ lại những hoạt động này. Bởi đây không chỉ là một nguồn quỹ để đến trao cho các con của CBNV đã mất mà nó còn là sợi dây kết nối, để người sống và người đã mất vẫn mãi là đồng đội, để các bạn nhỏ dần lớn lên hiểu được rằng cuộc đời cần tử tế cho nhau, kể cả khi không còn trên đời này nữa.".
Chia tay gia đình cuối cùng cũng là lúc trời vừa chạng vạng tối, vậy là cuộc hành trình trao quỹ trường tồn năm nay một lần nữa khép lại với bao cảm xúc khác nhau dành cho các thành viên trong đoàn. Lại thêm một năm nữa họ được đồng hành cùng những đứa trẻ, được thay bố mẹ chúng mang đến sự yêu thương, chứng kiến chúng lớn lên trong vòng tay của gia đình và xã hội.
Buổi chiều hôm ấy thật đẹp, những chiếc áo màu cam vẫn bước đi về phía trước, xa xăm cuối chân trời, hình bóng những người đồng đội cũ hiện lên mỉm cười hạnh phúc.
Đèn Biển